Quảng Trị với chiến lược xanh hóa nền kinh tế

Thời gian qua, Quảng Trị đã lồng ghép các mục tiêu về tăng trưởng xanh trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm. Tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải kính nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên...
17/03/2022 16:18

Hướng đến tăng trưởng xanh

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cùng với những khó khăn, thách thức trong biến đổi khí hậu đã cho thấy rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống, bảo đảm hài hòa giữa con người và thiên nhiên; cũng là động lực để thúc đẩy phát triển.

Theo ông Đồng, những năm gần đây nền kinh tế của tỉnh luôn trên đà phát triển, năm sau cao hơn năm trước, GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 56,8 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, các tiềm năng, lợi thế từng bước được phát huy và đóng góp ngày càng nhiều hơn vào tăng trưởng.

50

Quảng Trị đã tích hợp các mục tiêu tăng trưởng xanh trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 và trong xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030

Đối với phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu, tỉnh định hướng nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia theo hướng khai thác và sử dụng tiết kiệm, đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo. Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh thông qua việc điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Sản lượng lương thực có hạt hàng năm đạt trên 26 vạn tấn. Trồng rừng, nâng cao chất lượng rừng và quản lý tài nguyên rừng bền vững; Quảng Trị là tỉnh đi đầu trong việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC; Tổng diện tích thực hiện quy trình quản lý rừng bền vững gần 24.000 ha, trong đó có hơn 17.700 ha được cấp chứng chỉ; hơn 4.100 dự kiến năm 2022 sẽ đánh giá và cấp lại chứng chỉ cho giai đoạn mới. Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 50%.

49

Những năm gần đây nền kinh tế của Quảng Trị luôn trên đà phát triển, năm sau cao hơn so với năm trước

Thực hiện chính sách ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch, phát triển các nguồn năng lượng mới. Đến nay, tỉnh đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất hơn 671 MW, 2 dự án điện khí với tổng công suất 1.840 MW, 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 187 MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất hơn 167 MW...

Cùng với đó, tỉnh đã đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông vận tải, năng lượng, thủy lợi bền vững thông qua việc tăng cường đầu tư, nâng cấp các hệ thống, mạng lưới giao thông trên cơ sở tiết kiệm năng lượng, có hiệu quả kinh tế, môi trường cao, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; phát triển và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi liên kết đồng bộ và hệ thống hạ tầng các ngành, lĩnh vực khác nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải công cộng đô thị với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong đầu tư phương tiện, khai thác vận tải hành khách công cộng.

48

Tăng trưởng xanh đang là mục tiêu của tỉnh hướng tới trong những năm tiếp theo

Xây dựng nông thôn mới gắn với giữ gìn cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp. Tỉnh đã có 63/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 67/101 xã đtạ tiêu chí số 17 về môi trường. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đạt hơn 92%, tỷ lệ người dân thành thị dùng nước sạch đạt hơn 95%, tỷ lệ thu gom chất thải rắn khu vực đô thị 95,5%...

Nền tảng để phát triển bền vững

Ông Hà Sỹ Đồng cũng cho biết: Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững trong những năm tới, tỉnh Quảng Trị sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên; nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của địa phương; Rà soát thu hẹp dần những ngành gây ô nhiễm, lãng phí tài nguyên; Ưu tiên các ngành mới, có ưu thế, áp dụng, nhân rộng công nghệ mới, phù hợp với điều kiện địa phương, tạo việc làm cho người lao động.

47

Quảng Trị ưu tiên phát triển các lĩnh vực nhằm đạt được sự hài hòa phát triển kinh tế xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên

“Tỉnh đã tích hợp các mục tiêu tăng trưởng xanh trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 nhiệm kỳ 2020-2025 và trong xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên và xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030” - ông Đồng nói.

Tuy nhiên để hiện thực hóa các mục tiêu về tăng trường xanh trong giai đoạn tiếp theo, lãnh đạo UBND tỉnh cũng cho rằng: Công tác phối hợp tổ chức, thực hiện có tầm quan trọng đặc biệt, trong đó sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, cơ quan, các tổ chức trong nước và quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia đóng vai trò nền tảng nhằm đảm bảo việc triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh.

Cần đổi mới cách tiếp cận, phân loại các nguồn lực tài chính thực hiện Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2030; Xây dựng danh mục chương trình, dự án, đề án ưu tiên thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh; nhóm nhiệm vụ, giải pháp tổng thể và ưu tiên với các nhóm hoạt động tương ứng.

46

Quảng Trị là tỉnh đi đầu trên cả nước trong việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC

Bên cạnh đó, trung ương cần sớm ban hành hướng dẫn thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện đảm bảo đồng bộ, thống nhất.

Ông Hà Sỹ Đồng cho rằng, mô hình khai thác tài nguyên thiên nhiên ở quy mô không bền vững không những gây ra những tác động tiêu cực lớn đến môi trường, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu, mà còn không tính đến đầy đủ các khía cạnh về công bằng xã hội, bình đẳng giới, hòa nhập và cơ hội kinh tế cho thế hệ tương lai. Chính vì vậy, tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới, nhằm đạt được sự hài hòa phát triển kinh tế xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.

Theo TNVMT

comment Bình luận

largeer