Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu – Dáng đứng Quảng Trị trong lòng lịch sử

Hằng năm, khi tháng Bảy – mùa tri ân – trở về, Quảng Trị, mảnh đất từng quằn mình trong lửa đạn, lại lặng lẽ chào đón một người lính cũ. Không kèn, không trống, chỉ có bước chân trầm mặc của Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu – người đã từng “nằm gai nếm mật” trên chính mảnh đất này trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh giữ nước. Với ông, những cái tên như Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh hay dòng Thạch Hãn không chỉ là địa danh – đó là từng nắm đất thấm máu đồng đội, là hồi ức còn nguyên vết bỏng của đạn bom, là nơi tuổi xuân của biết bao người đã nằm lại vĩnh viễn để đất nước được hồi sinh.
15/07/2025 13:38
thuong-ta-nguyen-huy-hieu-1

Cuộc đời binh nghiệp của ông – từ người lính trẻ năm nào đến vị tướng học giả hôm nay – là một bản hùng ca viết bằng máu, mồ hôi và trí tuệ. Cuốn hồi ký Một thời Quảng Trị không chỉ là trang sách kể chuyện cũ, mà là ký ức sống động, là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay hãy biết tri ân, giữ gìn và sống xứng đáng với những gì đã được đánh đổi bằng sinh mệnh. Năm 1965, khi mới 18 tuổi, Nguyễn Huy Hiệu – người con của vùng biển lấn đất Hải Hậu, Nam Định – đã rời quê lên đường nhập ngũ với trái tim nóng bỏng lý tưởng. Dưới mưa bom lửa đạn, ông trưởng thành trong đội hình Trung đoàn 27 – đơn vị còn được gọi là Trung đoàn Đỏ, sau này mang tên “Triệu Hải”. Chính nơi đây đã hun đúc nên một người chỉ huy bản lĩnh, một người lính kiên trung giữa chiến trường ác liệt nhất. Tại Quảng Trị, ông từng chỉ huy nhiều trận đánh then chốt. Từ trận tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới Mỹ ở Cam Lộ (1970), phá hủy đoàn xe quân sự trên đường 9 trong Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (1971), đến trận đánh 52 ngày đêm vây ép cứ điểm Cồn Tiên – nơi ông cùng đồng đội phá tan tuyến phòng thủ kiên cố của quân đội Mỹ.Năm 1972, trong Chiến dịch giải phóng Quảng Trị, với cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, ông đã chỉ huy trận mở màn, tiêu diệt hai tiểu đoàn địch và bắt sống Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 2 quân đội Sài Gòn. Trung đoàn 27 – dưới sự chỉ huy của ông – đã góp phần giải phóng hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng, được vinh danh bằng tên gọi “Triệu Hải” và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Riêng ông, khi mới 26 tuổi, đã trở thành một trong những người lính trẻ nhất được phong danh hiệu Anh hùng. Sau ngày giải phóng, trước sự phản kích dữ dội của địch nhằm tái chiếm Quảng Trị, Trung đoàn Triệu Hải lại bước vào cuộc chiến mới – giữ vững cánh Đông Thành Cổ, chặn đứng ý đồ chiến lược của đối phương. Đó cũng là đóng góp không nhỏ buộc địch phải ngồi vào bàn đàm phán, đi đến việc ký kết Hiệp định Paris năm 1973. Đến mùa Xuân 1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, người chiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu khi ấy là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Triệu Hải – đã chỉ huy đơn vị đột phá tuyến phòng thủ Bắc Sài Gòn, góp phần vào thắng lợi vĩ đại, đưa đất nước về thống nhất. Chiến tranh qua đi, ông không dừng lại ở hào quang của chiến thắng mà tiếp tục con đường tri thức. Được cử đi đào tạo tại Học viện Funia (Liên Xô), ông trở về, kinh qua nhiều vị trí trọng yếu: Sư đoàn trưởng Sư đoàn 390, Tư lệnh Quân đoàn I. Năm 40 tuổi, ông được phong hàm Thiếu tướng – trở thành một trong những vị tướng trẻ nhất của thời hậu chiến. Từ năm 1994, ông giữ các trọng trách cấp cao: Phó Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, và là Ủy viên Trung ương Đảng ba khóa liên tiếp. Không chỉ là vị tướng thao lược, ông còn là kiến trúc sư trong nhiều chiến lược quốc phòng và là người tiên phong trong đối ngoại quốc phòng hiện đại. Với tâm huyết khoa học quân sự, ông là người Việt Nam đầu tiên được Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên bang Nga phong tặng danh hiệu Viện sĩ – một minh chứng quốc tế ghi nhận trí tuệ, tầm vóc và ảnh hưởng sâu rộng của ông trong lĩnh vực nghệ thuật chiến tranh hiện đại và hợp tác quốc phòng toàn cầu.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cùng Đoàn đi thăm các địa chỉ đỏ.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cùng Đoàn đi thăm các địa chỉ đỏ

Với 72 nghĩa trang liệt sĩ, Quảng Trị không chỉ là miền đất anh hùng mà còn là nơi in đậm dấu chân binh nghiệp của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu. Dòng Thạch Hãn đỏ lửa, Thành Cổ bi tráng – nơi ông và đồng đội từng chiến đấu, giờ đây như những “nghĩa trang không bia mộ” chở nặng linh hồn hàng vạn chiến sĩ đã hy sinh.

Từ trong đau thương ấy, ông chọn tri ân làm lẽ sống. Cuốn sách Một thời Quảng Trị, đồng tác giả với Đại tá – nhà văn Lê Hải Triều, là bản hùng ca mang tiếng nói của những người đã nằm lại. Tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng, như một nhịp cầu nối để bạn bè quốc tế hiểu về cuộc chiến vệ quốc và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Không chỉ là người kể chuyện chiến tranh bằng ngôn từ, ông còn là hình mẫu bước ra từ văn học – nghệ thuật: từ vở kịch Đại đội trưởng của tôi, đến những khúc ca như Tiếng đàn Ta Lư, Con suối La La… tất cả đều phảng phất bóng dáng người lính trầm lặng mà kiên cường ấy.

Gần bước sang tuổi 80, ông vẫn không ngơi nghỉ. Những chuyến đi “về nguồn”, những chương trình du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” mang theo cả tâm huyết gìn giữ ký ức chiến tranh – không để quá khứ ngủ yên, mà hóa thành bài học và thông điệp hòa bình cho hôm nay và mai sau.

Từ người lính trẻ trong khói đạn, đến vị tướng của thời bình – hành trình của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là biểu tượng sống động về bản lĩnh, trí tuệ và lòng trung nghĩa của một thế hệ làm nên lịch sử. Là nơi ký ức và hiện tại, máu lửa và bình yên hòa quyện, soi sáng con đường cho thế hệ tương lai.

Nhà báo Chu Loan - Tổng biên tập Tạp Chí Sức Khỏe Cộng Đồng

comment Bình luận