Thanh Hóa: Hàng trăm hộ dân chật vật do thiếu nước sạch sinh hoạt

Những năm qua, đời sống người dân thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đang dần được cải thiện nhờ những chương trình, dự án thiết thực của Nhà nước. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước sạch đang là bài toán nan giải tại địa phương này, đòi hỏi cần có những giải pháp lâu dài, đảm bảo nhu cầu cơ bản về nước sạch cho người dân.
30/05/2024 10:00
Tình trạng thiếu nước sạch đang là bài toán nan giải tại thị trấn Lang Chánh

Tình trạng thiếu nước sạch đang là bài toán nan giải tại thị trấn Lang Chánh

Thiếu nước sạch sinh hoạt

Thống kê cho thấy, thị trấn Lang Chánh hiện có 14 khu phố, hơn 2.500 hộ, gần 10.000 nhân khẩu. Ngoài một số công trình cấp nước sinh hoạt từ nguồn vốn của chương trình 134,135..., trên địa bàn thị trấn cũng đang duy trì, vận hành một công trình giếng khoan, bơm cấp nước tập trung.

Đây là công trình được đầu tư từ những năm 1990, hiện giao cho Công ty TNHH Dịch vụ thương mại nước sạch và vệ sinh môi trường Lang Chánh quản lý, vận hành. Công trình đang cung cấp nước cho khoảng 160 hộ dân (khoảng 10% dân số), cũng như các cơ quan đóng trên địa bàn thị trấn. Do công suất máy bơm nhỏ, được đầu tư từ lâu nên nguồn cấp nước không ổn định, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của phần đông người dân.

Chia sẻ về thực trạng thiếu nước tại địa phương, bà Phạm Thị Vân - Trưởng khu phố Oi, thị trấn Lang Chánh cho biết: Từ lâu nay, hầu hết các hộ dân tại đây đang phải sử dụng nước sinh hoạt từ giếng khơi, giếng khoan. Nguồn nước này vừa không đảm bảo chất lượng vệ sinh, lại thường xuyên bị cạn kiệt vào mùa nắng nóng nên rất bất tiện. Do thiếu nước sinh hoạt, thậm chí có nhiều hộ đã buộc phải lấy nước từ các khe suối lân cận về để sử dụng.

“Rất bất tiện và gây ra nhiều khó khăn cho sinh hoạt của người dân mỗi khi mùa nắng nóng đến. Khi được nhắc đến việc sử dụng nước sạch, bà con đều rất hào hứng và sẵn sàng ủng hộ khi có dự án vào đầu tư. Tuy nhiên, đến hiện tại vẫn chẳng có dự án nước sạch nào được triển khai, mặc dù đã có vài đoàn về đây khảo sát” - bà Vân nói.

Luôn trong tình trạng thiếu nước sạch, ông Nguyễn Văn Minh - trú tại số nhà 80, đường Châu Lang, khu phố Chí Linh, thị trấn Lang Chánh cho biết: Gia đình ông có 6 nhân khẩu đang phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt được lấy lên từ giếng khơi. Theo như ông Minh nói thì đây là nguồn nước đang bị nhiễm khá nặng do đá vôi và phèn gây ra. Nếu không qua lắng lọc, nước dùng để nấu cơm, pha chè đều khiến cơm có màu nanh chuột, nước chè đóng váng ngay sau khi rót ra… Để khắc phục, ông đã phải xây một chiếc bể lớn để lắng lọc, trước khi đem sử dụng.

“Điều mà chúng tôi mong muốn nhất hiện nay là có nước sạch để sử dụng. Chứ cứ để tình trạng này kéo dài, sức khỏe của người dân chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng” - ông Minh lo lắng nói.

Được biết, tình trạng thiếu nước sạch diễn ra cục bộ ở nhiều điểm dân cư tại thị trấn Lang Chánh vào mùa hạn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Để có nước sử dụng, nhiều hộ phải mua nước từ các mó nước trên đồi dẫn về lắng lọc. Khi mưa lớn nguồn nước bị đục không dùng được. Số còn lại là các hộ sử dụng nước giếng khoan, giếng khơi thông qua các bể lắng lọc và máy lọc RO.

Nhiều bất cập

Trước tình trạng thiếu nước sạch phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, Chủ tịch UBND thị trấn Lang Chánh Trần Anh Quang cho biết: Có đến hơn 90% dân số của thị trấn đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt được lấy từ nước giếng khoan, giếng khơi... không đảm bảo vệ sinh. Trong khi đó, công trình giếng khoan được đầu tư đã lâu, xuống cấp nhiều hạng mục, chất lượng nguồn nước kém, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt. Về lâu dài, hướng đến xây dựng đô thị văn minh, tiêu chí nước sạch đóng vai trò rất quan trọng. Để giải quyết được những bất cập trong tiêu chí nước sạch, thị trấn rất mong có sự giúp đỡ từ các cấp, ngành.

Về việc này, đại diện Ban quản lý các dự án huyện Lang Chánh cho biết: “Trước thực trạng thiếu nước sạch sinh hoạt của người dân thị trấn, huyện đã nhiều lần cho khảo sát lập dự toán. Theo tính toán, để xây dựng hoàn chỉnh một dự án xử lý nước sạch, cung cấp nước cho hơn 10 nghìn dân, bao gồm toàn bộ thị trấn và một số xã lân cận cần phải tiêu tốn khoảng 60 tỷ đồng. Đây là con số vượt xa sức của một huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn như Lang Chánh. Để tìm giải pháp khả thi khác, UBND huyện đã nhiều lần kêu gọi xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư nhưng tất cả đều từ chối, với lý do: Đầu tư thì phải có lợi nhuận. Nếu đầu tư vào đây thì biết bao giờ mới thu hồi được nguồn vốn đã bỏ ra. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư và có biện pháp kích cầu cho doanh nghiệp”.

Có thể thấy, thực trạng thiếu nước sinh hoạt là một rào cản cho sự phát triển bền vững, đồng thời cũng là một thách thức không nhỏ trong kế hoạch bố trí ngân sách Nhà nước, để giải quyết nhu cầu bức thiết cho người dân. Việc làm thế nào để giải quyết bài toán thiếu nước sạch sinh hoạt tại một số địa phương hiện là điều mà các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa thật sự trăn trở.

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer