Tết kiêng quét nhà mùng 1 không?

Theo quan niệm của ông bà ngày xưa, mùng 1 Tết Nguyên Đán thời khắc khởi đầu của năm mới, luôn mang ý nghĩa thiêng liêng và quan trọng đối với người Việt. Bên cạnh việc đón chào những điều may mắn, tài lộc, vạn sự như ý và mong muốn một năm không gặp xui xẻo, các gia đình phải kiêng kỵ không quét nhà đầu năm.
01/12/2020 15:36

Vào ngày 30 Tết, các gia đình đều sẽ quét dọn nhà cửa sạch sẽ, nên sang ngày mùng 1 không cần phải dọn dẹp nữa. Những ngày đầu năm, hầu hết các gia đình Việt đều rất kiêng kỵ việc quét nhà.

Ngày còn bé, cứ Tết cầm chổi quét nhà sẽ bị người lớn la. Lớn lên mới hiểu theo quan niệm dân gian việc quét nhà vào ngày đầu năm cũng giống như việc bạn tự tay quét đi tài lộc và may mắn ra đường.

Điều này sẽ khiến cho tình hình tài chính cả năm của gia đình không ổn định, các thành viên không thể tạo ra được của cải vật chất, hoặc nếu có thì cũng sẽ tiêu vào những việc bên ngoài mà không thể tiết kiệm được.

Sở dĩ có điều kiêng kỵ đó là vì người ta cho rằng khi quét rác trong nhà đổ đi, thần Tài cũng sẽ đi mất. Chính vì vậy, mọi người thường chỉ vun rác lại một góc để đó và đợi hết Mùng 1 mới quét dọn.

qutnha

Chuyện kiêng kỵ này đã được giải thích bằng một điển tích từ thời xa xưa của Trung Quốc, được lưu lại trong “Sưu thần ký”.

Chuyện kể rằng ngày xưa có người lái buôn tên là Âu Minh, đi qua hồ Thanh Thảo gặp một bé gái ăn mặc rách rưới gày gò xanh xao. Động lòng trắc ẩn ông lái buôn đưa cô bé về nhà làm con nuôi và đặt tên là Như Nguyệt. Đem cô bé về nhà nuôi được vài năm thì Âu Minh ăn nên làm ra, nhà rất giàu, nhưng cũng trở nên ác độc keo kiệt.

Một hôm, nhân ngày mồng một Tết, không may Như Nguyệt làm vỡ chiếc bình quý, Âu Minh đã đánh Như Nguyệt, cô sợ quá chui vào đống rác ở góc nhà. Vợ Âu Minh không để ý nên vô tình quét nhà hót luôn cả đống rác có Như Nguyệt bên trong đổ đi. Từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi. Người ta bảo Như Nguyệt chính là thần tài và lập bàn thờ để thờ. (Có lẽ vì vậy mà bàn thờ thần tài thường để ở góc nhà).

Từ đó trở thành phong tục dân gian vào dịp Tết Nguyên Đán. Tục kiêng hót rác trong ngày đầu năm do người ta sợ hót mất thần tài ẩn trong đó đổ đi, sự làm ăn sẽ không phát đạt.

Còn ở Việt Nam lại có cách lý giải khác về chuyện kiêng quét nhà, được bắt nguồn từ câu chuyện " Sự Tích Cái Chổi". 

thantai

Ngày xưa trên trời có một người đàn bà nấu ăn rất khéo tay nên Ngọc Hoàng giao cho bà chuyên trông nom công việc nấu ăn ở thiên trù.Tuy vậy, người phụ nữ này lại có tính tham lam và có tật hay ăn vụng. Trên thiên đình, bà cũng có một mối tình với người chăn ngựa.

Một hôm, Ngọc Hoàng mở tiệc đãi quần thần. Giữa lúc cỗ đang bày lên mâm thì người yêu của bà đến, bà giấu người yêu vào góc chạn và người này đã ngồi tự ý bốc trộm đồ ăn trên mâm cỗ. Khi Ngọc Hoàng và quần thần đến dùng cỗ thì phát hiện mâm nào cũng đã bị ăn dở. Ngọc Hoàng đã không nén nổi cơn tức giận.

Người đàn bà nấu bếp cúi đầu nhận tội và bị Ngọc Hoàng đày xuống trần, bắt phải làm cây chổi để làm việc luôn tay không ngừng nghỉ và tìm thức ăn trong những rác rưởi dơ bẩn của trần gian.

Lâu về sau, thấy người phụ nữ đó bày tỏ là phải làm việc liên tục ngày này qua tháng khác không lúc nào được nghỉ. Ngọc Hoàng thương tình ra lệnh cho nghỉ ba ngày trong một năm. Ba ngày đó là ba ngày Tết Nguyên đán.

Bởi vậy đời sau trong dịp Tết Nguyên đán, người ta có tục lệ kiêng không quét nhà để cho chổi được nghỉ.

Thông tin này chỉ là quan niệm dân gian, không phải thông tin khoa học, chỉ để tham khảo.

Nguyễn Dung

comment Bình luận

largeer