Thanh Hóa: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh cơ quan nhà nước để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Thời gian qua, tình hình tội phạm mạo danh cơ nhà nước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi.
08/08/2023 09:04
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023 lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện 25 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó đã khởi tố 5 vụ, với 7 bị can, số tiền thiệt hại lên đến gần 6 tỉ đồng.

Đơn cử, ngày 6/6, bà T.T.T (SN 1963, trú phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) đang ở Hà Nội với con thì nhận được điện thoại từ người lạ tự xưng là Công an đang điều tra về đường dây ma túy xuyên quốc gia.

Đối tượng này thông tin bà T là mắt xích lớn trong đường dây tội phạm, mời bà đến làm việc, đe dọa, định hướng bà T đến ngân hàng rút tiền và chuyển vào tài khoản do đối tượng cung cấp để phục vụ công tác điều tra.

Do lo sợ liên quan đến pháp luật, bà T ngay lập tức di chuyển từ Hà Nội về TP Thanh Hóa và đến ngân hàng Bắc Á chi nhánh Thanh Hóa đề nghị rút toàn bộ số tiền 945 triệu đồng trong tài khoản.

Trong quá trình giao dịch bà T có biểu hiện run, mất bình tĩnh, không nói, lo sợ,... nên nhân viên giao dịch tại ngân hàng đã báo cáo Công an TP Thanh Hóa. Sau đó, Công an TP Thanh Hóa đã phối hợp với ngân hàng kịp thời trấn an, giải thích cho bà T biết đây là thủ đoạn lừa đảo của đối tượng xấu, ngăn chặn thành công hành vi lừa đảo.

Theo Công an Thanh Hóa, để thực hiện các vụ lừa đảo, các đối tượng đã sử dụng số điện thoại gần giống với số điện thoại công khai của cơ quan công an, viện kiểm sát và tòa án nhằm giả danh lực lượng chức năng để nhắn tin, gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà cơ quan công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân… hoặc giả danh cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn…

Khi nhận thấy bị hại có biểu hiện hoang mang, lo sợ, mất tỉnh táo, các đối tượng sẽ yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng, dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam bị hại để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền, đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng.

Một số đặc điểm khác của các đối tượng lừa đảo mà người dân có thể dễ dàng nhận biết như: Các đối tượng yêu cầu bị hại không được kể câu chuyện vừa trao đổi cho bất kỳ ai, mục đích nhằm để nạn nhân không có đủ thời gian để kiểm tra thông tin, không trình báo cho cơ quan công an.

Ngoài ra, các “vai diễn” công an, viện kiểm sát, tòa án mà các đối tượng sử dụng liên tục xuất hiện liên hệ bị hại, đẩy hình ảnh, thông tin, văn bản bắt giữ, đe dọa và khống chế tâm lý gây hoang mang cho hại. Mặc dù nhiều bị hại không có sai phạm, nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của các đối tượng dẫn đến lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết sự việc bị lừa đảo.

Trước tình trạng trên, Công an Thanh Hóa cảnh báo đến người dân, khi nhận các tin nhắn, cuộc gọi từ người lạ, tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án hoặc các cơ quan nhà nước khác để yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, thông báo phạt nguội giao thông, lệnh bắt của cơ quan tư pháp…

Khi nhận các tin nhắn, cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của các đối tượng lạ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè, cơ quan chức năng để được tư vấn.

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer