Tin "thần y" hơn bác sĩ, bỏ điều trị dùng "thuốc thần" của lang băm: Nghịch lý niềm tin ở Việt Nam và bài học từ Nhật, Mỹ

Dưới đây là bài viết của BS. TS. Phạm Nguyên Quý về việc nhiều bệnh nhân ở Việt Nam bỏ phương pháp điều trị chính thống để theo những liệu pháp không có cơ sở khoa học và những lý do đằng sau.
01/05/2021 17:51

"Cả nhà ơi! Bố em bị ung thư phổi giai đoạn IV, phát hiện hồi tháng 6 năm ngoái. Bác sĩ điều trị bằng thuốc nhắm đích có kết quả khá tốt nhưng mấy tháng trước bố lại muốn theo một thầy lang điều trị bằng thuốc gia truyền. Thầy lang yêu cầu ngừng dùng thuốc Tây và ăn uống kiêng khem gần như chỉ có rau, cơm với muối lạc, muối vừng. Mấy tuần rồi bệnh có vẻ trở nặng và bố em đang bị khó thở và đau nhiều hơn. Mọi người có ai từng bị như vậy tư vấn giúp em với!"

Đây chỉ là một trong hàng trăm status cầu cứu tương tự mà chúng tôi nhận được khi vận hành nhóm Facebook Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Y học cộng đồng trong ba năm qua. Nhiều thành viên vào chia sẻ cảm thông "Khổ thân bố chị, đúng là có bệnh vái tứ phương mà!", nhưng cũng không thiếu lời trách móc "Trời ơi sao nhà bạn dại thế! Không chữa ở bệnh viện lại đi tin lang băm!" hay "May mắn mới trúng nhóm đáp ứng thuốc đích, còn được bảo hiểm chi trả mà lại bỏ mất cơ hội quá phí!". Những chỉ trích thật tình nhưng đôi khi chỉ làm người ta thêm nhói lòng.

Là một trong những admin của nhóm, tôi thường tự hỏi tại sao bệnh nhân và người thân lại bỏ bác sĩ mà tìm tới những liệu pháp "lang băm" như vậy. Phải chăng họ thiếu kiến thức? Phải chăng họ không tin vào y học hiện đại?

Vì sao bệnh nhân tin lời "lang băm"?

Sau một thời gian dài tìm hiểu, tôi mới nhận ra rằng nhiều khi bệnh nhân và bác sĩ "không thể gặp nhau" vì đang sống trong hai thế giới khác nhau.

Empty

Ảnh minh họa tế bào ung thư

Trong khi các bác sĩ vẫn thường cố gắng giảng giải cho bệnh nhân hiểu về điều trị tiêu chuẩn trong tình huống đó, tức điều trị có nhiều bằng chứng khoa học nhất, mang lại khả năng thắng lợi cao nhất mà giới chuyên gia biết tới, nhiều người bệnh lại nghĩ rằng "tiêu chuẩn" chỉ là kiểu "trung bình", kiểu "đại trà", và họ muốn cái gì đó đặc biệt hơn cho mình.

Trong khi các bác sĩ hay dự đoán tiên lượng theo số liệu thống kê, ví dụ tỉ lệ thuốc giúp teo nhỏ khối u là 40-45%, thời gian thuốc giúp giữ bệnh ổn không tiến triển thêm là 8-12 tháng,… thì những con số này đôi khi không thật sự "đi vào đầu" người bệnh.

Đơn giản, bệnh nhân và người thân của họ muốn đi tìm niềm tin chứ không phải là những số liệu khoa học khô khan mà bác sĩ cung cấp. Các bác sĩ thường ít dám tuyên bố chữa lành như mong mỏi của người bệnh.

Cũng chính vì tâm lý muốn chữa lành này mà bệnh nhân và người thân dễ tìm đến những tin đồn như ông A ở tỉnh B nhờ thang thuốc C mà khỏi hẳn bệnh. Với sự tiếp sức của mạng xã hội, đôi khi có thêm nhóm bán hàng trá hình làm bệnh nhân, những tin đồn thất thiệt kiểu "đảm bảo chữa lành" này ngày càng được lan đi nhanh chóng và rộng khắp để hút thêm niềm tin của người bệnh.

Empty

Tạo dựng và gìn giữ niềm tin của người bệnh là chìa khóa quan trọng giúp quá trình điều trị thành công. Các bác sĩ tại bệnh viện vẫn đang cố gắng từng ngày cho điều này dù công việc bận rộn và nhiều thử thách trước mắt. Bệnh nhân càng trẻ, mắc bệnh càng hiểm nghèo thì càng cần bác sĩ tiếp sức qua niềm tin.

Quản lý niềm tin

Bệnh nhân ung thư đi tìm niềm tin ngoài bệnh viện, tìm đến những liệu pháp "không chính thống" vì không đủ bằng chứng khoa học không phải là hiện tượng đặc thù ở Việt Nam. Tại Nhật Bản, vẫn có những bệnh nhân muốn lên chùa mua bùa cầu may hoặc đi tắm suối nước nóng để hỗ trợ chữa bệnh. 

Đôi khi, các bác sĩ phải lắng nghe nguyện vọng của bệnh nhân xem có thể tích hợp những mong muốn đó vào lộ trình điều trị để vừa đảm bảo an toàn và hiệu quả, vừa phát huy sức mạnh tinh thần nội tại của người bệnh. Tuy nhiên, theo các điều trị nhảm nhí sẽ có thể làm bệnh nhân tốn thêm thời gian, tiền bạc và thậm chí làm mất cơ hội chữa bệnh tốt.

Việc tin vào điều gì đó là quyền tự do của con người, nhưng liệu niềm tin có cần được "quản lý" hay không? Đôi khi, tôi cảm thấy thật bất công cho những đồng nghiệp tại Việt Nam vì họ đang bị thử thách trong những trận đấu không cân sức. Vài bác sĩ nói với tôi rằng họ đã bỏ ra hằng giờ để tư vấn cho người bệnh tin tưởng vào điều trị nhưng rốt cuộc bệnh nhân lại đi theo những cách chữa bậy bạ khác do tin đồn bủa vây suốt thời gian ở nhà. Đành rằng trong sự thiếu hiểu biết và thiếu niềm tin của bệnh nhân có phần trách nhiệm của y bác sĩ, nhưng để tin đểu lộng hành có phải là một tệ nạn do quản lý xã hội yếu kém hay không?

a

Là bác sĩ chuyên khoa Ung thư tại Nhật Bản, tôi nhận thấy sự khác biệt rõ rệt giữa hai nước ở việc thực thi luật định về quảng cáo y tế. Ở Nhật Bản, nếu không có số liệu khoa học khách quan, chắc chắn được kiểm định bởi Bộ Y tế hay các hiệp hội chuyên ngành thì cấm tiệt không được ghi chú về công dụng lên nhãn mác. Trong khi đó, tại Việt Nam chúng ta có thể thấy nhan nhản những quảng cáo sản phẩm ABC nào đó có thể chữa bệnh hay hỗ trợ chữa đủ thứ bệnh mà trên thực thế không hề có bằng chứng nào đi kèm.

Qua những lần kiểm chứng tin đồn, Tổ chức Y học cộng đồng chúng tôi nhận thấy một điều thú vị là hầu hết thực phẩm chức năng được rao bán tại Việt Nam không được ghi bất cứ thông tin gì về chức năng chữa bệnh cụ thể tại Nhật Bản. Thậm chí, có sản phẩm vi phạm luật quảng cáo y tế tại Nhật Bản, bị xử phạt và yêu cầu sửa đổi cách trình bày từ 5-6 năm trước nhưng nay lại trà trộn về Việt Nam và vẫn được ca ngợi như thuốc thần. 

Không chỉ thực phẩm chức năng, chúng ta có thể nhận ra vô số danh y và thần y tự xưng đang hoành hành với các bài thuốc gia truyền, liệu pháp thụt tháo hậu môn bằng cà phê hay cách kiềm hóa cơ thể.

Tôi thật sự ngạc nhiên khi ở Mỹ có bác sĩ bị kiện bắt bồi thường hàng triệu đô la vì khuyên bệnh nhân kiềm hóa cơ thể gây hậu quả nghiêm trọng nhưng ở Việt Nam, bệnh nhân có chết vì điều trị lang băm cũng chẳng ai hỏi thăm đến.

Empty

BS. TS. Phạm Nguyên Quý

Hóa ra, quản lý nhà nước cũng được thể hiện ở đây, khi tôi nhớ về lịch sử hình thành những trường Y khoa đầu tiên tại Châu Âu tám trăm năm trước. Sự phân hóa và chú trọng vào y học chính thống đã thực sự thúc đẩy sự phát triển của y tế, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng và kiến thiết quốc gia hùng cường. Quá trình hiện đại hóa, tiêu chuẩn hóa đó đã đẩy lùi ảnh hưởng của những thầy cúng và lang băm, giúp bệnh nhân tìm tới những điều trị tốt nhất cung cấp bởi các bác sĩ dưới ánh sáng khoa học.

Với góc nhìn này, phải chăng Việt Nam ta vẫn còn quá xa mục tiêu hiện đại hóa ngành y tế? Nói trắng ra, việc "để xổng" những lang băm không bằng cấp, những sản phẩm không bằng chứng tự tiện tuyên bố về khả năng chữa bệnh như hiện nay ám chỉ rằng chúng ta vẫn đang ở thời kỳ Trung cổ, ở đâu đó, theo một nghĩa rộng.

Giữ vững niềm tin cho bệnh nhân, hóa ra không chỉ là trách nhiệm của y bác sĩ mà còn là trách nhiệm của nhiều ban ngành liên quan và có khi là của toàn xã hội.

Song song với việc cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, việc thắt chặt và thực thi những quy định về quảng cáo y tế là cực kỳ cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi sức mạnh của mạng xã hội ngày càng khó kiểm soát.

BS. TS. Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư Nội khoa,

Bệnh viện Kyoto Miniren, Đại học Kyoto (Trưởng Dự án Y học cộng đồng)

comment Bình luận

largeer