Tác động của thực trạng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh trên toàn cầu

Theo nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí y khoa The Lancet, tình trạng nhiễm các vi khuẩn có khả năng kháng thuốc kháng sinh, còn gọi là “siêu vi khuẩn” đang gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu và cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn cả HIV/AIDS hoặc sốt rét. Ðây được cho là công trình đánh giá toàn diện nhất từ trước đến nay về tác động của thực trạng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh trên toàn cầu.
26/01/2022 16:30

Thông thường, một người có thể bị nhiễm vi khuẩn theo nhiều cách, chẳng hạn như từ người bị ho, thức ăn hoặc đồ uống nhiễm bẩn đến vết thương hở, lây nhiễm các cơ quan như phổi hoặc thậm chí là đường máu. Chúng có thể gây tử vong, các vấn đề như viêm hoặc nhiễm trùng huyết vì hệ miễn dịch đang cố gắng chống lại vi khuẩn. Từ khi được phát hiện vào những năm 1920, thuốc kháng sinh đã giúp cứu sống hàng triệu người bằng cách đánh bại các bệnh do vi khuẩn gây ra. Song gần đây, giới chức y tế thế giới liên tục cảnh báo rằng việc sử dụng tùy tiện và bừa bãi loại thuốc này đang làm gia tăng số lượng vi khuẩn kháng thuốc, cũng như khuyến khích vi sinh vật phát triển thành "siêu vi khuẩn".

Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia tại Ðại học Washington (Mỹ) và Ðại học Oxford (Anh) đã phân tích 471 triệu hồ sơ thông tin, bao gồm các nghiên cứu trước đó về siêu vi khuẩn, các kỹ thuật giám sát từ bệnh viện và giới chức y tế được thiết kế nhằm theo dõi tình

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

trạng nhiễm vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Nhờ số dữ liệu được thu thập từ 204 quốc gia và vùng lãnh thổ này, các chuyên gia có thể đưa ra các ước tính về số lượng ca tử vong có thể ngăn chặn được nếu siêu vi khuẩn có xu hướng nhạy cảm với thuốc kháng sinh.

khangthuockhangsinh

Cụ thể, họ phát hiện khoảng 1,27 triệu người đã tử vong trong năm 2019 do nhiễm siêu vi khuẩn. Trong khi đó, số người chết vì HIV/AIDS hoặc sốt rét trong cùng năm thấp hơn nhiều, tương ứng là 860.000 người và 640.000 người. Không chỉ vậy, các nhà nghiên cứu ước tính siêu vi khuẩn có thể là một nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến 5 triệu ca tử vong khác trên toàn cầu vào năm 2019. Trong các trường hợp tử vong vì siêu vi khuẩn, số người chết vì mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới - như viêm phổi - là cao nhất, kế đến là nhiễm trùng máu và nhiễm trùng trong ổ bụng. Các quốc gia thu nhập trung bình và thấp chịu tác động nặng nề nhất vì siêu vi khuẩn, chẳng hạn như tại vùng châu Phi cận Sahara, tỷ lệ người chết vì nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh là 24 ca/100.000 dân và tại Nam Á là 22 ca/100.000 dân. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các quốc gia thu thập cao là 13 ca/100.000 dân.

Ðáng chú ý, trong khi các ước tính trước đây dự đoán siêu vi khuẩn có thể giết chết 10 triệu người mỗi năm vào năm 2050, thì nghiên cứu mới nhất này cho thấy viễn cảnh đó có thể đến sớm hơn rất nhiều. “Những dữ liệu mới đã cho thấy quy mô thực sự của tình trạng kháng thuốc trên toàn cầu và là một tín hiệu rõ ràng rằng chúng ta phải hành động ngay bây giờ để chống lại mối đe dọa này” - Giáo sư Chris Murray, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định. Chuyên gia hàng đầu Amesh Adalja tại Viện An ninh y tế của Ðại học Johns Hopkins (Mỹ) cũng bày tỏ lo ngại rằng tình trạng vi khuẩn kháng thuốc có thể đưa nhân loại trở về một kỷ nguyên "hậu kháng sinh", tức khi bệnh nhân không thể chống chọi với những vi khuẩn vô hại trước đây.

Ðể chống lại tai họa này, Giáo sư Christiane Dolecek - đồng tác giả nghiên cứu - cho rằng cần triển khai việc bao phủ tốt vaccine, song song với cải thiện nguồn cấp nước và điều kiện vệ sinh cũng như khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn. Bà lưu ý việc cần các xét nghiệm nhanh, đơn giản, chất lượng cao, giá thành rẻ và dễ tiếp cận để phân biệt kịp thời các trường hợp nhiễm siêu vi khuẩn tại phòng khám. Dolecek cũng đề xuất các sáng kiến quản lý thuốc kháng sinh để đánh giá và cải thiện cách bác sĩ kê đơn và việc bệnh nhân sử dụng thuốc, đồng thời hạn chế việc sử dụng thuốc kháng sinh không phù hợp.

Theo News-medical.net

comment Bình luận

largeer