Thái Lan đẩy mạnh tiêm chủng, Malaysia nới hạn chế với người tiêm đủ

Chiến dịch tiêm chủng tích cực cho người cao tuổi đang diễn ra và Thái Lan đã tiêm được tổng cộng hơn 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
09/08/2021 11:52

 

5

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người tu hành ở Bangkok, Thái Lan

Bộ Y tế Thái Lan đang chạy đua với thời gian để tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các nhóm đối tượng, đặc biệt là người cao tuổi, nhằm giảm tỷ lệ tử vong.

Trao đổi với báo giới ngày 9/8, Cục phó Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) Sophon Iamsirithavorn cho biết một chiến dịch tiêm chủng tích cực cho người cao tuổi đang diễn ra, trong khi Thái Lan đã tiêm được tổng cộng hơn 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.

Tại Bangkok, 900.000 người cao tuổi (87%) đã được tiêm chủng. Tuy nhiên, chỉ có 3,6 triệu người cao tuổi trên toàn quốc (chưa đến 50%) đã được tiêm chủng.

Ông Sophon cho biết Bộ Y tế sẽ đẩy nhanh việc tiêm chủng cho các nhóm đối tượng. Với việc tiêm chủng cho những người cao tuổi, 70% dân số ở “vùng đỏ sẫm” trong diện kiểm soát nghiêm ngặt và 50% ở các vùng khác, Thái Lan có thể giảm một nửa số ca tử vong.

Về phần mình, Thống đốc Bangkok Assawin Kwanmuang đã bày tỏ tin tưởng 70% dân cư ở thủ đô sẽ được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng này.

Trong ngày 9/8, Thái Lan ghi nhận 19.603 ca mắc mới COVID-19 và thêm 149 trường hợp tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch lên 776.108, trong đó có 6.353 người không qua khỏi.

Dịch COVID-19: Số ca mắc mới và tử vong tại Đông Nam Á đang tăng cao

Trong khi đó, từ ngày 10/8, Malaysia sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với người đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, theo đó người ở nước ngoài về Malaysia có thể cách ly tại nhà với điều kiện họ có nhà ở Malaysia, những cặp vợ chồng sống xa nhau có thể đi xuyên bang về thăm nhau và các bậc phụ huynh có thể đi thăm con dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, những người đã được tiêm chủng đầy đủ còn được phép cầu nguyện ở các địa điểm thờ tự, vào nhà hàng ăn uống…

Lý giải cho quyết định này, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin chỉ rõ trong số 246.242 nhân viên y tế hoàn thành tiêm chủng chỉ có 4.635 người mắc COVID-19, chiếm 1,88%. Trong số này có 4.625 người không có triệu chứng (mức độ một) hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ (mức độ hai), chiếm 99,78% và 7 người thuộc mức độ ba, chiếm 0,15% cùng ba người thuộc mức độ bốn, chiếm 0,06%; không có ai thuộc mức độ năm cần phải thở máy.

6

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia

Trong sáu tuần qua, số người mắc COVID-19 trên 60 tuổi phải điều trị tại Bệnh viện Sungai Buloh (chuyên điều trị bệnh nhân mắc COVID-19) và điều trị tích cực đã giảm. Điều này cho thấy việc triển khai giai đoạn hai của Kế hoạch Tiêm chủng quốc gia (NIP) vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi bắt đầu từ ngày 19/4 đã tạo ra ảnh hưởng tích cực.

Những người được tiêm đủ liều vaccine có thể có khả năng miễn dịch cao chống lại virus SARS-CoV-2 và tránh được bệnh trở nặng, đồng thời giảm được tới 50% tỷ lệ lây nhiễm.

Người đứng đầu Chính phủ Malaysia cũng nhấn mạnh việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với người đã tiêm đủ liều vaccine là một quyết định rất thận trọng, nhưng phù hợp với số liệu thu thập trong nước về hiệu quả của việc hoàn thành tiêm chủng cũng như các nguyên tắc khoa học, y tế công cộng mà thế giới tuân thủ.

Kế hoạch này sẽ có rủi ro làm tăng số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày. Tuy nhiên, chính phủ không thể coi nhẹ lợi ích của những người đã tiêm đủ liều và tác dụng của những lợi ích này đối với sức khỏe thể chất, tinh thần của người dân cũng như các hoạt động kinh tế của đất nước.

Trong các cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia, Hội đồng Hồi phục quốc gia và họp chính phủ, ông Muhyiddin thường nhấn mạnh khi quản lý tình hình dịch bệnh, chính phủ cần phải chú ý tới sức khỏe, sự an toàn của người dân, tính bền vững của kinh tế và doanh nghiệp nhằm cân bằng giữa sinh mạng và sinh kế.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần chú ý tới yếu tố hài hòa của người dân, bao gồm sức khỏe tâm lý và tinh thần. Ngoài ra, việc nới lỏng không đồng nghĩa có thể bỏ qua các quy định phòng chống dịch, đặc biệt là việc nới lỏng các hoạt động ăn uống và thể thao sẽ mang lại nguy cơ lây nhiễm cao hơn cho các cá nhân.

Trong trường hợp người dân không tuân thủ quy định phòng chống dịch, chính phủ sẽ không ngần ngại thu hồi quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế.

Theo Vietnam+

comment Bình luận

largeer