Tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật do nguồn ô nhiễm ven biển Ninh Thuận

Nhiều ngày qua, người dân ở ven biển Ninh Thuận bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đủ các loại chất thải, rác thải bị tống ra môi trường hoặc đổ trực tiếp xuống biển. Càng ám ảnh hơn khi có cả những chất thải có thể gây nguy hại cho sức khỏe vốn được sử dụng để nuôi trồng sau đó thì bị bỏ mặc cho phân hủy dần trong nước, điều này đã tiềm ẩn, tổn hại lớn đến sức khỏe.
27/09/2020 18:25

Ám ảnh người dân lẫn du khách

Những ngày cuối tháng 9, có mặt ở khu vực cửa biển Đầm Nại (Ninh Hải, Ninh Thuận) nhiều người đều chung một nỗi ám ảnh trước màu nước biển nhiều chỗ đen đục do cao su ngâm lâu ngày phôi ra, dọc trên bờ thì chất chồng lốp cao su để lâu ngày bắt đầu mục tan.

Anh Lê Văn Chung, du khách ở đây cho biết: Cao su và các loại lốp xe cứ vứt hết xuống biển triền miên cộng thêm với các loại chất thải khác nữa thì môi trường biển độc hại là khó tránh khỏi. Có lúc mặt nước nổi váng thậm chí hôi thối. Tắm cách xa đó vài kilômét còn nổi mẩn ngứa. Thực chất, các chất thải từ cao su rất độc.

HINH_1_resize

Chất chồng lốp xe cũ bằng cao su dùng nuôi hàu xong ném lại bờ biển, cửa biển ở khu vực Đầm Nại (xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải).

Theo người địa phương: Hàng loạt đống chất thải là lốp ôtô, xe máy, xốp, rác... dưới biển lẫn trên bờ là do người dân dùng cột vào những chiếc cọc đã được đóng xuống mép biển, đầm cho hàu bám vào sống và sinh sản. Hết mùa thu hoạch thì thải bừa ra như vậy.

Còn đại diện Phòng NN&PTNT huyện Ninh Hải, từ cuối năm 2019 địa phương cũng đã yêu cầu xã Hộ Hải phối hợp cùng nhiều lực lượng kiểm tra, giám sát nhưng vẫn chưa xử lý được triệt để được.

Sắp tới sẽ tiếp tục yêu cầu không dùng lốp xe cũ tràn lan để nuôi hàu tự nhiên.

Tại khu vực biển Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; khu vực biển Cà Ná, Phước Diêm (huyện Thuận Nam)... rác thải cùng xác động vật cũng liên tục xuất hiện, tụ thành từng đống ven biển, bốc mùi hôi thối, mỗi khi gió mạnh thốc vào khu dân cư.

Nhiều khách du lịch cho biết: Người dân cứ ném ra rồi sóng mạnh nó lại dạt vào, có thời điểm nhìn thôi đã không dám xuống biển, đặc biệt là những ngày nắng nóng, ruồi nhặng bay quanh các khu vực có nhiều chất thải rất nhiều. Lâu lâu chính quyền ra quân thì bớt, sau đó đâu lại vào đấy.

Dễ phát sinh bệnh tật

Từ ngày xuất hiện các đống chất thải là lốp xe cũ ở Đầm Nại, ông Nguyễn Văn T. là người địa phương nhưng cũng không dám tắm các bãi biển quanh đó nữa.

Ông T. lo lắng: Chất thải độc hại đó ra nước, nó phân tán đi nhiều nơi. Có lần tắm gần đó ngửi được cả mùi khó chịu trong nước, về nhà ngứa đầy người, phải bôi thuốc hết cả tuần, mắt thì đỏ ngầu, tắm nữa dễ sinh bệnh.

Không chỉ rác thải, chất thải, xác động vật, lốp xe cao su... mà nhiều khu vực ven biển Ninh Thuận còn bị “đầu độc” bởi chất thải chăn nuôi dư thừa, chai lọ, chất thải sinh hoạt từ các lồng bè nuôi tôm, cá gần bờ.

Hàng loạt hộ dân sinh sống ven biển Đông Hải cho biết, các bệnh phổ biến gặp phải vì ô nhiễm là những bệnh ngoài da, đau mắt đỏ...

Người ta cứ nghĩ đơn giản vứt ra biển là sẽ biến mất nhưng thực chất khi sóng lên lại dạt hết vào bờ, áp vào các khu dân cư.

Đã đến lúc tỉnh Ninh Thuận cần có các biện pháp hữu hiệu như: Tăng cường nhân lực tuần tra, kiểm tra việc xả thải, việc nuôi trồng bằng cao su độc hại; đẩy mạnh việc vận động người dân cam kết không xả thải...

Chỉ có như vậy mới tránh được nỗi ám ảnh cho người dân lẫn du khách khi đến với địa phương.

Theo SKĐS

comment Bình luận

largeer