Sống ở nơi giao thông đông đúc có thể khởi phát bệnh Parkinson

Những người tiếp xúc với không khí ô nhiễm có nguy cơ mắc hội chứng liệt rung - bệnh Parkinson cao hơn khoảng 1,5 lần so với người khác.
15/08/2022 11:53

Nghiên cứu của các nhà khoa học Hàn Quốc, đăng trên tạp chí Jama Neurology, có thể làm sáng tỏ nguyên nhân số ca mắc Parkinson đang ngày một gia tăng trên khắp thế giới.

Trong nghiên cứu mới nhất này, các chuyên gia tại Ðại học Y khoa Ulsan ở Seoul đã theo dõi gần 80.000 người trên 40 tuổi sống ở Thủ đô Seoul trong gần một thập kỷ. Mức độ khói bụi trung bình trong 5 năm của nơi này đã được tính toán cho từng địa chỉ dân cư. Kết quả, 338 nam và nữ đã được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson. Sau khi phân tích và loại trừ tác động của các yếu tố nhân khẩu học, tình trạng kinh tế xã hội và những bệnh khác, nhóm nghiên cứu phát hiện những người tiếp xúc với mật độ ô nhiễm khói bụi cao nhất có nguy cơ mắc chứng rối loạn thần kinh cao hơn 41% so với những người tiếp xúc khí ô nhiễm thấp nhất.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các chuyên gia cho rằng, các phần tử độc hại có thể đi qua mạch máu vào não, gây viêm và stress oxy hóa, đặc biệt là nitơ điôxít (NO2), có nhiều trong khí thải xe cộ và công nghiệp. Loại khí nhà kính này được tạo ra thông qua quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch và nó độc hại gấp 300 lần so với cácbon điôxít (CO2). “Qua nghiên cứu quy mô lớn này, mối liên hệ có ý nghĩa thống kê giữa phơi nhiễm NO2 và nguy cơ mắc bệnh Parkinson đã được xác định” - Giáo sư Sun Ju Chung kết luận trong một thông cáo báo chí.

Ô nhiễm không khí là một mối nguy đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng. Hơn 80% cư dân thành thị hiện tiếp xúc với mức ô nhiễm vượt giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). “Phát hiện mới chứng minh vai trò của các chất gây ô nhiễm không khí đối với sự phát triển của bệnh Parkinson, qua đó nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện một chính sách y tế công cộng có mục tiêu”, ông Chung nói thêm.

Theo thống kê, Parkinson là bệnh thoái hóa thần kinh phổ biến thứ hai thế giới, sau chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi Alzheimer và ảnh hưởng tới hơn 6 triệu người trên toàn thế giới. Parkinson được cho bắt đầu từ khứu giác (phần não kiểm soát cảm giác mùi hương) và ruột, sau đó lan truyền đến hệ thần kinh trung ương. Do đó, tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm môi trường (như thuốc trừ sâu, kim loại nặng), ô nhiễm không khí (NO2, CO2) và tổn hại hệ vi sinh đường ruột - được coi là những yếu tố nguy cơ.

Trước đó, các thí nghiệm trên chuột phát hiện việc tiếp xúc với các phân tử độc hại có thể làm tổn thương các tế bào sản xuất dopamine, dấu hiệu đặc trưng của bệnh Parkinson. Chất dẫn truyền thần kinh này kiểm soát sự vận động của cơ thể, nên sự suy giảm của nó dẫn đến các triệu chứng điển hình của bệnh như run rẩy, chậm chạp và cứng cơ.

Theo Study Finds

comment Bình luận

largeer