Rau cần ta điều trị mất ngủ, tiểu ra máu và tiểu buốt

Ở nước ta, rau cần ta hay bị nhầm với rau cần tây. Tuy nhiên, có thể phân biệt rau cần ta dễ dàng vì thân của chúng hình ống, rỗng bên trong và rất giòn (nên còn được gọi là rau cần ống). Rau cần ta có tên khoa học là Oenanthe javanica, thuộc họ hoa tán Apiaceae.
18/12/2023 17:09

Công dụng làm thuốc của rau cần ta

Rau cần là loại rau thanh mát, dễ trồng và dễ dùng làm thuốc. Theo y học cổ truyền, mỗi ngày lấy từ 16 đến 20g rau cần xắt nhỏ và nấu nước uống sẽ giúp mang lại các lợi ích như:

- Thanh nhiệt, mát máu (lương huyết).

- Tốt cho hệ tiêu hóa (lợi đại tiểu tràng).

- Giúp lợi tiểu, tiêu thũng.

- Giúp giảm đau, cầm máu.

- Giúp hạ sốt, hạ huyết áp.

- Làm giảm viêm nhiễm đường tiết niệu.

- Cải thiện tình trạng rong kinh, bạch đới ở phụ nữ.

Không chỉ thế, đối với các nốt áp xe, bầm dập do té ngã hay bị côn trùng cắn đốt (kể cả rắn cắn, bò cạp cắn) thì lấy rau cần tươi giã nát, đắp lên cũng có tác dụng tốt.

raucan

Rau cần ta (Ảnh minh họa: Caythuoc.org)

Cháo rau cần bổ thận, lợi tiểu và hạ đường huyết

Cháo rau cần không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn hỗ trợ điều trị bệnh. Với những người bị mụn nhọt do nóng trong người thì thường xuyên ăn cháo rau cần sẽ giúp thanh nhiệt, bình can. Ngoài ra, cháo rau cần cũng rất tốt đối với những người thận yếu hay bị tiểu đường (tuy nhiên, cần dùng thường xuyên và kiên trì mới thấy hiệu quả).

Cách nấu: Nhặt sạch, rửa và cắt nhỏ 60g rau cần tươi rồi cho vào nồi cùng với 70g gạo tẻ, sau đó nấu thành cháo. Cháo này nên ăn lúc còn nóng và mỗi ngày nên ăn hai lần (vào buổi sáng và tối).

Một số bài thuốc thông dụng

Điều trị tiểu ra máu và tiểu buốt: Lấy 100 đến 200g rau cần ta (dùng rau tươi có cả rễ), rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước uống.

Điều trị mất ngủ: Ngày nay, mất ngủ không còn là bệnh của người già. Thanh thiếu niên, nhất là những người chịu áp lực công việc, bị stress hoặc thường xuyên làm việc với máy tính sẽ hay mất ngủ. Trong trường hợp này, có thể dùng táo đỏ, trà đàn hương hoặc đọt nhãn lồng… và nhiều loại thảo dược khác để cải thiện giấc ngủ. Riêng với rau cần ta, y học cổ truyền có bài thuốc với cách dùng như sau: Lấy rễ và gốc cây rau cần (khoảng 90g), toan táo nhân (9g, sao cháy đen) và cùng cho vào nồi, nấu lấy nước uống.

Điều trị ho do lao phổi: Lấy 30g rễ rau cần rửa sạch, xắt nhỏ rồi trộn với một ít mật ong, sau đó đem xào và ăn mỗi ngày (mỗi ngày ăn hai hoặc ba lần như vậy).

Một số nghiên cứu về rau cần

Hoạt tính chống viêm gan: Theo tạp chí Journal of Ethnopharmacology, trong rau cần ta có các hoạt chất giúp ức chế sự phát triển của bệnh viêm gan B (in vivo).

Hoạt tính hạ đường huyết: Kết quả nghiên cứu trên chuột tiểu đường cho thấy chiết xuất rau cần ta có tác dụng hạ đường huyết thông qua cơ chế thúc đẩy giải phóng insulin.

Hoạt tính chống ung thư: Các nghiên cứu đều cho thấy ăn nhiều rau xanh giàu chất diệp lục và vitamin (như C, E) sẽ góp phần làm giảm ung thư. Với rau cần ta cũng vậy. Kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ loại rau này có tác dụng chống oxy hóa và ức chế các tác nhân gây ung thư ruột kết ở người (HCT 116).

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer