Thuốc trị viêm loét dạ dày - tá tràng ở trẻ em: Dùng sao cho an toàn?

Viêm loét dạ dày - tá tràng là bệnh xảy ra phổ biến hiện nay không những đối với người lớn mà ngay cả trẻ em cũng có thể bị mắc phải. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có liên quan đến vấn đề ăn uống và nhiễm vi khuẩn, thực tế thường gặp là nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori)... Ở trẻ em, cần thận trọng khi dùng thuốc điều trị để bảo đảm an toàn và hiệu quả.
16/11/2020 16:29

Ngoài vấn đề có liên quan đến ăn uống, bệnh viêm dạ dày - tá tràng do nhiễm vi khuẩn HP sẽ gây tổn thương cho niêm mạc vì chúng tiết ra men urease làm mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ và yếu tố tấn công của vi khuẩn ở dạ dày gây nên bệnh lý. Đồng thời việc lạm dụng thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol, ibuprofen... cũng có thể gây nên bệnh lý viêm dạ dày - tá tràng ở trẻ em. Khi trẻ có biểu hiện triệu chứng đau bụng, chán ăn, buồn nôn... cần xem xét kỹ; phải khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán xác định giúp cho việc điều trị phù hợp, hiệu quả.

Thuốc điều trị do nhiễm vi khuẩn HP

Cần dùng kết hợp cả thuốc điều trị triệu chứng và điều trị nguyên nhân. Nguyên nhân phổ biến gây viêm loét dạ dày - tá tràng là do nhiễm vi khuẩn HP, vì vậy nên dùng thuốc kháng sinh đặc hiệu có liên quan.

Phác đồ điều trị thường sử dụng hiện nay gồm: Thuốc ức chế bơm proton PPI như omeprazol, lanzoprazol, pantoprazol, rabeprazol, esomeprazol... kết hợp với amoxicillin + metronidazole trong 5 ngày. Thuốc ức chế bơm proton PPI kết hợp với amoxicillin + clarithromycin trong 5 ngày. Bismuth kết hợp với amoxicillin + metronidazole trong 4 - 5 ngày.

Lưu ý phác đồ điều trị này tuy được sử dụng khá phổ biến để chữa trị viêm loét dạ dày - tá tràng cho trẻ em do nguyên nhân nhiễm vi khuẩn HP, trong đó có sử dụng thuốc kháng sinh nên phải có chỉ định kê đơn của bác sĩ, không được tùy tiện mua dùng dẫn đến sự nguy hại và góp phần tạo nên vi khuẩn kháng thuốc.

Thuốc điều trị không do nhiễm HP, liên quan đến ăn uống

Đối với những trẻ em bị viêm loét dạ dày - tá tràng nhưng nguyên nhân không phải do nhiễm vi khuẩn HP thường gặp thì sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng gồm: Thuốc ức chế bơm proton PPI (proton-pump inhibitor) gồm omeprazol, lanzoprazol, pantoprazol, rabeprazol, esomeprazol...  Thuốc kháng tiết acid dịch vị gồm các thuốc chứa magnesi hydroxyd Mg(OH)2, chứa nhôm hydroxyd Al(OH)3 hoặc phối hợp cả hai loại.

Lưu ý thuốc magnesi hydroxyd và nhôm hydroxyd không được dùng đối với trẻ quá nhỏ dưới 6 tuổi, liều lượng sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời cũng phải tìm nguyên nhân gây bệnh cụ thể ở trẻ để loại bỏ thì mới có kết quả điều trị chắc chắc. Ngoài ra, đối với những trẻ bị viêm loét dạ dày - tá tràng do lạm dụng các loại thuốc kháng viêm không steroid NSAIDs (dùng để hạ sốt, chống đau, giảm viêm như aspirin, naproxen, diclofenac, ibuprofen, meloxicam, celecoxib, etoricoxib...) thì cần phải hạn chế việc sử dụng các loại thuốc này. Các loại thuốc cũng phải được bác sĩ kê đơn và chỉ định việc sử dụng, không được dùng một cách tùy tiện.

DTNB-Vi_khuan_HP_-_thu_pham_gay_viem_loet_da_day_ta_trang

Ngoài biện pháp dùng thuốc điều trị, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của trẻ cũng cần được lưu ý. Khi viêm loét dạ dày - tá tràng, trẻ thường có triệu chứng buồn nôn, nôn, chán ăn... vì vậy cơ thể có thể bị suy yếu, mệt mỏi do thiếu chất; do đó việc bổ sung chất bổ dưỡng và vitamin rất cần thiết. Nên cho trẻ ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, dễ nuốt, không quá nóng, không có gia vị cay...; đồng thời có thể chia thành nhiều bữa ăn trong ngày để hỗ trợ khả năng tiêu hóa và cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý, không cho trẻ tiếp xúc qua miệng với người khác vì dễ có khả năng bị tái nhiễm vi khuẩn HP gây bệnh.

Theo SKCĐ

comment Bình luận

largeer