TP Hồ Chí Minh hưởng ứng Tuần lễ Tiêm chủng thế giới năm 2024

Việc phát triển các loại vaccine trên toàn cầu trong nửa sau thế kỷ 20 là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại. Các chiến dịch tiêm chủng đã giúp loại trừ bệnh đậu mùa, gần như loại trừ bệnh bại liệt và cứu sống được nhiều trẻ em trên toàn cầu. Chính chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 quy mô toàn cầu chưa từng có tiền lệ đã góp phần quan trọng ngăn chặn và kết thúc đại dịch.
25/04/2024 14:55

Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới (World Immunization Week) là một chiến dịch y tế cộng đồng toàn cầu do Tổ Chức Y tế Thế giới WHO khởi xướng từ năm 2012 nhằm nâng cao nhận thức và tăng tỷ lệ tiêm chủng phòng ngừa các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine trên toàn thế giới. Sự kiện được tổ chức hàng năm vào tuần cuối cùng của tháng 4. Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới năm 2024 là kỷ niệm 50 năm Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR), qua đó ghi nhận những nỗ lực của chương trình này khi đã cứu sống con người khỏi các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine, đồng thời kêu gọi các quốc gia cần tăng cường đầu tư vào các chương trình tiêm chủng để bảo vệ các thế hệ sau.

HCDC-1

Chỉ trong 5 thập kỷ, chúng ta đã đi từ một thế giới mà cái chết của một đứa trẻ là điều mà các bậc phụ huynh lo sợ, đến một thế giới mà mọi đứa trẻ nếu được tiêm chủng đều có cơ hội sống sót và phát triển.

Trên thế giới, Chương trình TCMR đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng vào năm 1974. Cho đến nay hầu hết quốc gia trên thế giới đều có lịch tiêm chủng được khuyến cáo riêng cho người dân phù hợp với tình hình dịch bệnh và kinh tế tại khu vực.

Tại Việt Nam, Chương trình TCMR bắt đầu được triển khai thí điểm từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Đến năm 1986 chương trình này đã được triển khai đồng loạt tại các tỉnh trên toàn quốc.

Ban đầu, Chương trình TCMR chỉ triển khai tiêm chủng cho 6 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao bao gồm lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và sởi. Đến nay, chương trình đã mở rộng lên 10 bệnh truyền nhiễm phổ biến (thêm 4 bệnh là viêm gan B, bệnh do Heamophilus Inffluenzae týp B, Viêm não Nhật Bản, Rubella).

Theo Nghị quyết 104/NQ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, dự kiến sắp tới sẽ thêm 04 loại vaccine vào Chương trình TCMR như vaccine phòng bệnh do vi-rút Rota, do phế cầu (2025), ung thư cổ tử cung (2026), cúm mùa (2030). Những vaccine được đưa vào danh mục Chương trình TCMR tại Việt Nam sẽ được cung ứng miễn phí tại các điểm tiêm của Chương trình (như tất cả các Trạm Y tế, một số Trung tâm Y tế và một số Bệnh viện). Ngoài những vaccine thuộc Chương trình TCMR, các cơ sở tiêm chủng còn cung cấp đa dạng nhiều loại vaccine dịch vụ khác để phòng chống các bệnh truyền nhiễm phổ biến giúp người dân có nhiều cơ hội lựa chọn.

Sau đại dịch COVID-19, như nhiều quốc gia trên thế giới, tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị ảnh hưởng vào năm 2022, năm 2023. Bên cạnh đó, cả nước gặp tình trạng gián đoạn cung ứng vaccine, cụ thể từ tháng 5/2022 ngừng cung ứng vaccine phòng bệnh sởi, bạch hầu, ho gà; từ tháng 10, 11/2022 và kéo dài đến tháng 8/2023 ngừng cung ứng vaccine phòng bệnh lao, sởi, rubella, bại liệt, viêm não Nhật Bản, vaccine 5 trong 1 (SII).

Trước những khó khăn trên, Thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai tiêm bù mũi các loại vaccine trong Chương trình TCMR cho trẻ trên địa bàn Thành phố nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng các bệnh trong Chương trình TCMR, chủ động phòng ngừa dịch bệnh truyền nhiễm có vaccine, giữ vững các kết quả đã đạt được của chương trình tiêm chủng mở rộng, tiến tới không chế và loại trừ một số bệnh có vaccine phòng ngừa. Đến hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở trẻ dưới 1 tuổi (cho trẻ sinh năm 2022 và 2021) trên địa bàn Thành phố đều đã đạt tỷ lệ ≥95%.

Hiện nay, các loại vaccine trong chương trình TCMR đã có đầy đủ tại các cơ sở tiêm chủng trên toàn Thành phố. Để cùng chung sức bảo vệ trẻ em trước các dịch bệnh đã có vaccine, Ngành Y tế khuyến cáo tất cả phụ huynh có trẻ nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng cần chủ động và tích cực đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để bảo vệ trẻ không mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể liên hệ các cơ sở tiêm chủng dịch vụ của Thành phố để tiêm các loại vaccine khác ngoài chương trình TCMR nhằm bảo vệ sức khỏe của trẻ và người thân.

Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh

comment Bình luận

largeer