Tăng cường đối phó dịch bệnh sau lũ

Nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát sau lũ, do vậy, Bộ Y tế vừa yêu cầu duy trì trực đội cơ động sẵn sàng chi viện cho khu vực bị thiên tai. Đồng thời, khuyến cáo người dân có ý thức bảo vệ sức khỏe.
15/10/2020 10:47
Đối phó dịch bệnh sau lũ - Ảnh 1.

 

Người dân xã Phong Sơn (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) dọn dẹp, giặt giũ quần áo sau lũ, ảnh chụp chiều 14-10 - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

"Duy trì chế độ trực các đội cấp cứu lưu động, các tổ đội cơ động phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới khi có yêu cầu" - chiều 14-10, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có công điện yêu cầu như trên đối với các cơ sở y tế từ Quảng Ninh đến Phú Yên, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế ở miền Trung.

Giữ sức khỏe cho người dân vùng lũ

Theo công điện, bão số 7 kết hợp với không khí lạnh đang khiến mưa to kéo dài ở nhiều nơi, khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ có mưa to và rất to, với lượng mưa phổ biến từ 200-400mm/đợt, ở Nghệ An và Hà Tĩnh 50-150mm/đợt, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Đây là cơn "bão chồng bão" do nhiều tỉnh thành khu vực miền Trung vẫn đang gồng mình chống chọi với những thiệt hại nặng nề sau cơn bão và sạt lở đất vừa qua. Quyền bộ trưởng y tế đang giao các vụ, cục kiểm tra, chuẩn bị thuốc men và hóa chất, sẵn sàng hướng dẫn các địa phương khi có yêu cầu. Dự kiến cuối tuần này đoàn công tác đầu tiên của Bộ Y tế sẽ vào miền Trung hỗ trợ khắc phục hậu quả sau bão.

Theo các chuyên gia y tế, sau bão lũ do thiếu nước sạch nên sẽ có một số căn bệnh đường tiêu hóa, bệnh về mắt, sốt xuất huyết... Do đó, đảm bảo có nước sạch sử dụng sau bão lũ và xử lý môi trường ngay là yêu cầu quan trọng cấp thiết để phòng dịch. Hiện đã có nhiều nước đóng chai, đóng bình được vận chuyển cung cấp cho vùng lũ, nhưng so với nhu cầu thì số lượng này chưa đáng kể.

Chuẩn bị cứu nạn

Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế hướng dẫn có thể sử dụng phèn chua làm trong nước, với liều lượng 1g phèn chua (nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước, không có phèn chua có thể dùng vải sạch lọc nước và khử trùng nước bằng hóa chất. 

Hiện đã có loại hóa chất dạng viên, liều lượng 1 viên Cloramin B 0,25g cho vào thùng đựng 25 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp, chờ 30 phút sau có thể sử dụng làm nước sinh hoạt được; 1 viên Aquatabs 67mg vào thùng đựng 20 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp chờ 30 phút có thể sử dụng được.

Ngoài ra, Cục Quản lý môi trường y tế hướng dẫn chỉ uống nước đun sôi đã được khử trùng và lọc trong. Trong thời gian bão lũ không nên sử dụng các đồ ăn uống còn sống (như rau sống) để ngừa bệnh. 

Bộ Y tế cũng hướng dẫn không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn làm mất tác dụng khử trùng của clo. Sau khi khử trùng ngửi thấy mùi clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.

Với hoạt động cứu nạn trong thời điểm bão chồng bão, Bộ Y tế yêu cầu duy trì các đội, tổ chống dịch lưu động; Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam và các đơn vị y tế chủ động liên hệ với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn địa phương, thống nhất phương án hỗ trợ, cấp cứu nạn nhân tại các khu vực bị ảnh hưởng, tổn thất do thiên tai, đặc biệt là sự cố sạt lở ở Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3.

Theo Tuổi trẻ

comment Bình luận

largeer