Quy định mới từ Bộ Y tế, hướng dẫn chi tiết về công bố sản phẩm mỹ phẩm

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 34/2025/TT-BYT, mang đến những thay đổi quan trọng trong quy trình kê khai và công bố sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam. Các quy định mới này, có hiệu lực từ ngày 18/8/2025, nhằm chuẩn hóa việc công bố, đảm bảo tính minh bạch và chất lượng của sản phẩm trên thị trường.
22/07/2025 06:58

Thông tư mới quy định đối với trường hợp nộp hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm trực tuyến: Phiếu công bố phải được ký bởi người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu (chấp nhận chữ ký điện tử hoặc chữ ký số).

Trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường là hộ kinh doanh thì không bắt buộc phải đóng dấu của hộ kinh doanh trên Phiếu công bố.

Đối với trường hợp nộp hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính: Phiếu công bố phải được ký bởi người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu (không được sử dụng chữ ký dấu), có đóng dấu giáp lai (trường hợp Phiếu công bố gồm 02 tờ trở lên).

Trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường là hộ kinh doanh thì không bắt buộc phải đóng dấu của hộ kinh doanh trên Phiếu công bố, chủ hộ kinh doanh phải ký tên trên tất cả các trang có thông tin của Phiếu công bố.

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 34/2025/TT-BYT, mang đến những thay đổi quan trọng trong quy trình kê khai và công bố sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam.

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 34/2025/TT-BYT, mang đến những thay đổi quan trọng trong quy trình kê khai và công bố sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam.

Theo đó, mỗi sản phẩm mỹ phẩm chỉ được công bố trong một Phiếu công bố. Sản phẩm mỹ phẩm được sản xuất hoàn chỉnh tại mỗi công ty sản xuất khác nhau thì công bố riêng. Trường hợp có từ hai công ty trở lên tham gia các công đoạn sản xuất để sản xuất ra một sản phẩm hoàn chỉnh thì lập chung trong một Phiếu công bố và phải nêu rõ tên, địa chỉ đầy đủ, công đoạn tham gia sản xuất của từng công ty.

Các sản phẩm cùng một chủ sở hữu sản phẩm được phép công bố trong một Phiếu công bố trong các trường hợp: Các sản phẩm cùng tên, cùng dòng sản phẩm có công thức tương tự nhau nhưng có màu sắc hoặc mùi khác nhau thì được đóng gói với tên chung và được bán dưới dáng một bộ sản phẩm; trừ sản phẩm nhuộm tóc, nước hoa thì công bố riêng cho từng màu, từng mùi. Các dạng khác sẽ được Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế quyết định dựa vào quyết định của Hội đồng mỹ phẩm ASEAN.

Thông tư quy định về cách thức ghi thành phần công thức có trong sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó, thành phần có trong công thức sản phẩm phải được ghi đầy đủ theo thứ tự hàm lượng giảm dần. Các thành phần nước hoa, chất tạo hương và các nguyên liệu của chúng có thể viết dưới dạng "hương liệu" (perfume, fragrance, flavour, aroma).

Những thành phần với hàm lượng nhỏ hơn 1% có thể liệt kê theo bất kỳ thứ tự nào sau các thành phần có hàm lượng lớn hơn 1%.

Các chất màu có thể được ghi theo bất cứ thứ tự nào sau các thành phần khác theo chỉ dẫn màu (CI) hoặc theo tên như trong Phụ lục IV (Annex IV) của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN. Những sản phẩm mỹ phẩm dùng để trang điểm, dưới dạng các màu khác nhau có thể liệt kê tất cả các chất màu trong mục "có thể chứa" hoặc "+/-".

Nêu đầy đủ tỷ lệ phần trăm của các thành phần có quy định về giới hạn nồng độ, hàm lượng tại các Phụ lục (Annexes) của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN. Giữa hàng đơn vị và hàng thập phân được đánh dấu bằng dấu phẩy (",").

Tên thành phần phải được ghi bằng danh pháp quốc tế (International Nomenclature of Cosmetic Ingredients - INCI) quy định trong các ấn phẩm mới nhất: Từ điển thành phần mỹ phẩm quốc tế (International Cosmetic Ingredient Dictionary), Dược điển Anh (British Pharmacopoeia), Dược điển Mỹ (United States Pharmacopoeia), Dữ liệu tóm tắt về hoá học (Chemical Abstract Services), Tiêu chuẩn Nhật Bản về thành phần nguyên liệu mỹ phẩm (Japanese Standard Cosmetic Ingredient), ấn phẩm của Nhật Bản về thành phần nguyên liệu mỹ phẩm (Japanese Cosmetic Ingredients Codex).

Tên thực vật và dịch chiết từ thực vật phải được viết bằng tên khoa học bao gồm chi, loài thực vật (tên chi thực vật có thể rút ngắn). Các thành phần có nguồn gốc từ động vật cần nêu chính xác tên khoa học của loài động vật đó.

Đặc biệt, Thông tư cũng liệt kê rõ, những chất sau đây không được coi là thành phần của mỹ phẩm: Tạp chất trong nguyên liệu được sử dụng; các nguyên liệu phụ được sử dụng vì mục đích kỹ thuật nhưng không có mặt trong thành phẩm; nguyên liệu được sử dụng với số lượng cần thiết như dung môi hoặc chất mang của các thành phần tạo mùi.

Thông tư cũng nêu rõ ràng về cách thức, ngôn ngữ trình bày trong Phiếu công bố là tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Các nội dung ghi tại mục 3 (Mục đích sử dụng), mục 8 (Thông tin về tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường), mục 9 (Thông tin về người đại diện theo pháp luật của Công ty), mục 10 (Thông tin về Công ty nhập khẩu) trong Phiếu công bố phải ghi bằng tiếng Việt hoặc tiếng Việt và tiếng Anh.

Đối với các hồ sơ đã nộp trước ngày Thông tư này có hiệu lực (18/8/2025), doanh nghiệp có thể lựa chọn tiếp tục thực hiện theo quy định cũ hoặc áp dụng các quy định mới để thuận tiện hơn trong các thủ tục hành chính.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố được giao trách nhiệm triển khai các thủ tục trực tuyến trong việc tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước, cũng như phê duyệt đơn hàng nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu và thử nghiệm. Điều này hứa hẹn sẽ đơn giản hóa quy trình và tiết kiệm thời gian cho các doanh nghiệp.

Những quy định mới này của Bộ Y tế là một bước tiến quan trọng trong việc quản lý sản phẩm mỹ phẩm, hướng tới việc đảm bảo an toàn và quyền lợi cho người tiêu dùng, đồng thời tạo môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng cho các doanh nghiệp.

Nguyên An (tổng hợp)

comment Bình luận