TP.HCM: Nhiều siêu thị tăng cường nhân viên đi chợ thay cho người có hoàn cảnh khó khăn

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Công Thương TP kích hoạt chương trình bình ổn thị trường, bảo đảo cung ứng hàng hóa đủ và đúng giá cho người dân.
09/07/2021 06:20

 Rau củ, thịt cá tăng giá

Nhiều chợ truyền thống tại TP.HCM hôm nay, ngày 8/7, nhanh chóng hết rau xanh, thịt cá vì nhu cầu mua sắm quá cao trước khi TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7.

Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Đa Kao (quận 1), thực phẩm, hàng hóa trống sạp từ rất sớm. Đi chợ từ 8h sáng, nhiều người đã xách giỏ ra về vì hết sạch rau xanh.

Không chỉ thiếu hàng, giá nhiều loại rau xanh, thủy hải sản cũng tăng vọt lên thêm 10.000 - 15.000 đồng/kg, so với ngày hôm trước. Cải xanh 35.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg, xà lách 45.000 - 50.000 đồng/kg, bắp cải 40.000 đồng/kg; khổ qua, bí đỏ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Nhiều loại rau xanh "cháy hàng", không còn để mua.

a1

Khách mua sắm đông đúc tại siêu thị ngày 8/7. Ảnh: Hồng Phúc.

Nhiều chợ tạm ngưng hoạt động, chợ tạm đóng, thiếu hụt rau xanh, nhiều người đổ dồn về các cửa hàng thực phẩm, siêu thị. Bên ngoài Bách Hóa Xanh, Satrafoods, Vissan, Hà Hiền… người dân phải xếp hàng dài chờ đến lượt. Đầu giờ chiều, một số quầy kệ tại một số siêu thị tiếp tục hết hàng cục bộ.

Đại diện Sở Công Thương cũng xác nhận hầu hết giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng. Cụ thể, thịt heo, thịt pha lóc tăng khoảng 10 - 20%; rau củ quả tăng khoảng 2 - 5% so với ngày 7/7. 

Nguyên nhân là do nhiều chợ tạm dừng hoạt động, người dân mua nhiều, chợ thiếu hàng cục bộ. Thống kê cho thấy mãi lực tại hệ thống chợ hôm nay tăng 30% so với hôm trước.

Sáng 8/7, tổng lượng hàng hóa về TP.HCM khoảng 2.100 tấn thông qua tập kết xung quanh chợ, kênh điện thoại, giao hàng trực tiếp, giảm hơn 34% so với hôm trước. Nhóm thịt gia súc khoảng 300 tấn; thủy hải sản 50 tấn; rau củ quả, trái cây 1.750 tấn.

Theo thống kê của Chi cục Thú y số lượng heo tiêu thụ trung bình khoảng 4.000 con/đêm, tương đương 300 tấn thịt, trong đó Lò giết mổ Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) cung ứng hàng ra thị trường khoảng 1.916 con/đêm, tương đương 144 tấn.

Do các chợ đầu mối tạm ngưng nhận hàng trực tiếp, thương nhân cũng chủ động xoay sở. Tại chợ đầu mối Hóc Môn, thương nhân vẫn đưa hàng về kinh doanh qua hình thức giao hàng trực tiếp cho các thương lái, mối quen, sản lượng khoảng 550 tấn. Ở chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, thương nhân vẫn đưa hàng về bán hàng trực tiếp trên các tuyến đường xung quanh chợ với sản lượng 1.250 tấn.

Yêu cầu đảm bảo đủ hàng, bán đúng giá

Trong công văn khẩn của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong về việc áp dụng các biện pháp phòng dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng ngày 7/7, đã yêu cầu Sở Công Thương TP kích hoạt chương trình bình ổn thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa đủ và đúng giá cho người dân.

a2

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu điều tiết, hàng hoá những ngày tới đầy đủ, bán đúng giá. Ảnh: Hồng Phúc.

Đồng thời, phát huy năng lực cung ứng của các kênh phân phối hiện đại và truyền thống gồm 106 siêu thị, 124 chợ truyền thống, hơn 2.000 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và 28.000 điểm bán hàng của các địa phương.

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các hệ thống phân phối lớn, siêu thị tăng cường bán hàng trực tuyến, tổ chức các điểm bán bổ trợ, đi chợ thay cho những người có hoàn cảnh khó khăn, không sử dụng được điện thoại đặt hàng mua sắm trực tuyến.

Về nguồn hàng, lãnh đạo TP HCM yêu cầu Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp bình ổn tăng lượng hàng hoá cung ứng cho các hệ thống phân phối hiện đại, gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 - 150.000 tấn/tháng, bảo đảm đầy đủ nhu cầu của người dân TP.

Tiểu thương và thương nhân tại 3 chợ đầu mối tổ chức tiếp nhận hàng hoá thông qua các chành, vựa, trung bình khoảng 4.500 - 5.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống mỗi ngày, đồng thời tham mưu hình thành các điểm trung chuyển hàng hoá từ các tỉnh về TP.HCM.

(Theo SKDS)

comment Bình luận

largeer