TP HCM: COVID-19 khiến cho 1.517 học sinh mồ côi

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT TP.HCM co biết, có 1.517 học sinh rơi vào cảnh mồ côi và hơn 10.000 trẻ em mắc COVID-19 từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát.
14/09/2021 14:59

Thông tin trên được Sở GD&ĐT TP.HCM báo cáo tại buổi làm việc trực tuyến với Ban Văn hoá - Xã hội, Hội đồng Nhân dân TP.HCM về tình hình học sinh học tập đầu năm học 2021-2022, sáng 14/9.

treem1_fgju

Ảnh minh họa

Trẻ mồ côi, giáo viên mất việc vì COVID-19

Lãnh đạo sở đánh giá, dịch COVID-19 đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người dân, bao gồm cả học sinh, giáo viên. Thống kê mới nhất, có 10.073 học sinh phổ thông, 3.386 giáo viên đang thuộc diện F0, 1.517 học sinh rơi vào hoàn cảnh mồ côi do dịch COVID-19.

Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động toàn ngành bị mất việc làm là 12.341 người. Ảnh hưởng nhiều nhất là bậc mầm non với 10.129 người (chiếm 82,08%) bị huỷ hoặc hoãn hợp đồng lao động. Các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể địa phương đã hỗ trợ với tổng số kinh phí hơn 24 tỷ đồng.

Thời điểm đầu năm học mới, toàn thành phố có 1.253 cơ sở trường học trưng dụng làm điểm cách ly, hỗ trợ chích ngừa, lưu trú của bộ đội, trạm y tế lưu động và các hoạt động khác. Hiện, 14.312 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục đang tham gia phòng chống dịch COVID-19.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, ở bậc tiểu học có 94,34% học sinh tham gia học trên Internet; 0,73% học sinh đăng ký học tạm tại quê.

Ở bậc trung học, có 93,91% học sinh THCS; 97,52% học sinh THPT tham gia học trực tuyến. Có 0,21% học sinh THCS và 0,07% học sinh THPT đăng ký học tạm tại quê. Ở hệ giáo dục thường xuyên có 88,62% học sinh học trực tuyến và 0,45% học sinh đăng ký học tạm tại quê.

Tính đến ngày 11/9, thành phố có 90,17% giáo viên đã được tiêm vaccine, trong đó có 55,96% giáo viên đã tiêm đủ 2 mũi.

Về việc phát hành sách giáo khoa, sở giáo dục thống kê tỷ lệ sách giao đến học sinh có nhu cầu là 507.034/707.487 học sinh (đạt tỷ lệ 71,67%), số học sinh chưa có sách là 200.453 học sinh (tỷ lệ 17,35%). Trong đó, bậc tiểu học là 21,92%; THCS là 9,15%. Sở đã phối hợp triển khai giáo khoa điện tử đến tất cả các cơ sở giáo dục, thông tin, hướng dẫn phụ huynh, học sinh sử dụng miễn phí.

Hỗ trợ cho trẻ em F0 hoặc mất bố mẹ vì đại dịch

Trả lời về những biện pháp hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết trường hợp trẻ em là F0 sẽ được hỗ trợ theo chính sách cho người đang điều trị, cách ly tập trung (trong đó có trẻ em) tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày trong thời gian điều trị, bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung.

Cùng với đó, Công văn số 2512/UBND-VX ngày 28/7 của UBND TP.HCM triển khai hỗ trợ đối với trẻ em (người dưới 16 tuổi theo quy định của Luật Trẻ em) đang điều trị do mắc COVID-19 (F0), hoặc cách ly y tế để phòng chống COVID-19 (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tiền ăn với mức 80.000 đồng/người/ngày, từ ngày 27/4 đến ngày 31/12. Thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày đối với F0 và 21 ngày đối với F1.

Trẻ em còn được hỗ trợ thêm một lần mức 1 triệu đồng/em. Ngoài ra, ngân sách Nhà nước đảm bảo chi phí đối với các chi phí ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế và chi phí khám, chữa bệnh đối với trẻ em không có thẻ bảo hiểm tế.

Khi trở về nhà (sau khi điều trị và cách ly tập trung), trẻ được chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể xác minh hoàn cảnh hỗ trợ gạo, mì gói, sữa... Nếu trẻ quá khó khăn, địa phương kêu gọi các tổ chức xã hội, mạnh thường quân giúp đỡ.

Trường hợp trẻ em có cha mẹ đã qua đời vì COVID-19, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, căn cứ Khoản 1, Điều 5, Chương II, Nghị định 20/2021/NĐ-CP, trẻ em mồ côi cả cha mẹ được xét trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng.

Mức trợ cấp có hệ số 2,5 đối với trường hợp dưới 4 tuổi, hệ số 1,5 đối với trường hợp từ đủ 4 tuổi trở lên, được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí, được miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường.

Thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi. Trẻ đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn băng thứ nhất tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.

Bên cạnh đó, căn cứ Luật Trẻ em 2016, Nghị định 56/2017/NĐ-CP và Nghị định 20/2021/ NĐ-CP, trẻ mồ côi cả cha mę được đưa vào diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế bởi ông, bà, cô, chú cậu, dì, người thân, cá nhân cộng đồng trong xóm, tổ dân phổ, nhận nuôi con nuôi, đưa vào các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập.

Hiện nay, các quận, huyện, TP Thủ Đức đã và đang vận động chăm sóc, hỗ trợ cho trẻ có cả cha mẹ qua đời vì COVID-19 hoặc chỉ có cha hoặc mẹ qua đời vì dịch bệnh, người còn lại nhiễm đang điều trị trong khu cách ly tập trung có hoàn cảnh khó khăn từ 3-5 triệu đồng/trẻ cùng gạo, sữa, mì, dầu ăn...

Về kế hoạch hỗ trợ những trẻ thuộc diện trên để đi học lâu dài, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM thông tin để chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh trước bối cảnh dịch bệnh kéo dài, sở GD&ĐT đã đề xuất miễn học phí học kỳ I.

TH

comment Bình luận

largeer