TP Thanh Hóa: Giải pháp nào giúp trạm y tế “giữ chân” người bệnh?

Tình trạng cơ sở vật chất tại một số trạm y tế cấp xã, phường trên địa bàn TP Thanh Hóa xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn, lạc hậu... chưa được đầu tư kịp thời là lý do khiến nhiều người dân ở thành phố này ít lựa chọn việc khám và điều trị bệnh tại các trạm.
07/04/2023 18:06
Trung tâm y tế TP Thanh Hóa

Trung tâm y tế TP Thanh Hóa

TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) hiện có 34 trạm y tế xã, phường. Trong những năm qua, các trạm y tế này đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19… được các cấp, ngành đánh giá cao. Tuy nhiên, công tác khám chữa bệnh ở một số trạm y tế trên địa bàn thành phố hiện đang gặp nhiều khó khăn, lượng bệnh nhân đến điều trị tại các trạm khá thấp.

Đơn cử, số bệnh nhân đến khám tại trạm y tế phường Quảng Thành chỉ từ 100-150 người/tháng, trong khi tổng số dân cư của phường khoảng 14.000 người. Tương tự, phường Đông Hải với số dân gần 11.000 người, nhưng lượng bệnh nhân đến khám tại trạm y tế phường chỉ từ 70-80 người/tháng; phường Đông Sơn với số dân gần 12.000 người, nhưng lượng bệnh nhân đến khám tại trạm y tế phường trung bình chỉ khoảng 100 người/tháng... Điều này cho thấy, số lượng và tỷ lệ người đến khám, điều trị tại một số trạm y tế ở TP Thanh Hóa là rất thấp.

Trạm y tế phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa xuống cấp nghiêm trọng

Trạm y tế phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa xuống cấp nghiêm trọng

Lý giải nguyên nhân khiến lượng bệnh nhân đến thăm khám tại phường ở mức khá “khiêm tốn”, ông Trịnh Sỹ Thống, Trưởng trạm y tế phường Quảng Thành cho biết, nguyên nhân chính do cơ sở vật chất tại trạm y tế xuống cấp, trang thiết bị chỉ ở mức cơ bản: “Hiện tại, cơ sở vật chất, trang thiết bị trạm y tế phường đã xuống cấp rất nhiều, không còn đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc gia về y tế, cũng như không đảm bảo cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân, nên lượng bệnh nhân đến thăm khám tại trạm khá thấp.

Cuối năm 2022, qua kiểm tra, Trung tâm y tế TP Thanh Hóa đã trừ đơn vị rất nhiều điểm, do cơ sở vật chất bị hư hỏng. Mặt khác, trang thiết bị tại trạm chỉ ở mức cơ bản. Hiện tại, chúng tôi đã kiến nghị lãnh đạo phường xem xét tu sửa lại một số hạng mục như: nắp cống, nền nhà, tường nhà, cửa phòng,… nhằm đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân."

Bên trong phòng cấp cứu, tủ thuốc trạm y tế phường Quảng Thành xuống cấp gây ẩm mốc, rong rêu phủ kín các bức tường

Bên trong phòng cấp cứu, tủ thuốc trạm y tế phường Quảng Thành xuống cấp gây ẩm mốc, rong rêu phủ kín các bức tường

Chị N.T.N., một công dân phường Đông Vệ chia sẻ: “Ở TP Thanh Hóa hiện nay có khá nhiều bệnh viện, phòng khám, trong đó có nhiều bệnh viện đa khoa – thông tuyến khám chữa bệnh y tế. Vậy nên, khi chẳng may có bệnh, thành viên trong gia đình tôi thường lên thẳng các bệnh viện thay vì đến trạm y tế phường.”

“Các bệnh viện, phòng khám thường có sự phát triển chuyên sâu về dịch vụ kỹ thuật và có trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất đồng bộ. Chính sự phát triển của mạng lưới khám, chữa bệnh rộng khắp, đa dạng đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân. Đứng trước nhiều sự lựa chọn về điều trị, chăm sóc sức khoẻ như vậy, nếu phải chọn lựa, trạm y tế phường chỉ có thể là phương án cuối cùng của tôi.” – chị N. cho hay.

Có thể thấy, đứng trước nhiều sự lựa chọn về điều trị, chăm sóc sức khoẻ, dĩ nhiên, trạm y tế phường, xã chỉ là phương án cuối cùng. Cơ sở khám, chữa bệnh muốn phát triển thì cần phải có bệnh nhân. Việc thiếu vắng bệnh nhân đã khiến một số trạm y tế không thể thu hút được bác sĩ, phát triển chuyên môn kỹ thuật và cũng phần nào thiếu động lực để xây dựng cơ sở nhà trạm khang trang?

Trạm y tế phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa với nhiều khu vực xuống cấp, bề mặt sơn bị bong tróc

Trạm y tế phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa với nhiều khu vực xuống cấp, bề mặt sơn bị bong tróc

Trao đổi với phóng viên về tình trạng cơ sở vật chất tại một số trạm y tế trên địa bàn thành phố xuống cấp chưa được đầu tư kịp thời, ông Lê Việt Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế TP Thanh Hóa khẳng định: “Chẳng có ai đánh giá là xuống cấp cả, mới có chu kỳ đầu tư đến năm 2020, bây giờ lại một chu kỳ tiếp theo,… nói cho đúng nếu không người ta cho rằng thành phố không quan tâm đầu tư.”

Về khó khăn chung khiến một số trạm y tế chưa thực sự thu hút được bệnh nhân, ông Hùng dẫn chứng một số nguyên nhân chính như: Địa bàn có nhiều cơ sở khám, chữa bệnh cạnh tranh, điều kiện khám, chữa bệnh tại các cơ sở tốt hơn nhiều so với các trạm y tế; tâm lý của người dân thường đến cơ sở khám chữa bệnh có điều kiện tốt hơn; chất lượng nguồn nhân lực tại các trạm y tế cũng không bằng các cơ sở y tế; trang thiết bị vật tư tại các trạm y tế chỉ là cơ bản, không chuyên sâu…

Đưa ra giải pháp để các trạm y tế thu hút người bệnh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Thanh Hóa cho rằng cần đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trong đó gồm nhà trạm y tế, các trang thiết bị vật tư y tế; tăng cường thu hút nhân lực, bổ sung thêm nhân lực cho các trạm y tế; tổ chức quản lý sức khỏe nhân dân theo mô hình y học gia đình,…

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer