Tình hình thiên tai khắc nghiệt xảy ra trên thế giới

Trong những ngày qua, thiên tai khắc nghiệt hoành hoành trên khắp thế giới khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ.
11/08/2022 22:42

Khắp nơi trên thế giới, thời tiết khắc nghiệt đang làm đảo lộn cuộc sống người dân. Mới đây nhất là trận lũ lụt lịch sử lớn nhất 115 năm qua tại Hàn Quốc. Tính đến tời điểm này có ít nhất 9 người thiệt mạng và hàng nghìn nhà cửa bị hư hại. Trận lũ đã phơi bày cuộc sống khốn khổ của tầng lớp lao động nghèo ở một quốc gia phát triển là Hàn Quốc.

Mưa như trút nước xuống Seoul, khi ngay cả những khu có cơ sở hạ tầng tốt như Gang-nam cũng bị ngập lụt nặng nề. Anh Jang Tae-Won - Người dân Seoul nói: "Tôi sống gần khu Gangnam này và đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những chiếc xe hư hỏng la liệt trên đường phố. Tôi rất sốc".

Khu vực có cơ sở hạ tầng tốt đã vậy, với những người dân nghèo ở các khu vực có cơ sở vật chất thiếu thốn thì thời tiết khắc nghiệt còn là thảm họa.

Sáng ngày 9/8, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok Yeol đã tới thăm căn "nhà nửa hầm" tại Thủ đô Seoul, nơi một gia đình ba người thiệt mạng thương tâm do trận mưa lũ lịch sử tối hôm trước. Thường ngày, căn hộ ấy là mái nhà che chở cho một gia đình nghèo có ba người. Nhưng khi Seoul hứng trận mưa lớn kỷ lục vào tối ngày 8/8, căn hộ bán hầm với phần sàn được xây thấp hơn mặt đường bỗng trở thành chiếc bẫy tử thần.

Empty

Tổng thống Yoon đích thân đến ngôi nhà nơi 3 người trong một gia đình tử vong do ngập nặng (Ảnh: Chosun)

Ba nạn nhân, một phụ nữ 47 tuổi cùng chị gái khuyết tật và con gái 13 tuổi đã kêu cứu khi nước tràn vào trong, hàng xóm phá cửa sổ để cứu họ nhưng nước ngập cả căn nhà chỉ trong vài giây. Câu chuyện thương tâm này một lần nữa khiến giới chức và người dân Hàn Quốc chú ý tới vấn đề an toàn của các căn hộ xây theo kiểu bán hầm. Căn hộ của ông Ha In-sik là một trong số đó, với không gian bí bách, thiếu ánh sáng mặt trời và thường xuyên phải tiếp xúc với các chất ô nhiễm từ mặt đất. Cơn mưa xối xả đã buộc gia đình ông phải ngủ ở công viên gần đó.

Ông Ha In-Sik - Người dân Seoul nói: "Tôi phải vứt bỏ tất cả đồ đạc, máy tính và thậm chí cả bát đĩa, nếu không bỏ hết đồ hỏng đi thì cũng không có tiền để sửa lại chúng. Tôi từng hy vọng có một cuộc sống bình thường như mọi người khác, nhưng mưa lũ đã phá hỏng tất cả. Tôi chẳng còn gì, từ giờ tôi không biết gia đình mình sẽ sống như thế nào".

Nhà nửa hầm còn gọi là banjiha là kiểu căn hầm chỉ có một phần nằm dưới đất, chúng rất phổ biến trong giới trẻ hay những người dân nghèo với mức giá thuê từ 170-420 USD, tức khoảng 4 triệu đến 10 triệu VNĐ. Tính đến ngày 10/8, đã có ít nhất 9 người thiệt mạng, 2.800 ngôi nhà và tòa nhà bị hư hại, hơn 5.000 phương tiện bị hư hỏng nặng, gần 200 hộ gia đình phải đến lánh nạn tại các trung tâm cộng đồng và trung tâm phúc lợi.

Nhật Bản, Trung Quốc cảnh báo nắng nóng khắc nghiệt

Cùng cảnh thiên tai nhưng ở chiều ngược lại, hai quốc gia láng giềng của Hàn Quốc là Nhật Bản và Trung Quốc đang phải hứng chịu đợt nắng nóng hiếm có.

Empty

Người đàn ông đeo khẩu trang đi bộ trên phố giữa cảnh báo sóng nhiệt ở Thượng Hải hôm 13/7 (Ảnh: Reuters)

Giờ đây các chuyên gia Nhật Bản phải bổ sung một thuật ngữ mới 'ngày nắng thảm khốc'. Bởi năm nay Nhật Bản đã ghi nhận những ngày nhiệt độ kỷ lục lên tới 40 độ C. Giới chuyên gia lo ngại nhiệt độ này ở Nhật Bản đang ngày càng khiến nhiều người khó ngủ, người già có thể sốc nhiệt ngay cả khi ở trong nhà vào ban đêm.

Trong khi đó tại Trung Quốc, mặc dù đã bước vào tiết lập thu, nhưng thời tiết vẫn còn nóng bức như ngày hè, khiến nước này phải ban bố mức cảnh báo màu cam, mức cảnh báo cao thứ hai về nắng nóng. Giới chức đã đưa ra khuyến cáo người dân không được ở ngoài đường hay làm việc ngoài trời trong thời gian dài.

Nắng nóng kỷ lục tại châu Âu, châu Mỹ

Không chỉ châu Á, mà châu Âu và châu Mỹ cũng phải chịu cảnh thời tiết khắc nghiệt với hạn hán thiêu đốt. Đài quan sát hạn hán châu Âu hôm 9/8 cho biết, 60% diện tích châu Âu và Vương quốc Anh hiện đang trong tình trạng hạn hán, trong đó, 15% diện tích châu Âu đang trong tình trạng báo động đỏ, nghĩa là thiếu nước trầm trọng. Nhiều nước như Pháp, Đức, Hà Lan buộc phải ban hành luật hạn chế sử dụng nước, ngay cả hoạt động tưới cây, rửa xe cũng bị cấm.

Trong khi đó, Ủy ban Nước Quốc gia Mexico cũng phải ban bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán, nhiều bang phía Bắc nước này bị ảnh hưởng trên 90% diện tích. Gần 2/3 số thành phố của Mexico đang đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Thiếu nước buộc các trường học phải nghỉ hè trước dự kiến, thùng đựng nước cũng khan hiếm tại các cửa hàng địa phương hoặc được bán với giá cao ngất ngưởng, thậm chí còn xảy ra tình trạng ăn trộm nước sạch.

Ở Mỹ, nắng nóng gây ra tình trạng thiếu nước cũng khiến chính quyền nhiều bang phải ban bố lệnh cắt giảm sử dụng nước. Chính quyền bang California đã yêu cầu người dân cắt giảm từ 15 đến 20% lượng nước tiêu dùng, chỉ tưới vườn hoa, cây cảnh mỗi tuần 1 lần, nhưng việc tuân thủ vẫn còn hạn chế. Đó là lý do những nhân viên điện nước trong mùa hè này lại có thêm một công việc mới: Đi tuần tra tình hình dùng nước của người dân.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer