Tôm hùm chết do sốc nước lũ có ăn được không?

Tôm hùm được coi là món ăn xa xỉ dành cho giới thượng lưu. Với nhiều người tò mò về mùi vị của loại thức ăn xa hoa này nhưng không có đủ điều kiện mua tôm hùm sống, họ sẽ tìm đến những loại tôm hùm đã chết để mua với giá thành rẻ hơn.
13/11/2020 09:23

Giá trị dinh dưỡng của tôm hùm

Trước khi trở thành món ăn xa hoa như hiện tại, tôm hùm đã bị coi là thức ăn dành cho người nghèo. Vào thế kỷ 17, những người dân thuộc địa ở Massachusetts coi vỏ tôm hùm trong nhà là dấu hiệu của nghèo đói và chỉ để tôm hùm cho người hầu của họ ăn. Vào những năm 1940, người ta có thể mua một lon đậu nướng với giá 53 xu mỗi pound và tôm hùm đóng hộp với giá 11 xu mỗi pound.

Theo Cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), một chén tôm hùm nấu chín có trọng lượng khoảng 145 gram (g) chứa: 129 calo; 1,25 g chất béo; 0g carbohydrate; 27,55 g protein.

tom hum

Phần tương tự cũng cung cấp: 3% nhu cầu vitamin A hàng ngày của một người; 9% canxi hàng ngày; 3% sắt hàng ngày.

Tôm hùm là một nguồn giàu đồng, selen. Trong thịt của chúng cũng chứa kẽm, phốt pho, vitamin B12, magiê, vitamin E và một lượng nhỏ axit béo omega-3. Do đó, đây được đánh giá là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng.

Tôm hùm chết có ăn được không?

Tuy nhiên, tôm hùm đã chết có giàu dinh dưỡng và được chế biến thành món ăn không?

Tôm hùm chết có nhiều nguyên nhân, có thể do vi khuẩn, nấm, chết do sốc nước lũ như trường hợp hàng ngàn lồng bè nuôi tôm hùm tại Phú Yên vừa qua. Song để trả lời việc có ăn được tôm hùm đã chết hay tôm hùm bị bệnh hay không, chúng ta cần tìm hiểu cụ thể.

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học - công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), hải sản tươi sống chứa thành phần dinh dưỡng cao, có khả năng kháng khuẩn tốt, nhưng khi chết thì khả năng này gần như… bằng không.

tom hum

Vỏ ngoài của hải sản vốn rất nhớt vì chứa nhiều đạm. Khi hải sản chết, vi khuẩn sẽ hoạt động mạnh, xâm nhập nhanh. Độc tố trong hải sản tiết ra nhanh, đồng thời men phân giải chất đạm hoạt động mạnh khiến chúng bị hỏng trong thời gian ngắn.

"Tuy nhiên, rất ít người tiêu dùng nhận biết sự nguy hiểm này, nhất là khi các loại hải sản đã qua sơ chế, được tẩm ướp, tẩy mùi, thêm rất nhiều gia vị để làm ngon miệng, đánh lừa cảm giác của khách hàng”, ông Thịnh nói.

Trong một trả lời phỏng vấn khác trên báo chí năm 2013, ông Đào Văn Trí, quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3, tôm hùm do vi khuẩn và nấm gây ra – đây là những bệnh có thể điều trị được, do đó khi tôm có kích thước lớn bị những bệnh này vẫn có thể làm thực phẩm mà không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người tiêu dùng.

“Chỉ khi nào tôm hùm bị bệnh do virus gây ra thì mới cần tiêu hủy, còn như hiện nay bệnh trên tôm hùm do vi khuẩn, nấm gây ra thì có thể dùng làm món ăn bình thường”, ông Trí nói.

Kỳ lạ điều luật cấm luộc tôm hùm sống tại Thụy Sĩ

Cụ thể, Từ tháng 8/2018, Thụy Sĩ thực thi điều luật mới nghiêm cấm thả tôm hùm vào nước sôi khi chúng vẫn đang còn ý thức. Vì lí do nhân đạo, chúng phải được gây mê hoặc làm mất ý thức trước khi bị giết.

Tại đây, các nhà nghiên cứu chia làm 2 trường phái rõ ràng. Một bên cho rằng tôm hùm giống như các loài giáp xác khác, chúng thậm chí còn không có một bộ não thực thụ nên không cảm thấy đau. "Đau" là loại cảm giác chỉ có ở sinh vật bậc cao mà thôi.

Trái lại, những người bác bỏ quan điểm trên đã đưa ra các dẫn chứng thực tế về hành vi và phản ứng sinh hóa diễn ra trong cơ thể tôm hùm khi bị luộc sống. 

Cơ thể chúng tiết ra hormone cortisol – hormone "stress", y hệt như chúng ta khi bị đau. Chúng không thể kêu, nhưng có giãy giụa, hoặc cố gắng tránh xa khỏi nước sôi.

Mặc dù chưa phía nào hoàn toàn bác bỏ được quan điểm đối lập, nhưng một vài quốc gia - điển hình là Thụy Sĩ, đã quyết định cấm hoàn toàn hành động luộc sống tôm hùm. Họ dựa trên một quy tắc trong đạo đức học, gọi là "Nguyên lí phòng ngừa" (Precautionary Principle). Theo đó, khi không chắc chắn về một điều gì, chúng ta cần hành xử một cách đề phòng. 

Thùy Dương (tổng hợp)

 

comment Bình luận

largeer