Siết chặt dạy thêm: Phụ huynh hưởng ứng, giáo viên “kêu trời”?

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm đã nhận được sự đồng tình của một bộ phận phụ huynh học sinh, tuy nhiên cũng tác động không nhỏ đến tâm tư tình cảm của không ít thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các nhà trường.
27/01/2025 15:27

 Tin “sốc” đối với thầy cô giáo trước Tết âm lịch

Trước Tết Ất Tỵ (2025) hai tháng, tại các trường học ở Hải Phòng tràn ngập tin vui về các khoản thu nhập tăng thêm đối với các thầy cô giáo như: Khoản kinh phí thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 05 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng; khoản tiền thưởng định kỳ áp dụng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ; khoản tiền tiết kiệm chi thường xuyên cuối năm của nhà trường (nếu các nhà trường tiết kiệm được) và tiền thưởng theo quy chế chi tiêu nội bộ. Như vậy, với 04 khoản tiền nêu trên, mỗi giáo viên cũng rủng rỉnh có thêm từ 30 – 50 triệu đồng, thập chí có người được hàng trăm triệu đồng.

conguyenthimaixuan

Giờ học chính khóa của cô, trò trường THCS Bắc Sơn, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng

Tuy nhiên, niềm vui về các khoản thu nhập tăng thêm chưa được bao lâu, thì các nhà trường và thầy cô giáo đã đón nhận một tin mà không ít người cho là “tin sốc”, đó là Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 30/12/2024, Quy định về dạy thêm, học thêm. Theo đó, thông tư nêu rõ: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học; giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh như: kết quả học tập cuối kì chưa đạt, bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh cuối cấp tự nguyện; Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lí theo quy định của Luật Doanh nghiệp…

29

  Cô Nguyễn T.A, giáo viên trường THPT trên địa bàn Hải Phòng cho rằng: “Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo siết chặt hoạt động dạy thêm, học thêm là cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, việc cấm giáo viên dạy thêm trong trường sẽ đẩy phụ huynh cho con đến học tại các trung tâm dạy thêm bên ngoài, trong khi chất lượng của các trung tâm này sẽ không đảm bảo mà giá thì lại cao hơn nhiều so với học trong trường”.

chulanphuong

         Tinh thần giảng dạy và học tập hăng say của cô, trò Trường THCS Hoàng Diệu, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng

Thầy A, lãnh đạo một trường THCS trên địa bàn quận Kiến An, Hải Phòng, đưa ra quan điểm cá nhân của mình: Việc siết chặt dạy thêm, học thêm không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh, mà còn ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của không ít thầy cô giáo, bởi vì lương thì thấp, giáo viên chỉ trông chờ vào tiền thu nhập từ hoạt động dạy thêm. Có lẽ ngành sư phạm tới đây sẽ không còn là ngành “hót” nữa và sẽ không thể thu hút được người tài nếu hoạt động dạy thêm, học thêm bị siết chặt, giáo viên không có thu nhập tăng thêm? Và nếu Nhà nước không có cơ chế chính sách đặc thù đối với giáo viên?.

“Theo quan điểm của tôi, việc thắt chặt quản lý dạy thêm, học thêm là cần thiết, nhưng nên chuyển trọng tâm vào việc quản lý các trung tâm dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường vì tại các trung tâm này hầu như điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng được, thu tiền học cao gấp nhiều lần trong trường, trong khi chất lượng dạy và học lại không có ai kiểm tra, đánh giá?”, Thầy A nói.

  Giảm áp lực học tập cho học sinh và phụ huynh

  Ngay sau khi Thông tư 29 được ban hành, đã nhận được thông tin trái chiều từ các bậc phụ huynh học sinh. Một bộ phận phụ huynh lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ quy định này, họ cho rằng, việc cấm dạy thêm sẽ giúp giảm áp lực học tập đè nặng lên vai học sinh, cùng với đó là việc giảm gánh nặng về tài chính cho các gia đình. Không ít phụ huynh lại tỏ ra lo lắng, việc siết chặt hoạt động dạy thêm, học thêm khiến việc quản lý các con ở nhà rất khó khăn? học thêm ở trung tâm có đảm bảo chất lượng không, trong khi hoạt động dạy học lại được coi là một nghề kinh doanh? Chưa kể tiền học ở các trung tâm sẽ cao hơn gấp nhiều lần tiền học thêm trong nhà trường.

hstieuhoc

Thông tư 29 nghiêm cấm dạy thêm đối với khối tiểu học

Chị Lan mẹ đơn thân, nuôi 2 con, một con học lớp 6, một con lớp 10 (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) cho biết, thu nhập hàng tháng của chị được hơn chục triệu đồng, thế mà tiền học thêm của 2 con đã “ngốn” hai phần ba lương của chị. “Cả 2 con tôi ngoài học thêm ở trường thì chúng còn học thêm ở nhà thầy cô giáo và cả ở trung tâm nữa. Với đồng lương ít ỏi, 3 mẹ con tôi phải chật vật sống qua ngày, qua tháng, hạn chế mua sắm cho các con, vì tiền lương tháng nào hết tháng đó”, chị Lan cho biết.

Chị Hoa đang có con học cấp 1 tại quận Kiến An cũng đồng tình với việc cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học vì lý do: “Học sinh tiểu học đang tuổi ăn tuổi ngủ, tuổi chơi, nên chúng cần được vui chơi, khám phá thế giới xung quanh thay vì cứ suốt ngày vùi đầu vào sách vở. Cả ngày học ở trường đã rất mệt mỏi rồi, tối lại phải đi học thêm, chưa kể đến việc phải làm bài tập về nhà cô giao nữa. Mặc dù việc học thêm ở bậc tiểu học là không cần thiết, nhưng nhiều phụ huynh vẫn phải cố cho con đi học vì lý do họ sợ nếu con mình không đi học thêm con mình sẽ không được cô “quan tâm”.

Không ít phụ huynh lo lắng

         Anh Tr. là một luật sư có con học cấp 2 trên địa bàn quận Kiến An chia sẻ, Tại khoản 3 Điều 10. Trách nhiệm của UBND cấp huyện quy định: “Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện giám sát, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ của tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trên địa bàn”. Việc UBND cấp xã được phép thực hiện giám sát, kiểm tra công tác dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thể sẽ gây ra hiện tượng một số cán bộ xã phường thường xuyên nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó dễ cho hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường.

“Tôi thấy có một sự vô lý là tại sao giáo viên đang dạy học tại các nhà trường lại không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường? Trong khi giáo viên đó là giáo viên dạy giỏi, có “thương hiệu” và nhu cầu học thêm là tự nguyện xuất phát từ phía học sinh và học sinh có quyền lựa chọn giáo viên giảng dạy cho mình”. Anh Tr. Nói.

Chị Hồng, một phụ huynh có con học cấp 3 trên địa bàn quận Ngô Quyền đưa ra quan điểm cá nhân của mình: Tôi hoàn toàn đồng ý với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm dạy thêm, học thêm đối với bậc tiểu học vì các con còn quá nhỏ, không nên nhồi nhét quá nhiều kiến thức vào đầu, phải để cho các con vừa học vừa chơi. Còn đối với học sinh THCS và THPT, không nên cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường, mà có thể khống chế về thời gian dạy thêm, học thêm như cấm tuyệt đối việc dạy, học thêm vào chủ nhật, học 3 ca / ngày,…

“Việc dạy thêm trong nhà trường chắc chắn sẽ tốt hơn ở trung tâm ngoài trường bởi nó được thực hiện bởi chính các thầy cô giáo đang trực tiếp chủ nhiệm, giảng dạy các con. Từ đó họ sẽ nắm bắt được con nào học được, con nào không học được, con nào hư, con nào ngoan, để ngoài việc giảng dạy về kiến thức, các thầy cô còn uốn nắn, dạy bảo về tư cách đạo đức cho các con”. Chị Hồng cho biết.

z6263876575479_188416217b2193745d211724dc012ef9

Cô và trò lớp 11B1 trường THPT Đồng Hòa vẫn hăng say khi tiếng trống ra chơi đã điểm

Thực tế cho thấy, trong cuộc sống đã có không ít giáo viên bỏ nghề sau bao năm đèn sách gắn bó với “nghề cao quý” vì những áp lực như “cơm áo gạo tiền”, áp lực công việc, áp lực thành tích, áp lực từ phía phụ huynh,… và bây giờ là áp lực cấm dạy thêm, học thêm. Cho đến nay, Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành chưa đầy 01 tháng, nhưng đã nhận được rất nhiều thông tin trái chiều từ dư luận xã hội. Việc siết chặt dạy thêm, học thêm là một bước đi mạnh mẽ của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm tràn lan và giảm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, để thông tư đi vào cuộc sống và thực sự đạt hiệu quả, cần phải có những giải pháp đồng bộ, phải lắng nghe ý kiến từ các thầy cô giáo - những người đang trực tiếp giảng dạy, từ phụ huynh học sinh và dư luận xã hội.

Văn Chương

comment Bình luận

largeer