TP. HCM: Trong tuần 9 không ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết

Số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần 9/2023 (từ ngày 27/2/2023 đến 5/3/2023) giảm 28,3% so với trung bình 4 tuần trước, tuy nhiên vẫn đang ở mức cao so với cùng kỳ các năm. Trong tuần 9 không ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết.
08/03/2023 10:50

Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXH)

Tính đến tuần 9, TP. HCM ghi nhận 4683 trường hợp mắc bệnh, tăng khoảng 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (2621 ca). Trong tuần, thành phố ghi nhận 327 trường hợp mắc bệnh, giảm 28,3% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 41,3 % và ngoại trú giảm 14,3%.

Trong tuần 9, không ghi nhận trường hợp tử vong do SXH. Có 19/22 quận huyện có số ca giảm so với số mắc trung bình 4 tuần trước, có 7/312 phường xã có số ca bệnh tăng ở mức ngưỡng báo động.

Tình hình dịch bệnh tay chân miệng (TCM)

Trong tuần 9 (từ ngày 27/2/2023 đến 5/3/2023), thành phố ghi nhận 61 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 11,9% so với trung bình 4 tuần trước (55 ca). Trong đó số ca bệnh tăng ở các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Số mắc tích lũy đến tuần 9 là 493 ca.

Ảnh: Bộ Y tế

(Ảnh: Bộ Y tế)

Tình hình bệnh COVID-19

Trong tuần 9, ghi nhận 4 ca bệnh xác định nhiễm SARS-CoV-2 được Bộ Y tế công bố (bao gồm 1 ca dương tính SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR, 3 ca xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính có yếu tố dịch tễ). Số ca COVID-19 xác định tích luỹ từ đầu năm 2023 đến nay là 123 ca. Số ca tích lũy trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 (tính từ ngày 29/4/2021) đến ngày 5/3/2023 là 618.427 ca, trong đó có 617.587 ca trong nước (tỉ lệ 99,9%), 839 ca nhập cảnh (tỉ lệ 0,1%).

Kết quả tiêm vaccine COVID-19:

Tính đến hết ngày 5/3/2023, toàn thành phố đã tiêm được 23.598.838 mũi (bao gồm 8.702.775 mũi 1; 7.791.974 mũi 2; 683.289 mũi bổ sung; 4.845.284 mũi nhắc lần 1; 1.575.516 mũi nhắc lần 2). Trong đó:

- Đối với người từ 18 tuổi trở lên: Đã tiêm được 20.958.624 mũi, bao gồm 7.403.971 (100%) mũi 1; 6.718.453 mũi 2 (98,9%); 683.289 mũi bổ sung; 4.577.395 mũi nhắc lần 1 (67,4%) thấp hơn 13,8% so với trung bình cả nước là 81,2%; 1.575.511 mũi nhắc lần 2 ước đạt tỷ lệ khoảng 54,7% thấp hơn 32,8% so với trung bình cả nước là 87,5%.

- Đối với trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi: Đã tiêm được 1.759.032 mũi, bao gồm 760.958 mũi 1 đạt (100%); 730.185 mũi 2 (99,2%); 267.889 mũi nhắc 1 (36,4%) thấp hơn 32,7% so với trung bình cả nước là 69,1%.

- Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: Đã tiêm được 881.182 mũi, bao gồm 537.846 mũi 1 (64,8%) thấp hơn 27,9% so với trung bình cả nước là 92,7%; 343.336 mũi 2 (41,4%) thấp hơn 33% so với trung bình cả nước là 74,4%.

Các ổ dịch SXH và TCM

Trong tuần 9 toàn thành phố ghi nhận 19 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 18 phường, xã thuộc 11/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức.

Tổng số ổ dịch được xử lý phun hoá chất trong tuần là 44 ổ dịch và có 1 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng. Có tổng cộng 80 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 63 phường, xã thuộc 15/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức.

Trong tuần 9, toàn thành phố không ghi nhận ổ dịch Tay chân miệng mới. Số ổ dịch tay chân miệng tích lũy đến tuần 8 năm 2023 là 0 ổ dịch.

Thông tin về phòng bệnh cúm A/H5N1

Theo trang web chính thức của CDC Hoa Kì, cách phòng ngừa tốt nhất là tránh các nguồn phơi nhiễm bất cứ khi nào có thể. Những gia cầm bị nhiễm virus cúm gia cầm sẽ thải virus qua nước bọt, chất nhầy và phân của chúng. Con người hiếm khi bị cúm gia cầm. Tuy nhiên, việc lây nhiễm virus cúm gia cầm ở người có thể xảy ra khi có đủ virus xâm nhập vào mắt, mũi hoặc miệng của một người hoặc do hít phải.

1. Giữ khoảng cách với các loài chim hoang dã và các động vật hoang dã khác, đồng thời không chạm vào chúng cũng như cho ăn.

2. Nếu không thể tránh khỏi việc tiếp xúc, hãy đeo găng tay hoặc sử dụng túi nhựa gấp đôi và tránh tiếp xúc với máu, dịch cơ thể và phân cùa chúng. Tháo găng tay nếu đã đeo và rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất khử trùng tay có chứa ít nhất 60% cồn

3. Luôn rửa tay sau khi ở khu vực có chim và động vật hoang dã khác đang sinh sống hoặc làm tổ, chẳng hạn như trong công viên hoặc sở thú

4. Giữ vật nuôi tránh xa chim và động vật hoang dã và phân của chúng

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC)

comment Bình luận

largeer