Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới tính đến ngày 8/10

Đến sáng ngày 8/10, thế giới có trên 625,88 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,558 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
08/10/2022 10:10

Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 98,47 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,087 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết đã ngừng đưa ra những lưu ý về y tế khi đi du lịch liên quan đến đại dịch COVID-19 do có ít quốc gia đưa ra đủ dữ liệu để đánh giá một cách chính sách về tình hình dịch bệnh.

Theo CDC, trong bối cảnh có ít quốc gia tiến hành xét nghiệm hoặc báo cáo về các trường hợp mắc COVID-19, khả năng CDC đưa những lưu ý về y tế chính xác đối với phần lớn những điểm đến du lịch bị hạn chế. Do vậy, cơ quan này sẽ chỉ đưa ra lưu ý về y tế "đối với một nước trong trường hợp một tình huống, chẳng hạn như sự quan ngại về biến thể của virus SARS-CoV-2, được xác định là làm thay đổi những khuyến nghị của CDC đối với quốc gia này".

nb-16651474235251829936352

(Ảnh minh hoạ)

Trước đó, hồi tháng 3 năm nay, CDC đã đưa ra những khuyến nghị không đi du lịch đối với khoảng 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chiếm hơn một nửa số điểm đến du lịch toàn cầu. Tuy nhiên, đến tháng 4/2022, CDC đã hủy bỏ khuyến nghị "Không đi du lịch do COVID-19" đối với khoảng 90 điểm đến trên thế giới và cho biết sẽ dành riêng lưu ý về y tế khi đi du lịch mức độ 4 cho "những hoàn cảnh đặc biệt".

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 7/10, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,6 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 528.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 155.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 35,76 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này. Ngày 7/10, Pháp ghi nhận thêm 61.121 ca mắc mới và 53 trường hợp thiệt mạng.

Brazil có tổng cộng trên 34,75 triệu ca mắc COCVID-19, cao thứ tư thế giới, và hơn 686.700 người tử vong vì căn bệnh này, cao thứ hai toàn cầu chỉ sau Mỹ.

Làn sóng dịch COVID-19 có nguy cơ quay trở lại châu Âu khi thời tiết ở khu vực này trở nên mát mẻ hơn, trong khi các chuyên gia y tế cho rằng chiến dịch tiêm liều tăng cường đang chậm lại.

Số ca nhiễm mới ở EU trong tuần trước là 1,5 triệu ca, tăng 8% so với tuần trước đó dù số lượt xét nghiệm giảm mạnh. Số ca nhập viện ở Anh và nhiều nước cũng tăng lên trong những tuần gần đây. Số liều vaccine được tiêm chủng hàng tuần trong tháng 9 vừa qua tại EU chỉ từ 1 triệu đến 1,4 triệu liều, ít hơn rất nhiều so với khoảng từ 6 - 10 triệu liều/tuần ghi nhận trong cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu của tổ chức nghiên cứu Gimbe, trong tuần kết thúc vào ngày 4/10, tại Italy, số ca nhập viện vì COVID-19 có triệu chứng đã tăng gần 32%, trong khi số ca nguy kịch tăng khoảng 21% so với tuần trước đó. Trong cùng thời gian này, số ca nhập viện tại Anh cũng tăng 45% so với tuần trước đó.

EU vào đầu tháng 9 đã cấp phép cho 2 loại vaccine tăng cường ngừa COVID-19 được điều chỉnh để chống lại các dòng phụ của biến thể Omicron là BA.1, BA.4 và BA.5. Hiện Anh cũng mới chỉ cấp phép cho loại vaccine tăng cường ngừa dòng phụ BA.1.

Theo giới chuyên gia, thách thức lớn nhất đối với việc tiêm chủng là việc nhiều người dân cho rằng đại dịch đã kết thúc.

Giáo sư Michael Plank thuộc Đại học Canterbury (Anh) cảnh báo, New Zealand có thể đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 mới trước cuối năm 2022. Giáo sư Plank nêu trường hợp các ca mắc COVID-19 và phải nhập viện đang gia tăng tại châu Âu như Đức, Đan Mạch, Bỉ và Anh là ví dụ về một làn sóng dịch mới sắp xảy ra. Theo ông, các nhân tố như miễn dịch giảm và các biến thể phụ mới BQ.1.1 của biến thể Omicron, biến thể BA.5 và biến thể phụ khác BA.2.75.2 kết hợp với nhau tạo nên làn sóng mới trong tương lai.

Giáo sư Plank dự báo điều tương tự tại châu Âu có thể xảy ra ở New Zealand sau vài tuần nữa. Ông bày tỏ lo ngại khi nhiều người dân New Zealand không còn đeo khẩu trang và biên giới nước này đã mở cửa từ tháng 9 vừa qua. Từ giữa tháng 9, người dân New Zealand đã không còn bắt buộc phải đeo khẩu trang trong các siêu thị, cửa hàng, trên xe bus hay máy bay. Và khách du lịch cũng không còn cần phải tiêm phòng để có thể đến thăm đất nước này.

Bộ Y tế New Zealand ngày 7/10 cho biết, nước này đã ghi nhận tổng cộng trên 1,78 triệu ca mắc COVID-19 và 2.992 người tử vong.

Ngày 7/10, Canada đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 được điều chỉnh của hãng Pfizer-BioNTech làm mũi tăng cường ngừa các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron.

Vaccine tăng cường của Pfizer-BioNTech, hiện được cấp phép sử dụng cho người trên 12 tuổi, là loại vaccine tăng cường thứ 2 được Bộ Y tế Canada phê duyệt. Tháng 9, cơ quan này đã "bật đèn xanh" cho vaccine được điều chỉnh của hãng Moderna làm mũi tăng cường ngừa COVID-19 cho người trên 18 tuổi. Cả 2 vaccine này đều có hiệu quả ngừa biến thể Omicron và các dòng phụ của biến thể này gồm BA.4 và BA.5.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã cấp phép vaccine COVID-19 của hãng Pfizer dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 4 tuổi. Đây là vaccine đầu tiên dành cho nhóm tuổi này được cấp phép ở Nhật Bản.

Vaccine mới cấp phép được sử dụng để phòng ngừa chủng gốc của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện lần đầu ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, vào cuối năm 2019. Mỹ đã cấp phép khẩn cấp cho vaccine này vào tháng 6 năm nay cùng với vaccine của hãng Moderna.

Cùng ngày, MHLW đã cấp phép nhanh cho vaccine phòng biến thể phụ BA.5 của biến thể Omicron do hãng dược phẩm Pfizer sản xuất. Dự kiến, các vaccine này sẽ được phân phát đến các địa phương trên khắp cả nước từ tháng này.

Ngoài Pfizer, hãng Moderna cũng đang đề nghị MHLW cấp phép lưu hành cho loại vaccine tương tự của hãng này. Các sản phẩm của Pfizer và Moderna đều là những vaccine đã được điều chỉnh để ngăn ngừa các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron và đã được cấp phép lưu hành ở Mỹ.

Sau khi bùng phát mạnh mẽ vào các tháng 7 và 8 với số ca nhiễm mới có lúc vượt ngưỡng 260.000 ca/ngày, thời gian gần đây, dịch COVID-19 ở Nhật Bản đã có dấu hiệu lắng dịu. Vào ngày 5/10, nước này chỉ ghi nhận thêm 41.018 ca nhiễm mới, giảm khoảng 8.500 ca so với một tuần trước đó, và 86 ca tử vong do COVID-19. Ngày 7/10, Nhật Bản báo cáo 29.443 ca mắc mới và thêm 73 người thiệt mạng vì COVID-19.

Một trong những lễ kỷ niệm Đạo giáo lớn nhất của Thái Lan là Lễ hội Cửu hoàng đế, còn được biết đến với tên gọi là “Lễ hội ăn chay”. Lễ hội diễn ra trong 9 ngày tại hòn đảo nổi tiếng Phuket với những nghi thức tôn giáo hết sức độc đáo, thu hút hàng nghìn tín đồ người Hoa đến nơi đây sau 2 năm bị trì hoãn vì đại dịch COVID-19.

Mặc dù đã chính thức dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp y tế liên quan đại dịch COVID-19 và không còn coi COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng nhà chức trách Thái Lan vẫn xác định sẽ tiếp tục giám sát tình hình COVID-19 tại 8 tỉnh thành lớn của nước này, bao gồm cả thủ đô Bangkok.

Tiến sĩ Sophon Iamsirithaworn, Cục phó Cục Kiểm soát bệnh tật thuộc Bộ Y tế Thái Lan, cho biết, từ ngày 1/10, việc giám sát được thực hiện giữa các nhóm có nguy cơ cao. Bộ Y tế Thái Lan cũng đã xác định các tỉnh có nguy cơ bùng phát dịch. Đây đều là các địa phương có thế mạnh về du lịch hoặc có mật độ lao động nhập cư dày đặc.

Theo Tiến sĩ Sophon, 8 tỉnh này sẽ được coi như những điểm mẫu để phát hiện những dấu hiệu đầu tiên của một đợt dịch mới. Ngoài ra, Bộ Y tế Thái Lan cũng sẽ theo dõi các biến chủng và cập nhật thông tin hàng tuần thay vì hàng ngày vì tình hình dịch bệnh hiện đã ổn định. Theo ông, tỷ lệ nhiễm và sự xuất hiện các biển thể mới sẽ là những thông tin quan trọng để ước đoán liệu có khả năng bùng phát dịch hay không.

Singapore sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi bắt đầu từ ngày 25/10 tới. Thông báo của Bộ Y tế Singapore được đưa ra sau khi ghi nhận 2 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do COVID-19.

Singapore sẽ sử dụng vaccine Moderna với hai liều 25 microgram để tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi. Mỗi liều cách nhau 8 tuần. Theo Bộ Y tế Singapore, khoảng 4% ca dương tính với COVID-19 ở nước này từ đầu đại dịch là trẻ em dưới 5 tuổi. Phần lớn số ca mắc ở nhóm tuổi này có thể hồi phục tại nhà.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer