TP HCM: Chuyện về những người xử lý rác thải mùa dịch

Dịch COVID–19 đang diễn biến phức tạp tại TP.HCM nhiều tháng qua. Cùng với đó, lượng rác thải phát sinh trong mùa dịch cũng gia tăng đáng kể, rác y tế từ các bệnh viện, khu cách ly tăng nhanh. Thực trạng này khiến công nhân vệ sinh môi trường, lao công tại các tòa nhà…rất vất vả. Tuy không phải lực lượng tuyến đầu, nhưng họ là nhân tố không thể thiếu để bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường của thành phố.
09/08/2021 21:48

 

92

Chị Phạm Thị Hạnh đang thu gom rác trong khu chung cư

Một ngày như mọi ngày

Như thường lệ, cứ 7 giờ sáng, chị Phạm Thị Hạnh – nhân viên vệ sinh tại tòa chung cư Dreamhome Residence, phường 14, quận Gò Vấp lại tất bật với công việc của mình. Khác với mọi ngày, ngoài việc vệ sinh, lau dọn và gom rác ở các tầng rồi chờ xe của công ty môi trường đô thị tới chở đi. Những ngày gần đây, chung cư có mấy ca F0 đang cách ly chữa trị tại nhà, nên chị Hạnh kiêm luôn việc gom và xử lý rác của các căn hộ đó. Theo chị Năm, đây là lần đầu tiên chị làm công việc thu gom rác thải y tế, nhất là rác thải từ các căn hộ có ca nhiễm COVID-19 nên chị rất lo. Để tránh lây nhiễm bệnh cho bản thân, chị đã tìm hiểu và học hỏi rất kỹ quy trình thu gom và khử khuẩn rác. Mặc dù công việc cực nhọc hơn, lo lắng hơn, nhưng chị Hạnh cũng rất vui vì mình làm được công việc có ích.

Cũng như chị Hạnh, đúng 11 giờ mỗi ngày, anh Bình - công nhân của Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO) lại cùng đồng nghiệp lái xe vào các khu cách ly để thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải y tế. Anh Bình cho biết, anh làm công việc này từ khi dịch mới xuất hiện, một ngày đi cỡ 15 khu cách ly, bệnh viện gom rác. Lúc đầu khi được phân công anh rất sợ, tuy nhiên công việc thì phải làm và khi làm thì cũng quen. Với lại quy trình và bảo hộ kỹ nên anh cũng cảm thấy an tâm. “Điều mình lo nhất là rác y tế rơi ra đường sẽ gây nguy cơ lây nhiễm COVID-19,  mình cũng như anh em mong muốn góp phần cùng thành phố vượt qua dịch bệnh”, anh Bình tâm sự.

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, mặc dù tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng lượng rác thải sinh hoạt luôn được các lực lượng thu gom trong ngày, bảo đảm không để qua đêm tại các khu dân cư, 100% lượng rác được vận chuyển và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn môi trường. Về rác thải y tế, hiện UBND thành phố đã cho phép thực hiện cách ly F1, F0 tại địa phương nên phát sinh thêm lượng rác thải có nguy cơ chứa vi rút SARS-CoV-2. Để ngăn chặn nguồn lây bệnh từ rác thải, Sở đã đề nghị UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý các loại chất thải theo quy định của Bộ Y tế, UBND thành phố và Sở Y tế. 

93

Khu vực chứa rác thải của các bệnh nhân COVID-19 cách ly điều trị tại nhà ở một chung cư trên địa bàn quận Gò Vấp

Đảm bảo an toàn cho công nhânTheo Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM, từ đầu năm 2020 đến nay, khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty được UBND TP.HCM chỉ đạo phụ trách thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực cách ly tập trung, ước tính khoảng 12 tấn/ngày, nâng tổng số rác thải y tế phải xử lý lên 32- 35 tấn/ngày (trung bình ngày thường 23 tấn/ngày). Hiện nay, công suất xử lý tối đa của công ty là 42 tấn/ngày. Mỗi ngày, các nhân viên phải dậy từ 4 giờ sáng, chạy xe hơn 200km khắp thành phố để thu gom khoảng 35 tấn rác thải y tế, chủ yếu là khẩu trang, trang phục bảo hộ, dụng cụ lấy mẫu xài một lần, đồ sinh hoạt của người cách ly tập trung.

Về quy trình thu gom và xử lý, toàn bộ rác thải y tế và rác thải từ khu vực cách ly tập trung có nguy cơ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 đều được thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt. Đó là, toàn bộ rác thải ở khu vực này phải được bọc kín trong thùng chứa hoặc túi chuyên dụng màu vàng, dán nhãn cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh. Công nhân thu gom của công ty được trang bị đồ bảo hộ an toàn. Rác trước khi thu gom để đưa lên xe vận chuyển chuyên dụng (thùng kín) phải thực hiện phun xịt khử khuẩn. Rác thải khi vận chuyển về công trường xử lý rác Đông Thạnh tiếp tục được phun xịt khử khuẩn một lần nữa trước khi đưa vào xử lý bằng công nghệ đốt ở nhiệt độ cao. Thậm chí, tro chất thải sau khi đốt xong phải được hoá rắn và chôn lấp tại bãi chôn lấp an toàn dành riêng cho chất thải nguy hại.

Hiện tại, để công tác thu gom rác tại các khu vực cách ly được thông suốt, tránh tình trạng ứ đọng rác, gây nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly, CITENCO đã bố trí thường trực một đội gồm hơn 300 công nhân (bao gồm lực lượng trực tiếp và gián tiếp) hoạt động với tần suất 3 ca/ngày và 24/24 giờ. Nhằm bảo đảm an toàn cho công nhân, CITENCO đã trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân và tập huấn các nguyên tắc, quy định về phòng dịch ở từng khu vực, vị trí làm việc. Tuy nhiên, do lượng rác phải thu gom quá lớn, các điểm thu gom cách nhau xa và thời gian thu gom gấp rút nên đã gây áp lực rất lớn đối với công nhân. Nhiều người không dám về nhà để bảo đảm an toàn cho người thân nên ăn, ngủ tại các điểm xử lý rác.

Anh Tuấn Hải– Phó Ban quản lý chung cư Dreamhome Residence, phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết, trong những ngày qua, thực hiện giãn cách xã hội, toàn bộ cư dân chung cư ở nhà nên lượng rác thải sinh hoạt tăng lên rất nhiều, chưa kể cả hai block của tòa nhà đều có các ca F0, F1 điều trị và cách ly tại nhà nên phát sinh thêm lượng rác thải y tế. Đây là lần đầu tiên Ban quản lý và lực lượng lao công đối mặt với việc này, tuy lo lắng nhưng bằng những kiến thức tìm hiểu được, cùng với sự hướng dẫn của cán bộ y tế phường, lực lượng lao công đảm bảo được việc thu gom rác thải y tế một cách an toàn, tránh lây lan dịch ra bên ngoài.

“Công việc vất vả lại thêm nhiều áp lực, nên ngoài những lời động viên, Ban quản lý cũng luôn song hành, hỗ trợ về mặt kinh tế để các anh, các chị có thêm động lực để làm việc, vượt qua khó khăn mùa dịch”, anh Tuấn Hải chia sẻ.

Theo TNMT

comment Bình luận

largeer