Sự thật về loại nấm sữa chị em nô nức mua về nuôi: Có xứng danh “tinh hoa miền đất thần thoại”?

Trong những năm gần đây, Kefir trở thành trào lưu ở Việt Nam vì được cho rằng có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu lợi ích và nguy cơ của loại nấm sữa đặc biệt này.
25/11/2020 17:07

Kefir là gì?

Kefir là một đồ uống lên men từ sữa được tin là có nguồn gốc từ dãy núi Caucasus (dãy núi nằm giữa châu Âu và châu Á), theo Medical News Today. Kefir đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ và được sử dụng rộng khắp trên thế giới.

Kefir được ưa chuộng ở nhiều nơi của châu Âu, châu Á trong nhiều năm, nhưng gần đây mới bắt đầu phổ biến ở Mỹ và một số quốc gia khác.

Từ Kefir xuất phát từ "keyif" trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, có nghĩa là "cảm giác tốt" mà một người có được sau khi uống Kefir.

Phần lên men của Kefir được gọi là nấm sữa Kefir - có màu trắng và hình dạng như tuyết. Nấm sữa Kefir sinh sôi khi được ủ ấm cũng sữa tươi. Sau đó, nấm tiếp tục được sử dụng cho những lần lên men sau.

Đồ uống từ nấm sữa Kefir có vị chua và thơm, và độ đặc tương tự như sữa chua uống. Do quá trình lên men, Kefir có thể có vị hơi ga.

Kefir nổi tiếng vì nó được tin là có nhiều lợi ích sức khỏe, từ hỗ trợ sức khỏe đường ruột đến giảm cân… Chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn về lợi ích và các nguy cơ tiềm năng của Kefir ở phần sau bài viết.

Sự thật về loại nấm sữa chị em nô nức đem về nuôi: Có xứng danh “tinh hoa, siêu thực phẩm? - Ảnh 1.

 

Kefir là một đồ uống lên men từ sữa.

Trào lưu nuôi nấm sữa Kefir ở Việt Nam

Ở Việt Nam, Kefir gần đây nổi lên cùng với trào lưu làm sữa chua Kefir.

Trên một group Facebook nổi tiếng về nấu nướng có 1.3 triệu thành viên, nhiều chị em chia sẻ bí quyết làm sữa chua Kefir.

"Hôm nay mình chia sẻ với các bạn một loại sữa chua được làm từ nấm sữa Kefir, còn được gọi là nấm tuyết, nấm Tây Tạng", một Facebooker chia sẻ trên group. Bài viết của người này thu hút 8 nghìn lượt thích, 3,4 nghìn bình luận.

Người này viết sữa chua Kefir "thật tuyệt vời", chia sẻ cách nuôi Kefir chi tiết: "1 phần share đem về nuôi với 220ml sữa tươi thanh trùng không đường. Sau 22-24 giờ sữa sẽ đặc thành sữa chua, bạn lọc lấy Kefir nuôi tiếp mẻ mới".

Trong một group khác chuyên về thực phẩm lên men với 31 nghìn thành viên, hằng ngày có rất nhiều chị em bán nấm sữa Kefir trên toàn quốc.

"Vì nấm nhà mình đẻ vô điều kiện nên mình muốn chuyển nhà cho nấm với giá 30k/1 phần", một người viết.

"Nấm water Kefir đông khô ạ… Nấm em bao khỏe bao mập bao ú ạ", một người khác quảng cáo.

Sự thật về loại nấm sữa chị em nô nức đem về nuôi: Có xứng danh “tinh hoa, siêu thực phẩm? - Ảnh 2.

 

Kefir được ưa chuộng ở nhiều nơi của châu Âu, châu Á trong nhiều năm, nhưng gần đây mới bắt đầu phổ biến ở Mỹ và một số quốc gia khác.

Rất nhiều người chia sẻ nấm sữa Kefir của họ "vỡ kế hoạch", muốn tặng miễn phí cho người nào cần.

"Nấm nhà em vỡ kế hoạch. Bác nào cần nấm qua em tặng ạ", một người viết.

"Nấm Kefir nhà em đẻ nhiều quá, em không nuôi hết được, mà cho nó ngủ đông thì tiếc.

Nên bác nào muốn nuôi có thể liên hệ em để đổi sữa lấy nấm ạ", Facebooker khác chia sẻ.

Trên một page bán nấm sữa Kefir có hơn 12 nghìn lượt thích, người bán quảng cáo nấm sữa Kefir là "tinh hoa miền đất thần thoại", là "siêu thực phẩm hàng ngàn người đã dùng". Shop này cũng viết sữa chua Kefir là "thực phẩm giàu lợi khuẩn nhất thế giới",

"Kefir có từ 10-34 loại probiotics với hơn 13 tỷ lợi khuẩn, sữa chua thường chỉ có 2-7 loại", shop này viết.

Vậy Kefir có thực sự bổ dưỡng như quảng cáo không? Kefir có nguy cơ gì không? Hãy cùng xem hai chuyên trang về sức khỏe uy tín hàng đầu thế giới - Medical News Today và Web MD - viết gì về Kefir.

Lợi ích của Kefir

Sự thật là lợi ích của Kefir vẫn còn đang được các nhà khoa học nghiên cứu thêm. Dưới đây là 7 lợi ích tiềm năng của Kefir đã được một số nghiên cứu ủng hộ nhưng vẫn cần xem xét thêm để đưa ra kết luận, theo Medical News Today.

Sự thật về loại nấm sữa chị em nô nức đem về nuôi: Có xứng danh “tinh hoa, siêu thực phẩm? - Ảnh 4.

 

Sự thật là lợi ích của nấm sữa Kefir vẫn còn đang được các nhà khoa học nghiên cứu thêm.

Vào năm 2015, một nghiên cứu nhỏ đã so sánh tác động của việc tiêu thụ Kefir và sữa lên men thông thường đối với lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường.

Những người uống Kefir có lượng đường trong máu thấp hơn đáng kể so với những người tiêu thụ sữa lên men thông thường.

Người thuộc nhóm Kefir cũng có chỉ số hemoglobin A1c giảm - đây là một phép đo kiểm soát lượng đường trong máu trong 3 tháng.

Giảm cholesterol

Một nghiên cứu năm 2017 đã xem xét những thay đổi về mức cholesterol ở những phụ nữ uống sữa ít béo hoặc Kefir. Người tham gia chia làm 3 nhóm: nhóm uống 2 phần sữa ít béo mỗi ngày, 4 phần sữa ít béo mỗi ngày hoặc 4 phần Kefir mỗi ngày.

Sau 8 tuần, nhóm uống Kefir có mức cholesterol toàn phần và "cholesterol xấu" giảm đáng kể so với nhóm uống 2 phần sữa ít béo mỗi ngày. Những người tiêu thụ 4 phần sữa ít béo mỗi ngày cũng đã giảm mức cholesterol.

Lợi khuẩn trong Kefir có thể tác động đến khả năng hấp thụ cholesterol từ thức ăn của cơ thể. Chúng cũng có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể sản xuất, xử lý và sử dụng cholesterol.

Tăng dinh dưỡng

Các chất dinh dưỡng trong Kefir phụ thuộc vào loại sữa được sử dụng để làm ra nó. Nói chung, Kefir là một nguồn cung cấp protein, canxi và kali. Một số nhãn hiệu Kefir cũng được bổ sung vitamin D.

Sự thật về loại nấm sữa chị em nô nức đem về nuôi: Có xứng danh “tinh hoa, siêu thực phẩm? - Ảnh 6.

 

Kefir là một nguồn cung cấp protein, canxi và kali

Những người không dung nạp lactose có thể tiêu thụ Kefir mà không gặp phải các triệu chứng, vì vi khuẩn có trong Kefir phân hủy nhiều lactose.

Thương hiệu Kefir hàng đầu ở Mỹ tuyên bố sản phẩm của họ 99% không có lactose.

Một nghiên cứu nhỏ vào năm 2003 kết luận rằng việc tiêu thụ Kefir cải thiện quá trình tiêu hóa lactose theo thời gian và có khả năng được sử dụng để khắc phục tình trạng không dung nạp lactose.

Cải thiện sức khỏe đường ruột

Đường ruột chứa cả vi khuẩn tốt và xấu. Duy trì sự cân bằng giữa hai loại vi khuẩn này là điều quan trọng để giữ cho đường ruột khỏe mạnh. Bệnh tật, nhiễm trùng và một số loại thuốc, chẳng hạn như kháng sinh, có thể làm đảo lộn sự cân bằng này.

Lợi khuẩn có thể giúp duy trì sự cân bằng lành mạnh. Có một số bằng chứng cho thấy thực phẩm chứa lợi khuẩn, chẳng hạn như Kefir, có thể giúp điều trị tiêu chảy do nhiễm trùng hoặc dùng kháng sinh.

Một đánh giá khoa học đã viết rằng có thể sử dụng Kefir để hỗ trợ điều trị loét dạ dày và ruột non.

Sự thật về loại nấm sữa chị em nô nức đem về nuôi: Có xứng danh “tinh hoa, siêu thực phẩm? - Ảnh 8.

 

Kefir chứa nhiều lợi khuẩn có ích cho sức khỏe đường ruột.

Giúp chữa lành

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã cho thấy Kefir có thể có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm, mặc dù vẫn cần nghiên cứu thêm.

Nghiên cứu cho thấy Kefir có khả năng có lợi trong việc chống lại bệnh viêm dạ dày ruột, viêm âm đạo và nhiễm nấm.

Một đánh giá năm 2016 viết rằng Kefir làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ở chuột bị nhiễm ký sinh trùng. Một đánh giá khác đã chứng minh tác dụng có lợi của Kefir trên chuột trong chữa lành vết thương và giảm sự phát triển của khối u.

Một nghiên cứu khác phát hiện tiêu thụ Kefir làm giảm trọng lượng cơ thể và tổng lượng cholesterol ở chuột béo phì. Tuy nhiên, vẫn cần có nghiên cứu thêm về con người.

Một số nguy cơ từ Kefir

Kefir hầu như an toàn, nhưng một số người nên xem xét các yếu tố nhất định trước khi bổ sung Kefir vào chế độ ăn uống, theo Web MD và Medical News Today.

Sự thật về loại nấm sữa chị em nô nức đem về nuôi: Có xứng danh “tinh hoa, siêu thực phẩm? - Ảnh 10.

 

Kefir hầu như an toàn, nhưng một số người nên xem xét các yếu tố nhất định trước khi bổ sung Kefir

Dị ứng sữa: Trong khi những người không dung nạp lactose có thể uống Kefir mà không có triệu chứng, những người bị dị ứng sữa không nên uống Kefir làm từ sữa động vật vì nó có thể gây ra phản ứng.

Tiểu đường: Vì Kefir được làm từ sữa nên nó có chứa ít đường. Một số loại Kefirs đóng gói sẵn và có hương vị thường có lượng đường bổ sung cao. Những người mắc bệnh tiểu đường nên đọc kỹ bảng thành phần và chọn các loại Kefir không thêm đường.

Phụ nữ có thai và cho con bú: Phụ nữ có thai và cho con bú không nên uống Kefir vì hiện chưa có đủ bằng chứng nó có an toàn cho đối tượng này hay không.

AIDS và các bệnh khác làm suy giảm miễn dịch: Kefir chứa vi khuẩn và nấm đang phát triển. Có một số lo ngại rằng những người có hệ thống miễn dịch suy yếu có thể dễ bị nhiễm trùng từ những vi khuẩn hoặc nấm này.

Ung thư đại tràng: Ở những người đang hóa trị ung thư đại tràng, Kefir có thể làm tăng các tác dụng phụ như các vấn đề về dạ dày và ruột, buồn ngủ, đổ mồ hôi và rụng tóc.

Theo Tổ quốc

comment Bình luận

largeer