Thanh Hóa: Không nương tay với đơn vị chây ì bảo hiểm

Sáng 13/4, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Phiên giải trình trực tiếp về tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) kéo dài. Đồng thời đưa ra giải pháp nhằm sớm khắc phục tình trạng chậm đóng bảo hiểm đang có dấu hiệu gia tăng trên địa bàn.
13/04/2023 17:53
Bí thư Tỉnh Ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại phiên giải trình

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại phiên giải trình

Tại phiên giải trình, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nêu tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan hành chính sự nghiệp vẫn còn diễn ra; nhiều doanh nghiệp trốn đóng hoặc không kê khai số lao động tham gia bảo hiểm bắt buộc; nhiều đơn vị chậm đóng thời gian dài với số tiền lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động khi giải quyết các chế độ, chính sách liên quan đến ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp,…

Nhiều doanh nghiệp, đơn vị chây ì bảo hiểm

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, đến thời điểm ngày 31/12/2022, có 4.000 đơn vị hành chính sự nghiệp với số lao động là 100.067 tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN. Trong đó có 17 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 2 tháng trở lên với số tiền là 4.610,98 triệu đồng.

Tính đến hết ngày 31/12/2022, một số đơn vị sự nghiệp có số tiền chậm đóng lớn, thời gian kéo dài như: Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố Thanh Hóa chậm đóng 25 tháng với số tiền là 2.650 triệu đồng; Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng chậm đóng 12 tháng với số tiền là 317 triệu đồng; Đội đảm bảo giao thông Triệu Sơn chậm đóng 19 tháng với số tiền là 498 triệu đồng…

Quang cảnh phiên giải trình

Quang cảnh phiên giải trình

Ngoài ra, có 2.252 đơn vị khối doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN với số lao động là 40.144 người và số tiền chậm đóng là 314.181,66 triệu đồng.

Một số doanh nghiệp đang hoạt động với số lao động nhiều, số tiền chậm đóng lớn, thời gian kéo dài như: Công ty TNHH FLCSAMSON GOLF & RESORT có 862 lao động chậm đóng 22 tháng với số tiền là 18.804,58 triệu đồng; Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa có 50 lao động chậm đóng 79 tháng với số tiền là 15.471,13 triệu đồng,…

Nguyên nhân của việc chậm đóng, nợ đọng các loại bảo hiểm được Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa đưa ra là do ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động chưa nghiêm. Việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm còn nhiều hạn chế, chưa có biện pháp xử lý triệt để các trường hợp vi phạm về chậm đóng bảo hiểm.

Kiên quyết xử phạt

Báo cáo về tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài trên địa bàn, Giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Tám cho biết, trong những năm qua, việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, người lao động tích cực triển khai thực hiện và đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù kết quả đạt được là tích cực, các đơn vị hành chính sự nghiệp cơ bản tham gia BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, tuy nhiên các doanh nghiệp, các hợp tác xã, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập, các doanh nghiệp có ít lao động chưa tích cực, tự giác chấp hành việc tham gia và trích, nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, dẫn đến tốc độ gia tăng người tham gia BHXH, BHTN, BHYT còn chậm; tỷ lệ lực lượng lao động tham gia BHXH thấp, nhiều doanh nghiệp còn chậm đóng hoặc không kê khai số lao động phải tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Tám báo cáo về tình trạng chậm đóng bảo hiểm

Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Tám báo cáo về tình trạng chậm đóng bảo hiểm

Giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hóa đã nghiêm túc nhận trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện, đồng thời đề ra những giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới để khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Với mục tiêu kiên quyết khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, từ năm 2020 đến năm 2022 qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 16 đơn vị chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT với số tiền xử phạt là 1.935,98 triệu đồng, trong đó: Năm 2020 xử phạt 5 đơn vị, số tiền xử phạt là 686,76 triệu đồng; năm 2021 xử phạt 1 đơn vị, số tiền xử phạt là 150 triệu đồng; năm 2022 xử phạt 10 đơn vị, số tiền xử phạt là 1.099,21 triệu đồng.

Cần sớm khắc phục tình trạng nợ đọng bảo hiểm

Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đánh giá phiên giải trình diễn ra sôi nổi, nghiêm túc, thẳng thắn; tập trung vào các nhóm vấn đề “nóng”, nổi cộm, còn tồn tại, hạn chế liên quan đến việc chậm đóng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời cho biết, ngay sau phiên họp, Thường trực HĐND tỉnh sẽ ban hành kết luận và đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN tỉnh, các đơn vị liên quan và 27 huyện, thị xã, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định lộ trình và phân công rõ trách nhiệm để tổ chức triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo Thường trực HĐND tỉnh kết quả thực hiện.

Các đại biểu tham dự phiêm giải trình

Các đại biểu tham dự phiên giải trình

Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm sớm khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH.

Ngành Bảo hiểm xã hội chủ động nắm chắc tình hình, thường xuyên báo cáo cấp ủy, chính quyền cùng cấp về tình hình đóng BHXH, đặc biệt là việc chậm đóng, nợ đọng BHXH để tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình thực hiện…

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH. Sở Kế hoạch và Đầu tư hằng quý cung cấp danh sách các đơn vị doanh nghiệp thành lập mới, giải thể, phá sản, tạm ngừng kinh doanh cho cơ quan Bảo hiểm xã hội để theo dõi nợ và giải quyết đảm bảo các chế độ BHXH cho người lao động.

Sở Y tế cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn tổ chức thực hiện và phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh tra, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT.

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer