Thừa Thiên Huế tăng cường công tác phòng chống đói, rét cho vật nuôi

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành công văn số 946 /UBND-NN yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập đoàn kiểm tra, phối hợp các địa phương đôn đốc công tác phòng chống đói, rét và phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, cây trồng.
30/01/2024 16:45

Theo đó, công văn yêu cầu hướng dẫn các biện pháp về phòng chống rét cho vật nuôi (che chắn chuồng trại, sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương: Rơm khô làm chất độn chuồng; dùng các tấm chăn, áo, bao tải gai cũ để mặc cho trâu bò giữ kín, giữ ấm; tạo nguồn nhiệt sưởi ấm cho gia súc bằng các bóng điện có công suất lớn hoặc đốt sưởi cho gia súc có theo dõi, kiểm soát; chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc trong mùa mưa rét). Chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Chuẩn bị tốt nhân lực, vật tư, vaccine cho đợt tiêm phòng gia súc, gia cầm và sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2023-2024.

tth

(Ảnh: Thuathienhue.gov)

UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế và các phòng, ban, chính quyền cơ sở phối hợp với các đoàn thể huy động nguồn nhân lực tại chỗ để hỗ trợ kịp thời giúp người dân triển khai tích cực các biện pháp phòng chống rét, chống dịch cho cây trồng, vật nuôi có hiệu quả. Hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng, chống đói, rét cho vật nuôi ban hành theo Quyết định số 458/QĐ-CN-MTCN ngày 8/12/2022 của Cục trưởng Cục Chăn nuôi. Thành lập các đoàn công tác về cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm, đặc biệt chú trọng các xã vùng cao và vùng khó khăn.

Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn, đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng không để gia súc bị đói, khát; nhiệt độ quá lạnh sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi nhất là đối với gia súc già yếu, gia súc non; không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại (khi nhiệt độ xuống dưới hoặc bằng 12 độ C); áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm; giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt (đốt trấu, củi…) sưởi ấm cho gia súc; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt gia súc chết và chất thải vật nuôi.

Tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục ở trâu bò, Dịch tả lợn châu Phi, Tai xanh, Cúm gia cầm...

Hướng dẫn chủ vật nuôi báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y để tiến hành điều tra và xử lý theo đúng quy định. Không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, không để xác động vật chết ra ngoài môi trường.

Chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc để gia cố, che chắn chuồng trại, mua thức ăn tinh cho đàn gia súc ăn cỏ, tăng sức chống chịu lạnh cho vật nuôi.

Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo về tình hình thời tiết rét đậm, rét hại để thông tin đến người dân biết và chủ động tích cực triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả với rét đậm, rét hại.

Thu Hạnh

comment Bình luận

largeer