Sơn đậu căn điều trị viêm họng, viêm ống mật cấp tính

Khác với cây hòe cho hoa làm thuốc, cây hòe Bắc (hay còn gọi là cây sơn đậu) lại không dùng hoa mà dùng phần rễ. So với các thảo dược khác thì cây sơn đậu thuộc dạng cần được bảo tồn.
30/05/2023 17:16

Vài nét về cây sơn đậu

Cây sơn đậu (nghĩa là cây đậu núi) còn được gọi là hòe Bắc Bộ, hòe Bắc, sơn đậu, Quảng đậu căn… là loài cây thuộc họ Đậu.Tên khoa học là Sophora subprostrata.

Ở nước ta, cây sơn đậu mọc hoang từ miền Trung đến miền Bắc và thường thấy ở các tỉnh giáp Trung Quốc. Ở Trung Quốc, cây cũng chủ yếu mọc hoang ở vùng Lưỡng Quảng, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Giang Tây và Chiết Giang…

Cách dùng cây sơn đậu làm thuốc

Rễ sơn đậu là bộ phận được dùng làm thuốc và được gọi là “sơn đậu căn”.

Vào mùa thu, khi dược chất trong rễ sơn đậu đã ổn định, người ta tiến hành đào lấy rễ rồi rửa sạch, sau đó phơi khô (có thể để nguyên hoặc thái lát). Khi dùng làm thuốc, rễ sơn đậu được sao lên rồi mới tán bột hoặc sắc uống.

Sơn đậu căn điều trị những trường hợp nào?

Rễ cây sơn đậu (sơn đậu căn) có vị đắng và có tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc; Tiêu thũng, giảm đau; Điều trị cổ họng sưng đau; Điều trị ho do nhiệt và viêm ống mật cấp.

Liều dùng: Mỗi ngày dùng từ 3 – 10g sơn đậu căn, sao lên rồi sắc hoặc tán bột uống.

Ngoài ra, rễ cây sơn đậu còn được dùng ngoài da trong các trường hợp như: Lở loét, mụn nhọt hay côn trùng cắn, đốt (lấy rễ hoặc cả cây sơn đậu nấu nước cho thật đặc rồi rửa ngoài da).

Ảnh: Caythuoc.org

Ảnh: Caythuoc.org

Sơn đậu căn và những bài thuốc thường dùng

Điều trị ho do nhiệt

Nói về sơn đậu căn, trước tiên cần phải khẳng định công dụng điều trị các bệnh về nhiệt của nó. Trong số đó, có thể kể đến bệnh ho (do Phế nhiệt, Vị nhiệt). Trong các trường hợp này, thay vì dùng độc vị sơn đậu căn như đã kể trên hoặc cũng có thể kết hợp sơn đậu căn cùng các vị thuốc khác để bệnh mau khỏi hơn.

Cách dùng như sau: Lấy 6g sơn đậu căn (sao lên) và 6g cát cánh, sắc chung với hạt ngưu bàng, lá tỳ bà và tiền hồ (mỗi loại 4g), mỗi ngày uống một thang.

Điều trị viêm họng, cổ họng sưng đau

Với trường hợp viêm họng, các bạn có thể dùng bài thuốc sau:

Thành phần: Rễ cây đậu căn, kinh giới, cát cánh (mỗi loại 6g), phòng phong, chi tử, xích thược, quy vĩ – phần rễ nhánh của củ đương quy (mỗi loại 4g), cam thảo (2g), bạc hà và tằm vôi – tằm vôi là con tằm chết gió, hay còn gọi là bạch cương tàm (mỗi vị 3g).

Cách dùng: Sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang (với rễ đậu căn thì các bạn sao lên trước khi sắc nhé).

Điều trị viêm ống mật cấp tính

Đối với bệnh này, có thể dùng sơn đậu căn và nhân trần (mỗi vị 6g), kết hợp với chi tử (4g), sinh đại hoàng (2g) rồi cùng sắc uống. Không chỉ riêng bài thuốc này mà ở các bài thuốc khác cũng vậy, khi dùng, các bạn cần kiên trì trong một thời gian nhất định để thấy hiệu quả nhé.

Những trường hợp không nên dùng sơn đậu căn

Sơn đậu căn có tính lạnh, vì vậy, những người tỳ vị hư hàn, đang bị cảm lạnh không được dùng.

Người bị tiểu đường cũng không được dùng sơn đậu căn

Một số nghiên cứu về sơn đậu căn

Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy sơn đậu căn là vị thuốc có tiềm năng, đặc biệt là ở các hoạt tính như:

- Hoạt tính chống ung thư Ehrlich và Sarcoma -180 (theo tạp chí Chemical and Pharmaceutical Bulletin).

- Hoạt tính chống viêm loét và ức chế bài tiết dạ dày do tetragastrin và insulin gây ra.

- Hoạt tính chống oxy hóa và ngăn ngừa các tổn thương do quá trình oxy hóa gây ra (theo tạp chí International Immunopharmacology).

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer