Thời tiết chuyển lạnh, nhiều bệnh nhân lên cơn hen cấp tính

Theo các chuyên gia hô hấp, hen giấu mặt rất nguy hiểm. Khi gặp thời tiết lạnh, không khí ô nhiễm… bệnh nhân rất dễ tái phát cơn hen. Đặc biệt là ở người lớn tuổi, độ nhạy với bệnh đã giảm, những dấu hiệu báo trước có thể không rõ ràng như ở trẻ con: ho, mệt, khó thở nhẹ rồi mới vào cơn cấp.
27/11/2020 11:01

“Chúng tôi vừa mất đi một đồng nghiệp vì lên cơn hen cấp tính”, phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch - Lâm sàng TP.HCM, mở đầu cuộc họp về hô hấp mới đây bằng thông báo như vậy. Thời tiết trở lạnh, không khí ô nhiễm khiến bệnh hen dễ tái phát, lên cơn… 

Nguy hiểm hơn, có nhiều trường hợp vì sợ dịch COVID-19 nên ngại đi bệnh viện tái khám, suyễn không được kiểm soát, bệnh nhân hết thuốc, có thể lên cơn hen bất kỳ lúc nào. 

troi-lanh-nhieu-benh-nhan-_621606412400

Người già, trẻ em vào viện nhiều

Sáng 23/11, Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) đông đúc bệnh nhân. Đưa tay vuốt nhẹ lưng cháu trai năm tuổi đang ho sù sụ, bà Nguyễn Thị Hạnh, ở Q.9, kể: “Cháu tôi bị suyễn lúc mới bảy tháng tuổi, bác sĩ nói cháu bị suyễn nhũ nhi, sau này lớn sẽ hết. Hồi nhỏ, cháu lên cơn hoài, mẹ cháu mua máy phun khí dung về nhà xài cho cháu luôn, rồi xịt thuốc cắt cơn, ngừa cơn. Hơn một năm qua, cháu không lên cơn nữa, ăn ngủ ngon lành. Nào dè, đợt lạnh này, nửa đêm cháu ho dữ dội rồi than khó thở nên sáng dậy mẹ cháu bồng đi bệnh viện luôn”. 

Người phụ nữ ngồi kế nối tiếp câu chuyện: “Cháu tôi cũng bị khó thở, mỗi lần thở là cái ngực lõm sâu thấy tội lắm”. Vừa nói đến đó thì điện thoại reo, bà bắt máy rồi chỉ kịp hỏi “nhập viện hả con” thì đầu dây bên kia đã tắt máy. Bà lật đật xách túi, giọng hớt hải: “Con gái tôi gọi nói cháu tôi phải nhập viện”. Rồi bà tất tả đi, nách kẹp giỏ đồ, tay bấm điện thoại gọi, la lớn “nhập viện ở đâu, khoa hô hấp 1 hay 2?”.

Bác sĩ chuyên khoa II Đặng Kim Huyên, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết trung bình mỗi ngày Khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 8.000 bệnh nhi đến khám. Chiếm khoảng 3.000 trường hợp mắc bệnh về đường hô hấp, trong đó không ít bệnh nhân hen suyễn. 

Không chỉ trẻ con, mà những ngày này, người lớn bị hen cũng rất dễ tái phát. 

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Viết Hậu, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: “Chỉ trong hai ngày qua, Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận hai người bệnh lớn tuổi, vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch vì khó thở của cơn hen bùng phát. Nếu không được xử trí kịp thời và đến viện đúng lúc, sức khỏe của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm tính mạng”. Như trường hợp bà Nguyễn Thị B. (72 tuổi, ở Q.5) vừa thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc. 

Bà B. bị bệnh hen đã gần chục năm, thường xuyên phải đến bệnh viện. Tuy nhiên, dịch COVID-19 hoành hành, bà ngại đi bệnh viện vì sợ bị lây nhiễm bệnh. Hơn nữa, bà thấy khỏe hơn, không còn lên cơn hen nữa nên nghĩ hết bệnh, và quên luôn việc mình đã từng bị hen phế quản. Hai ngày trước, bà B. bị cảm mạo, khiến bà mỏi cả người và ho húng hắng.

Bà chỉ nghĩ cảm mạo thông thường nên không đi khám hay dùng thuốc phòng ngừa cơn hen như bác sĩ dặn trước đây. Đêm đến, tự dưng bà B. bị khó thở và có cảm giác nghẹt thở. Ngay lập tức, bà được gia đình đưa vào Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cấp cứu. Chỉ mười phút sau, bà đến bệnh viện. 

Các bác sĩ xác định bà bị lên cơn hen cấp, đường thở bị siết chặt. May mắn, bà B. được cấp cứu kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch. Sau hơn mười giờ được theo dõi và điều trị liên tục, bà B. đã dần phục hồi sức khỏe. 

Cẩn trọng với hen “giấu mặt”

Có một thực tế, hầu hết người nhập viện do lên cơn hen cấp tính là những người bị bệnh lâu năm, suyễn đã được kiểm soát ổn định nên lâu dần nghĩ rằng mình hết bệnh hen và quên luôn bệnh. Đến khi thời tiết thay đổi, bị dị ứng mùi, phấn hoa… bất ngờ lên cơn hen thì mới phát hiện hết thuốc cắt cơn, nên dễ rơi vào nguy kịch nếu không được xử lý kịp thời. Các chuyên gia về hen gọi đây là “hen giấu mặt” và sự nguy hiểm luôn chực chờ. 

Như trường hợp ông Lê Văn H., 65 tuổi, vừa vào cấp cứu ở Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Ông H. có tiền sử hen và bệnh đã ổn định một năm qua nên ông không còn để ý đến căn bệnh này. Bệnh khiến ông lo lắng là huyết áp cao. Mấy ngày trước, ông bị mệt, kèm khó thở nhẹ. Đến ngày thứ ba, ông cảm thấy mệt, khó thở hơn và tăng huyết áp nên ông mua thuốc huyết áp uống. Nhưng chẳng những không đỡ, ông H. thấy còn khó thở hơn, người vã mồ hôi, tím tái cả mặt mũi…

Người nhà phải chở ông vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ Nguyễn Viết Hậu cho biết: “Bệnh nhân H. được chẩn đoán cơn hen phế quản nặng, phải theo dõi tại Khoa Cấp cứu hơn một ngày mới hồi phục phần nào. Khi tỉnh lại, nghe giải thích, ông H. giật mình biết bệnh mình không phải do huyết áp mà do cơn hen phế quản làm cơ thể ông phản ứng với tình trạng khó thở bằng tăng huyết áp. Cũng may người thân đưa ông đến cấp cứu kịp thời”. 

Theo các chuyên gia hô hấp, hen giấu mặt rất nguy hiểm. Khi gặp thời tiết lạnh, không khí ô nhiễm… bệnh nhân rất dễ tái phát cơn hen. Đặc biệt là ở người lớn tuổi, độ nhạy với bệnh đã giảm, những dấu hiệu báo trước có thể không rõ ràng như ở trẻ con: ho, mệt, khó thở nhẹ rồi mới vào cơn cấp. Người lớn thường vào cơn cấp và rơi vào tình thế nguy hiểm nếu không được xử trí bằng thuốc cắt cơn, hay đưa đến bệnh viện ngay. 

Theo PN TP.HCM

comment Bình luận

largeer