Trẻ em có bị chậm phát triển do đại dịch COVID-19 không?

Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về chăm sóc trẻ em và việc học tập của trẻ. Với việc gián đoạn học tập ở trường, đi chơi với bạn bè và những thói quen thân thuộc khác, các hành vi thể hiện không đúng với độ tuổi ngày càng trở nên phổ biến. Vậy trẻ em có bị chậm phát triển do đại dịch COVID-19 không?
10/09/2021 20:58

Trước những lo lắng của bậc phụ huynh, Tiến sĩ Nancy Close - Phó Giám đốc Chương trình về Giáo dục Mầm non Đại học Yale sẽ giải đáp những câu hỏi được đặt ra về những vấn đề bạn có thể bắt gặp ở con cái (từ trẻ mới biết đi cho đến sinh viên đại học) và làm thế nào để cùng nhau vượt qua khó khăn.

Câu hỏi: Bà đã gặp những trường hợp trẻ thể hiện không đúng với độ tuổi như thế nào trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19?

Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp trẻ em thể hiện không đúng với độ tuổi và có những trường hợp không hề phù hợp với sự phát triển tự nhiên ở trẻ tại những giai đoạn điển hình. Tôi đã từng gặp nhiều trẻ như vậy khi trẻ sử dụng ngôn ngữ em bé để trò chuyện, các em cần sự giúp đỡ trong việc xây dựng thói quen, trong việc ngủ và đi vệ sinh, và trong nhiều sinh hoạt bình thường khác. Giải quyết và thể hiện cảm xúc mạnh mẽ thực sự có thể là một thử thách đối với trẻ, vì vậy, chúng ta sẽ thấy những cơn giận dữ ở trẻ ở nhiều độ tuổi, thậm chí ở cả sinh viên đại học. Ngay cả ở độ tuổi trưởng thành, chúng ta cũng sẽ thể hiện không đúng với độ tuổi khi căng thẳng gia tăng hoặc khi chúng ta phải trải qua những thay đổi và chuyển tiếp, vì vậy tôi nghĩ cần ghi nhớ một điều quan trọng đó là đây là một hiện tượng phát triển từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành.

Chúng tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp trẻ em gặp khó khăn về hành vi. Chúng tôi nhận thấy trẻ em thực sự buồn vì không được ở cùng bạn bè hoặc giáo viên và đang thể hiện những cảm xúc và hành vi quá mức xung quanh việc thay đổi ở trường học. Tất cả những điều không chắc chắn này ngày càng phổ biến và gây khó chịu hơn rất nhiều bởi vì tất cả chúng ta đều đang cố gắng quay trở lại cuộc sống bình thường và đoán trước được sự việc sẽ xảy ra. Chúng tôi phát hiện ra rằng trong thời điểm diễn ra COVID-19, chúng ta sẽ khó đạt được tính nhất quán và đoán định trước được sự việc. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy lo lắng và thất vọng, và chắc chắn có thể dẫn đến rối loạn điều chỉnh hành vi ở trẻ.

Câu hỏi: Cha mẹ nên phản ứng ra sao với cơn giận dữ ở trẻ vị thành niên?

Hỗ trợ trẻ tìm ra cách điều chỉnh cảm xúc như đi dạo, chạy, hít thở sâu, hay vẽ tranh. Tìm cách giúp trẻ giữ liên lạc với bạn bè và gia đình. Tuy nhiên, trẻ sẽ không thể sử dụng bất kỳ cách nào trong số những cách trên khi trẻ đang nổi cơn thịnh nộ. Khi đã được điều chỉnh, cha mẹ có thể nói, “Con trông thực sự đang rất buồn. Bố/mẹ tự hỏi không biết có chuyện gì xảy ra với con thế”. Việc này có lẽ có thể giúp suy đoán về mối liên hệ giữa cảm xúc tiềm ẩn của trẻ với cơn giận dữ. Thông thường, những cảm giác này sẽ lẫn lộn giữa tức giận, sợ hãi, buồn bã, lo lắng, v.v. Có thể hữu ích khi chúng ta thừa nhận rằng cuộc sống trở nên khó khăn và thay đổi ra sao trong thời gian diễn ra COVID-19. Thời điểm trẻ ở tuổi vị thành niên là quãng thời gian khó khăn đối với cha mẹ và trẻ em vì nhiệm vụ phát triển chính của trẻ là thực hiện những bước tiến lớn hướng tới sự độc lập - một quá trình bắt đầu từ thời thơ ấu. Quá trình này đầy phấn khích, đau đớn, đấu tranh và lo lắng đối với cả cha mẹ và trẻ vị thành niên.

chamedonghanhcungcon1

Câu hỏi: Có nhiều cha mẹ gặp trường hợp con của mình đang trong giai đoạn chập chững biết đi và đang tập đi vệ sinh thì giờ lại đái dầm. Bà có lời khuyên nào dành cho họ?

Đây có thể là một trường hợp thể hiện không đúng với lứa tuổi rất điển hình. Hãy chú ý xem có những thay đổi nào ở nhà hoặc trường học có thể ảnh hưởng đến hành vi này hay không. Nếu đây là vấn đề có thể khiến con bạn cảm thấy lo lắng, bạn có thể làm gì đó để hỗ trợ con trẻ. Ở độ tuổi này, mặc tã/bỉm cho trẻ trước khi đi ngủ có thể giúp ích cho trẻ. Theo dõi lượng nước con uống và hạn chế uống nước trước khi đi ngủ, đồng thời chú ý đến mức độ khô ráo của tã/bỉm vào buổi sáng. Việc này sẽ giúp cho bạn quan sát thấy dấu hiệu về khả năng kiểm soát vào ban đêm ngày càng tăng của trẻ. Hãy cho trẻ biết bạn sẽ giúp trẻ không làm ướt giường vào ban đêm. Đồng thời, hỗ trợ trẻ phát triển tính độc lập trong việc mặc quần áo và cởi quần áo, rửa tay, ăn uống và làm những việc nhỏ phù hợp với lứa tuổi như dọn bát của mình sau khi ăn (miễn là trẻ có khả năng làm việc này). Hỗ trợ và phát triển tính độc lập phù hợp với lứa tuổi trong các lĩnh vực khác sẽ hỗ trợ trẻ phát triển năng lực và lòng tự trọng và có thể giúp trẻ thành thạo tất cả các khía cạnh trong việc tập đi vệ sinh.

Câu hỏi: Nhiều trẻ em đang bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn trong học tập “bình thường” ở trường, chăm sóc trẻ, vui chơi và/hoặc môi trường học tập. Bà có lời khuyên nào dành cho các cha mẹ đang phải đối mặt với những vấn đề này ở nhà?

Chúng ta biết trẻ em thường làm hoặc bắt chước những gì người chăm sóc trẻ làm, vì vậy tôi nghĩ cha mẹ cần tìm hỗ trợ giúp kiểm soát căng thẳng của bản thân vì việc này có thể giúp ích cho sức khỏe của chính con họ. Các con tôi đã lớn, và tôi không thể tưởng tượng được việc cha mẹ có những đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn đang phải làm gì! Họ đang phải giúp đỡ con mình học trực tuyến hoặc tự học, nhiều cha mẹ vừa phải xoay xở với việc chăm sóc trẻ ở nhà, vừa phải lo cho công việc và sức khỏe của bản thân cũng như của cả gia đình.

Việc cha mẹ có cảm giác tội lỗi đang gia tăng trong thời gian diễn ra COVID-19. Cha mẹ lo lắng về việc con trẻ bị cô lập xã hội. Họ lo lắng về các kỹ năng xã hội, cơ hội vui chơi và học tập của con cái mình. Trẻ em có thể cảm nhận được những lo lắng của cha mẹ, vì vậy, đôi khi nói với trẻ về điều đó sẽ khiến con trẻ cảm thấy yên tâm. Hãy cho trẻ biết bạn đang cảm thấy lo lắng về điều gì theo cách phù hợp với sự phát triển của trẻ, chẳng hạn như: “Việc này với bố và mẹ cũng rất khó khăn và chúng ta đang cố gắng hết sức để giúp con học và chơi theo cách tốt nhất có thể”.

Cha mẹ cảm thấy rất đơn độc trong những thời điểm khó khăn này. Nhiều người cảm thấy được giúp ích khi biết rằng các bậc cha mẹ khác cũng đang cảm thấy như họ. Cha mẹ cảm thấy được an ủi khi biết mình không đơn độc, nhưng sự căng thẳng và lo lắng có thể nhanh chóng quay trở lại khi trẻ không làm bài theo yêu cầu của giáo viên, không lắng nghe giáo viên giảng dạy trực tuyến và thậm chí có thể từ chối việc học trực tuyến này. Tôi không có một giải pháp thần kỳ nào ở đây. Tôi biết rằng bạn không hề đơn độc, và bạn sẽ cảm thấy bất lực, thất vọng, tội lỗi và lo lắng. Việc này thực sự rất khó khăn.

Câu hỏi: Nhiều bậc cha mẹ lo lắng về việc con cái liệu có bắt nhịp lại được với cuộc sống bình thường sau đại dịch. Bà có nghĩ những đứa trẻ có thể làm được điều này?

Tôi không thể dự đoán trước được vấn đề này. Tôi luôn giữ niềm hy vọng và đánh giá cao tính tò mò, động lực và khả năng phục hồi tự nhiên của con trẻ, nên tôi sẽ trả lời là có, những đứa trẻ sẽ bắt nhịp lại được với cuộc sống bình thường. Trong thời gian này, hãy đọc sách cho trẻ nghe và tìm những cách khác nhau để ở bên trẻ. Cùng trẻ suy nghĩ và nói về những gì đang diễn ra bên ngoài. Cùng chơi với trẻ và cùng cố gắng học tập và phát triển. Hãy luôn nhớ rằng điều tuyệt vời nhất bạn có thể làm cho con cái của mình là trao cho chúng tình yêu thương và sự quan tâm.

Câu hỏi: Bà có lời khuyên nào dành cho các bậc cha mẹ vào lúc này không?

Hãy giữ bình tĩnh! Tất cả chúng ta đang làm những gì tốt nhất có thể. Mỗi cha mẹ sẽ có cách chăm sóc con trẻ khác nhau, vì vậy, đừng so sánh mình với người khác hay so sánh con cái của mình với những đứa trẻ khác. Bạn biết điều gì là quan trọng và muốn mang lại cho con cái những gì. Chúng ta đang làm những gì chúng ta cần để vượt qua chuyện này.

Theo UNICEF Việt Nam

comment Bình luận

largeer