Sáng 20/3: Trong 80 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.527.139 ca nhiễm COVID-19, số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là 10.614.857 ca. Trong số các trường hợp đang theo dõi, giám sát hiện có 5 ca nặng đang thở oxy.
20/03/2023 10:13

Bộ Y tế cho biết, ngày 19/3 có 23 ca mắc mới COVID-19, cao gấp gần 4 lần so với ngày trước đó. Trong ngày có 10 bệnh nhân khỏi.      

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.527.139 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.490 ca nhiễm).

Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.614.857 ca. Trong số các trường hợp đang theo dõi, giám sát hiện có 5 ca nặng đang thở oxy.

Ảnh: Bộ Y tế

(Ảnh: Bộ Y tế)

Đến nay đã 80 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. 

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).

Theo nhận định của Bộ Y tế, với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao do các quốc gia đã mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19, cùng với thời tiết thay đổi bất thường đã làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sởi…

Bên cạnh đó, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi, tái nổi cũng đang tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập, lây lan rộng.

Do đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; bố trí kinh phí, bảo đảm nguồn lực và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác phòng, chống dịch.

Ngành y tế các địa phương tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; thúc đẩy nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động y tế dự phòng và y tế cơ sở, nhất là tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, biên giới, hải đảo...

Thu Trang

comment Bình luận

largeer