Sức sống của cương lĩnh văn hoá trong thời kỳ hội nhập

Tuy đã trải qua hơn ¾ thế kỷ (80 năm), Đề cương Văn hóa (1943) của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn mang tính của thời đại với phương châm nền tảng ban đầu: “Dân tộc – Khoa học – Đại Chúng”.
01/03/2023 21:08

Đến khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đưa ra Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (Khóa VIII) về xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết đó được xem như Cương lĩnh Văn hóa ở thời kỳ mới, nhưng luôn nhất quán một nguyên tắc chung là định hướng xã hội chủ nghĩa, luôn xem dân tộc là phương châm trước tiên, là nền tảng. Bởi lẽ, văn hóa bao giờ cũng thoát thai từ dân tộc, do đó văn hóa phải phục vụ, phụng sự đại chúng Nhân dân, và điều này ngày càng có vị trí quan trọng hơn trong quá trình giao lưu quốc tế, hội nhập văn hóa.

1909de

(Ảnh: VTV)

Lịch sử giao lưu văn hóa quốc tế đưa lại cho nhân loại ánh sáng trí tuệ, những phát minh, những kinh nghiệm trong lao động sáng tạo. Thực tiễn cho thấy, giao lưu văn hóa đã trở thành nhịp cầu nối liền giữa các quốc gia và có vai trò to lớn trong việc hòa giải dân tộc, đẩy lùi các cuộc xung đột, chiến tranh về sắc tộc, tôn giáo; đồng thời thúc đẩy các nước tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, cùng hợp tác và phát triển. Nhận thức sâu sắc điều đó, những năm qua, chúng ta đã ngày càng chủ động hơn trong việc triển khai thực hiện các hoạt động ngoại giao văn hóa. Từ Đề cương Văn hóa (năm 1943) của Đảng Cộng Sản Việt Nam đến những Văn kiện Đại hội Đảng ngày nay, ở mức độ khác nhau và tùy theo lịch sử khác nhau đã coi giao lưu văn hóa là một nội dung chiến lược quan trọng, bao chứa nhiều quan điểm nhất quán, nhưng với phương châm hành động khác nhau.

Trong Đề cương Văn hóa 1943, tuy chưa thấy xuất hiện giao lưu văn hóa. Bởi lẽ, bấy giờ phương châm chủ yếu của văn hóa Việt Nam là chống. Chống nguy cơ thực dân Pháp và phát xít Nhật dùng chính sách văn hóa nô dịch, nhằm giết chết văn hóa nước ta, chống việc Âu hóa một cách lố lăng, Nhật hóa một cách xô bồ, việc học Tống nho một cách mê muội,..Nhưng đó cũng là những yếu tố manh nha, đặt điều kiện giao lưu văn hóa cho các giai đoạn tiếp theo.

Bản tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đươc xem là văn kiện có tính chất pháp lý khẳng định quyền dân tộc cơ bản của Nhân dân Việt Nam. Đó còn là văn kiện đặt tiền đề lịch sử cho giao lưu văn hóa về sau. Năm 1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những kiến giải sâu sắc về văn hóa. Theo người: “Có cái gì tốt của Tây Phương hay Đông phương ta phải học lấy để tạo nên một nền văn hoá Việt Nam. Lại phải lấy kinh ngiệm của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi văn hóa Việt Nam, có tinh thần thuần túy Việt Nam, hợp với tinh thần dân chủ”. Như vậy, quy luật giao lưu văn hóa thường mang phương châm biện chứng: Học tập cái tốt của văn hóa ngoại sinh, học tập cái hay của văn hóa quá khứ để xây dựng văn hóa hiện nay mang bản sắc dân tộc. Và ngược lại nền văn hóa mang bản sắc dân tộc là điều kiện tiền đề, cơ sở để giao lưu thuận lợi với văn hóa các nước.

Đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc (7/1948) trong bản Báo cáo: Chủ nghĩa Mác và Văn hóa Việt Nam, Tổng Bí thư Trường Chinh đã có những quan điểm cởi mở hơn về giao lưu văn hóa. Ở phần IV: Tính chất và nhiệm vụ văn hóa dân chủ mới Việt Nam, tác giả coi một trong những mục tiêu xây dựng nền văn hóa dân tộc mới Việt Nam là “góp phần đưa văn hóa Việt Nam vào kho tàng văn hóa thế giới

Trong thư Ban Chấp hành Trung ương gửi Đại hôi Văn nghệ lần thứ 4 (1/1968), Đảng không quên nhắc nhở vấn đề giao lưu văn hóa và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Với sáu chữ: Hiểu biết, Khám phá và Sáng tạo, Thủ tướng Phạm Văn Đồng khuyên văn nghệ sĩ hãy lấy cảm hứng từ ba nguồn, từ hiện thực ba chiều quá khứ, hiện tại, tương lai của đất nước; những tư tưởng của Đảng, ý chí nguyện vọng của Nhân dân, những tri thức trong kho tàng văn hóa dân tộc và loài người.

Đại hôi VI của Đảng (1986) đánh dấu môt cột mốc lớn trong lịch sử và văn hóa dân tộc. Đảng đã khởi xướng đường lới đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế. Một trong những thành tựu lớn trong giai đoạn này là giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục mở rông giao lưu văn hóa – Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới

Đến Hội nghi Trung ương 5 (Khóa VIII – 1998) với  nhiều tiền đề lịch sử cho phép, với độ lùi thời gian và kinh ngiệm thực tiễn, trình độ lý luận và bản thân sự phát triển nội lực văn hóa trong tình hình diễn biến của thế giới hiện đại, Đảng ta đã ra Nghị quyết: Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là văn bản triết học có tính khái quát cao, để cập tương đối toàn diên các lĩnh vực, khai thác trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, trước hết là đội ngũ tri thức nhằm mục tiêu chiến lược: Văn hóa là mục tiêu, vừa là động động lực phát triển, vừa là nền tảng tinh thần xã hội. Vị thế, vai trò, tác dụng của văn hóa và giao lưu văn hóa của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) được các kỳ Đại Hội sau của Đảng tiếp thu một cách cơ bản và làm sáng rõ hơn trong điều kiện lịch sử mới của thế kỉ XXI. Văn kiện Đại hội IX ghi rõ: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại đôc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dãng hóa, các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẳn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế,.. ; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và công nghệ,..Tiếp thu tinh hoa và góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa của nhân loai. Đấu tranh chống sự xâm nhập của văn hóa độc hại hại”.Văn kiện Đại hôi lần thứ X môt lần nữa nhấn mạnh: “Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Viêt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực,..” “kế thừa các truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của loài người,..Mở rộng giao lưu văn hóa thông tin thế giới,…” Văn kiện Đại Hội XI, cũng nêu cao vai trò của giao lưu văn hóa: "Xây dựng nhận thức chung về hội nhập văn hóa, gắn kết ngoại giao văn hóa với Ngoại giao Chính trị và Ngoại giao Kinh tế; tích cực giới thiệu để bạn bè quốc tế hiểu rõ về Việt Nam, tham gia tích cực vào các thiết chế văn hóa đa phương; tận dụng các chương trình, ý tưởng của UNESCO để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao vị trí, vai trò của Việt Nam". Đây là phương hướng chung, toàn diện, thể hiện sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu 

rộng văn hóa thế giới. Cũng nhờ sự chủ động, tích cực hội nhập đó mà năm 2013, lần đầu tiên Việt Nam được bầu là thành viên Ủy ban di sản của Công ước 1972 của Liên hợp quốc. Đây là vinh dự to lớn, thể hiện sự tin cậy của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.

Việc triển khai thực hiện những chính sách ngoại giao văn hóa ở các kỳ Đai hội đã tạo cho diện mạo văn hóa Việt Nam có sự khởi sắc, đồng thời giúp ngăn chặn các tác động tiêu cực đến sự phát triển của xã hội, của đất nước. Ðã từng bước hình thành những chuẩn mực văn hóa và nhân cách mới của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mà vẫn kế thừa các giá trị tốt đẹp truyền thống của dân tộc. Ðời sống văn hóa của nhân dân, nhất là miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đã được nâng lên, khoảng cách văn hóa giữa thành thị, nông thôn và các vùng, miền có sự thu hẹp đáng kể.

Còn nhớ, trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc sáng ngày 24/11/2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định vai trò lớn của văn hóa: ‘Văn hóa còn là dân tộc còn’. Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc.  Tổng Bí thư cũng lược lại lịch sử để cho thấy quan điểm xuyên suốt của Đảng về văn hóa ngay từ ngày đầu thành lập tới nay chính là văn hóa phải được đặt ngang hàng chính trị, kinh tế, xã hội, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Tổng Bí thư khẳng định đây chính là điểm ưu việt của Đảng ta và chia sẻ tâm huyết: “Với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới” .

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, giao lưu Đông – Tây, vừa có cơ hội và thách thức, với cương lĩnh văn hóa của Đảng đã xác định đúng đắn, có tầm nhìn chiến lược đã làm nền tảng vững chắc, đã phát huy thế mạnh của văn hóa Việt Nam, những giá trị văn hóa tiêu biểu làm tài nguyên, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển, hiện đại hóa xã hội, đặc biệt là khơi nguồn “tư bản trí tuệ”, tạo ra giá trị thặng dư, quyết định sự giàu có của đất nước. Đồng thời đây là cơ hội lịch sử lớn để bổ khuyết cho văn hóa dân tộc như văn hóa duy lý, văn hóa kinh doanh, phát huy mặt mạnh, khắc phục mặt yếu, bổ sung mặt thiếu, phát triển lên tầm cao mới. Đẩy mạnh mở cửa, hội nhập văn hóa và khoa học xã hội với thế giới và tăng cường nghiên cứu cơ bản, hệ thống hóa các giá trị văn hóa dân tộc các mặt tư duy, tính cách… để giáo dục cho thế hệ trẻ, nhằm tạo ra nhân cách tài năng, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, tạo sức cạnh tranh và giao lưu quốc tế, góp phần vào nền văn minh nhân loại.

Hoa Thư

comment Bình luận

largeer