Thanh Hóa: Nhiều bệnh viện gặp khó trong việc tự chủ tài chính

Sau khi triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính giai đoạn 2022-2025 mà UBND tỉnh Thanh Hoá giao, một số bệnh viện công lập ở khu vực miền núi Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn. Thậm chí có đơn vị thu không đủ chi, nợ các chế độ đãi ngộ làm thêm ngoài giờ, phẫu thuật, thủ thuật của cán bộ, y, bác sĩ…
07/03/2023 18:01

Theo đó, Bệnh viện đa khoa huyện Mường Lát sau khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, ngân sách Nhà nước cấp cho bệnh viện giảm đã gây khó khăn trong cân đối nguồn kinh phí trả lương và các khoản phụ cấp cho cán bộ. Ngoài ra, nguồn kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bị nợ đọng và bị thu hồi do vượt định mức, làm cho việc cân đối nguồn càng thêm khó khăn.

Báo cáo tổng kết công tác khám, chữa bệnh cuối năm 2022 của Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát cho rằng, việc tự chủ tài chính là chưa thực sự phù hợp, đặc biệt với bệnh viện nằm ở vùng đặc biệt khó khăn như bệnh viện này. Ngoài các quy định về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập, phần chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt dự toán đến nay vẫn chưa được thanh toán, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cân bằng tài chính của đơn vị. Kéo theo việc thanh toán các chế độ cho người lao động cũng bị chậm trễ.

c1

Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Hóa, một trong những đơn vị gặp khó khăn bởi cơ chế tự chủ

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Hóa thuộc nhóm tự đảm bảo chi thường xuyên từ 30-70%, kinh phí từ ngân sách được cấp là 2,8 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bệnh viện này đang bị mất cân đối tài chính khi thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính.

Hạch toán sơ bộ năm 2022 của bệnh viện Đa khoa huyện Quan Hóa cho thấy, nguồn thu từ viện phí, dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sau khi trừ chi phí thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm... còn khoảng 2,7 tỷ đồng, cộng với nguồn từ ngân sách cấp, tổng thu của bệnh viện khoảng 5,5 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn chi lương, phụ cấp cho 84 cán bộ, viên chức và 4 hợp đồng trong năm 2022 là 8,4 tỷ đồng, chưa tính chế độ làm thêm ngoài giờ, phẫu thuật, thủ thuật...

Do không cân đối được thu - chi, Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Hoá phải sử dụng hết quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và phúc lợi đã trích lập từ những năm trước đó để chi trả chế độ. Hiện tại, bệnh viện này đang thiếu bác sĩ các chuyên khoa về mắt, tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt, da liễu, tâm thần... nhưng không thể tuyển thêm.

Cùng chung “cảnh ngộ”, Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh nợ chế độ làm thêm ngoài giờ, phẫu thuật, thủ thuật của cán bộ, y bác sĩ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022. Ngoài ra, còn nợ tiền thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm của nhà cung ứng. Định biên của bệnh viện là 201 người, nhưng hiện tại mới chỉ có 96 cán bộ, viên chức. Trong các năm 2020-2021, đã có tới 4 bác sĩ viết đơn xin nghỉ công tác.

c2

 Bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát thăm, khám cho bệnh nhân

Về việc này, ông Đỗ Thái Hoà - Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, cho biết: "Bệnh viện đa khoa các huyện như Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh là những đơn vị thuộc nhóm khó khăn nhất ở các bệnh viện công lập khu vực miền núi trong thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính. Nguyên nhân của thực trạng này có thể kể đến cơ chế thanh quyết toán dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn bất cập. Liên tục từ năm 2020 đến đầu năm 2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 lưu lượng bệnh nhân đến bệnh viện giảm mạnh. Trong khi đó, các bệnh viện vẫn phải đảm bảo chi hoạt động thường xuyên, như chế độ con người, văn phòng phẩm, điện, nước... và chi phát sinh cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 ở địa phương. Ngoài ra, do không còn được Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế, nên tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở khu vực miền núi cũng giảm sâu, gây khó khăn về nguồn thu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế".

Để giảm bớt những khó khăn trên, theo ông Đỗ Thái Hoà: "Các bệnh viện cần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành để tăng thu, tiết kiệm chi thông qua nhiều giải pháp như lựa chọn những dịch vụ kỹ thuật mới phù hợp, chi phí hợp lý nhưng mang lại hiệu quả cao; nâng cao chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để giảm thiểu việc từ chối và xuất toán trong thanh quyết toán bảo hiểm y tế; lựa chọn, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư, sinh phẩm an toàn, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm".

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer