Quy hoạch và xây dựng hình mẫu đô thị xanh tại TP Thanh Hóa

TP Thanh Hóa được quy hoạch, xây dựng hướng đến hình mẫu đô thị xanh, văn minh, hiện đại và có bản sắc, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa vùng đồng bằng sông Mã và văn hóa Đông Sơn.
23/03/2023 16:59
Một góc TP Thanh Hóa.

Một góc TP Thanh Hóa.

Xây dựng hình mẫu đô thị xanh

Với vị trí chiến lược quan trọng, TP Thanh Hóa đang phát huy vai trò là động lực cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, quá trình đô thị hóa tại đây đang diễn ra mạnh mẽ và từng bức được ghi nhận, góp phần đáng kể cho sự thay đổi bộ mặt đô thị, giúp tỉnh Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ cả về thế và lực.

Song song với quá trình đô thị hóa, xây dựng đô thị xanh đang là xu thế tất yếu của các đô thị lớn hiện nay. Nhiều tỉnh thành đã lên kế hoạch để phát triển đô thị xanh ở địa phương mình với mục tiêu tạo không gian xanh cho người dân.

Tại TP Thanh Hóa, tổng diện tích đất quy hoạch công viên cây xanh theo Đề án phát triển, quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 khoảng 153,4 ha, dân số trung bình của thành phố năm 2021 là 366.565 người. Tương ứng với chỉ tiêu đất công viên khoảng 4,2 m2/người.

Từ đó, các cơ quan chức năng TP Thanh Hóa đặt chỉ tiêu từng bước nâng cao chất lượng sống, cải thiện môi trường và nâng cao chỉ tiêu đất cây xanh trên địa bàn, đáp ứng theo chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh sử dụng công cộng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy hoạch chung của thành phố.

Cụ thể, giai đoạn 2010-2020 thành phố đã đầu tư cải tạo, nâng cấp và nâng cao hiệu quả sử dụng các công viên, quảng trường, hồ nước, vườn hoa công cộng như hồ Đồng Chiệc, Quảng trường Lam Sơn,... kiểm soát việc quy hoạch, bố trí cây xanh trong các khu đô thị mới, tăng cường công tác giám sát môi trường, đưa vào sử dụng các tuyến giao thông công cộng để hạn chế phương tiện cá nhân...

Tại các khu vực đô thị hiện hữu ngoài các khu công viên hiện có, thành phố đã đầu tư, giải phóng mặt bằng, di chuyển một số khu dân cư để xây dựng các khu quảng trường, công viên cây xanh như quảng trường Lam Sơn, quảng trường Lê Lợi, cải tạo khu vực thư viện tỉnh và công viên Hồ Thành... để có thêm các điểm đến mới, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí và thể dục thể thao cho người dân.

Khu đô thị Vinhome Star city tại phường Đông Hải, TP Thanh Hóa.

Khu đô thị Vinhome Star city tại phường Đông Hải, TP Thanh Hóa.

Đối với các khu vực đô thị mới, tại các đồ án quy hoạch chi tiết khu đô thị mới đều dành quỹ đất để bố trí các công viên cây xanh đô thị, đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu đất cây xanh so với quy chuẩn hiện hành như khu đô thị Vinhome Star city, khu đô thị Đông Hải, Khu đô thị Đông Sơn...

Hệ thống sông, kênh, trong khu vực nội thành như sông Hạc, sông Nhà Lê,… đều có các dự án cải tạo, nạo vét khơi thông dòng chảy đảm bảo thoát nước tự nhiên và tăng cường không gian mở cho đô thị. Hệ thống ao hồ tự nhiên đều được giữ lại nguyên trạng để góp phần tăng cường không gian mặt nước, cải thiện vi khí hậu và hỗ trợ thoát nước tự nhiên như hồ Đồng Chiệc, hồ Núi Long, hồ Núi Mật...

Việc xây dựng đô thị xanh còn nhiều trở ngại

UBND TP Thanh Hoá đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 chỉ tiêu cây xanh toàn đô thị (bao gồm cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng) đạt được tối thiểu khoảng 7,5m2/người, đến năm 2035 tỷ lệ cây xanh toàn đô thị đạt chuẩn theo tiêu chuẩn đô thị loại I là 15m2/người.

Ngoài ra, để góp phần xây dựng đô thị xanh, Chủ tịch UBND TP Thanh Hoá cũng phê duyệt Đề án xây dựng TP Thanh Hoá trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025 hoàn thiện cơ bản các ứng dụng công nghệ thông tin cho đô thị thông minh, đến năm 2030 cơ bản trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, trong nhóm các đô thị đứng đầu cả nước; đồng thời phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa vùng đồng bằng sông Mã và văn hóa Đông Sơn.

Tuy nhiên, ngoài những nỗ lực của chính quyền địa phương, cũng cần sự chung tay, đồng lòng của người dân đối với định hướng phát triển thành phố. Bởi khi bộ mặt đô thị được thay đổi mạnh mẽ thì chất lượng cuộc sống người dân cũng sẽ được nâng lên nhờ những tiện ích từ các khu đô thị văn minh đem lại.

Ông Phan Lê Quang - Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Thanh Hóa cho rằng khái niệm về đô thị xanh còn khá mới, nhiều người vẫn hiểu đô thị xanh là đô thị có nhiều công viên, cây xanh, mặt nước, khá hơn thì có thêm việc sử dụng năng lượng bằng pin mặt trời cho các tòa nhà và trồng cây xanh trên mái. Theo dự thảo đề án phát triển TP Thanh Hóa trở thành đô thị loại I, tỉnh sẽ phải thực thi các giải pháp đột phá nhằm phát triển kinh tế - xã hội, từ đó sẽ tác động lan tỏa, nâng cao vai trò của đô thị, thu hút dân cư, phát triển hạ tầng và kinh tế đô thị, hướng đến xây dựng đô thị xanh.

Công viên Hội An, TP Thanh Hóa.

Công viên Hội An, TP Thanh Hóa.

Theo các chuyên gia quy hoạch, việc phát triển đô thị xanh ở Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng còn gặp nhiều trở ngại do hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện, môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng, dân số đông nên hạn chế về quỹ đất xây dựng, đội ngũ chuyên gia quy hoạch còn ít và trình độ chưa cao.

Thanh Hóa nên xây dựng chính sách khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư xây dựng đối với những công viên công cộng có quy mô lớn, quy hoạch xây dựng xen cài các loại hình khai thác phù hợp như: Khu vui chơi có thu phí; khu vực triển lãm, trưng bày hoa cảnh, cảnh quan chuyên đề; khu dịch vụ thể dục thể thao,…

Bên cạnh đó, cần rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn để bổ sung và hoàn thiện hơn nữa nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị xanh hiện tại và tương lai. Ngoài cây xanh công cộng, cần quan tâm hơn nữa đến hệ thống cây xanh nằm trong các công trình tư nhân như nhà ở đơn lẻ, cơ quan.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040, phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính TP Thanh Hoá và huyện Đông Sơn, với tổng diện tích khoảng 22.821 ha.

Theo đó, quy hoạch đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển TP Thanh Hoá trở thành một trong những trung tâm lớn về y tế, giáo dục - đào tạo, văn hoá,… của vùng Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ; dẫn đầu tỉnh Thanh Hóa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; có kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao,… hướng tới đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại và là một động lực quan trọng góp phần đưa tỉnh Thanh Hoá trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

 Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer