Sai lầm khi sử dụng tăm bông lấy ráy tai

Nhiều người có thói quen sử dụng tăm bông để lấy ráy tai, vệ sinh tai và cũng thực hiện cách này đối với trẻ nhỏ. Nhưng các chuyên gia đã cảnh báo những sai lầm của người dùng khi thực hiện phương pháp vệ sinh tai này.
25/02/2021 11:52

Tác dụng của ráy tai

Theo nghiên cứu, ráy tai không hề vô dụng và cần bỏ đi như nhiều người vẫn nghĩ. Đây chính là đoạn nối giữa vành tai và phần tai giữa. Ráy tai nằm ngay ở ống tai ngoài. Nó do một loại chất nhờn giống như mồ hôi tiết ra từ những tuyến hạch nhỏ (tuyến ráy tai) trộn cùng với những tế bào chết rơi ra trong lỗ tai mà thành.

Về cấu tạo, ráy tai được hình thành từ 60% keratin và các tế bào da chết, cholesterol, axit béo, cùng nhiều hợp chất khác... Chất này xuất hiện ở tai ngoài, và nó do tuyến cerumenous (chuyên sản xuất chất sáp) ở bên trong ống tai tiết ra.

ray tai

Hình minh họa.

Ráy tai của người sẽ có màu sắc và trạng thái khác nhau, tùy vào từng người. Do vậy, sẽ có người có ráy tai khô, có người lại có ráy tai ướt. Điều này là hoàn toàn bình thường.

Theo các nhà khoa học, ráy tai chính là một trong nhiều phương pháp bảo vệ cơ thể con người. Nó được cấu tạo giống y như một cái bẫy dính, ngăn các vật thể lạ, vi khuẩn lọt vào tai, giúp bảo vệ ống tai và màng nhĩ không bị kích thích, không bị viêm. Ráy tai còn có tác dụng đặc biệt trong việc ngăn ngừa vật thể lạ, vi khuẩn, vi trùng xâm nhập vào tai gây nên các bệnh lý. Đồng thời, nó còn giúp tai không bị “sốc” với những âm thanh quá lớn. Ráy tai cúng có tính a-xít nhẹ, nên nó có đặc tính kháng khuẩn. Không có ráy tai, ống tai sẽ bị khô, úng nước, dễ bị nhiễm trùng.

Do vậy, chúng ta không nên thường xuyên lấy ráy tai, chỉ khi nào cảm thấy ù tai hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường. Khi đó, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và thăm khám.

Có nên dùng tăm bông lấy ráy tai không?

Chính vì tâm lý của nhiều người cho rằng ráy tai khiến tai bị bẩn, ngứa và cần phải loại bỏ nên họ thường sẽ tìm mọi cách để tống sạch nó ra ngoài. Trong đó, việc sử dụng tăm bông là thói quen được nhiều người dùng vì sự tiện lợi, đặc biệt thói quen này còn được áp dụng cả với trẻ em.

Tuy nhiên, đây là thói quen sai lầm. Chúng ta chỉ sử dụng đầu tăm bông mềm để làm sạch các phần bên ngoài của tai, và không bao giờ chọc vào bên trong.

tam bong

Có nên lấy ráy tai bằng tăm bông không?

Việc dùng tăm bông chọc sâu vào trong chỉ khiến ráy tai bị đẩy sâu vào, chưa tính đến việc nếu sử dụng tăm bông không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng càng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai.

Thông tin trong một bài báo đăng trên Tạp chí Y khoa Anh cho biết: "Chúng ta thường dùng tăm bông để lấy ráy tai nhưng từ lâu chúng đã được biết đến có thể gây ra một số vết thương như thủng màng nhĩ, đầu bông sót lại gây nhiễm khuẩn, ráy tai bị kẹt vào bên trong. Trường hợp này đang cảnh báo chúng ta một lần nữa về mối nguy tiềm ẩn của tăm bông”.

Đối với trẻ em, sử dụng tăm bông lấy ráy tai này thường xuyên sẽ làm rụng lông tai dẫn đến làm hư chức năng tống chất bẩn ra ngoài cửa ống tai. Đó cũng là nguyên nhân khiến trẻ hay bị viêm ống tai ngoài và hay có ráy tai hơn.

Mặc dù, bông ráy tai tiếp xúc nhẹ nhàng với tai bé, nhưng các mẹ cần lưu ý vì bé có thể phản ứng hất tay của bé hay mọi người xung quanh tác động vào khi mẹ đang thao tác trong ống tai bé. Nó có thể gây thủng màng nhĩ.

Trên thực tế, đã có trường hợp ghi nhận bệnh nhân suýt tử vong do thói quen dùng tăm bông này. Đó là trường hợp của một phụ nữ người Úc  tên là Jasmine Small, 38 tuổi, sống tại Úc. Theo chia sẻ, mỗi lúc ngoáy tai bằng tăm bông cô cảm thấy đau, khó chịu, thậm chí không thể nghe được gì từ bên tai trái. Thỉnh thoảng còn  thấy tai bị chảy dịch màu nâu, có mùi hôi, thậm chí có lần lẫn cả máu. Cô phải đến gặp chuyên gia tai mũi họng để chụp CT.

Sau khi khám, bác sĩ kết luận cô đã bị nhiễm trùng sâu bên trong tai, ổ nhiễm trùng này cũng khá gần với não và nguyên nhân gây ra chính là sợi bông mỏng rơi ra từ bông ngoái tai và nằm im ở đó trong một thời gian dài. 

Hiện nay, có nhiều phương pháp lấy ráy tai khác an toàn hơn mà bạn có thể tham khảo như: dùng nước muối sinh lí, nước ấm, hay các dung dịch có bán ngoài thị trường như Hydrogen Peroxide, Glycerin, dầu ô liu, dầu dừa,… Các dung dịch này giúp làm mềm ráy tai đồng thời có thể hạn chế khả năng vi khuẩn xâm nhập vào tai gây ra các bệnh viêm tai. 

Hồng Anh (tổng hợp)

 

 

 

comment Bình luận

largeer