Trao tặng 50 căn nhà cho các nạn nhân chất độc da cam

Ngày 20-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc với Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA). Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan T.Ư và TP Hà Nội.
21/01/2021 14:20

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 10-1-2004, với chức năng đại diện quyên, lợi ích hợp pháp, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân.

Đến nay, Hội đã được thành lập ở 63 tỉnh, thành phố; hơn 600 huyện, quận; 6.500 xã, phường với hơn 400 nghìn hội viên. Đội ngũ cán bộ các cấp hội, hầu hết là cựu chiến binh sau khi nghỉ hưu đã tình nguyện làm công tác hội; tuy tuổi cao, sức khoẻ yếu, một số là thương binh, nạn nhân chất độc da cam, nhưng luôn nhiệt tình, tâm huyết với đồng chí, đồng đội và nghĩa tình, trách nhiệm với nạn nhân chất độc da cam/dioxin. 

TTg-1611143902530

Sau hơn 17 năm xây dựng và hoạt động, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự ủng hộ có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các địa phương, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế: đồng thời, với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ và hội viên, Hội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.

Thực hiện chức năng của một tổ chức xã hội, nhân đạo, được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; từ khi thành lập đến nay, tổ chức hội các cấp đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng; thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt qua mọi khó khăn đề hòa nhập cộng đồng. Tổ chức hệ thống chăm sóc nạn nhân tại cộng đồng và gia đình, như: phục hồi chức năng, khám chữa bệnh... Đặc biệt với đối tượng là người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, mọi chính sách của Nhà nước bảo đảm đến đối tượng được thụ hưởng. Từ khi có Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14-5-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”, Hội đã tham mưu, đề xuất phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm giải quyết cho hàng chục nghìn người hoạt động kháng chiến được thụ hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước.

Tính đến tháng 12-2020, Hội đã vận động được hơn 2.264 tỷ đồng; riêng năm 2020, vận động được gần 370 tỷ đồng. Số tiền đó đã được sử dụng hỗ trợ sửa, làm nhà tình nghĩa; trợ cấp học bổng: trợ giúp tìm việc làm; hỗ trợ vốn sản xuất; tặng các phương tiện sinh hoạt; khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí; xông hơi, giải độc, phục hồi chức năng; trợ cấp khó khăn, trợ cấp khắc phục hậu quả thiên tai; thăm hỏi, tặng quà nhân ngày lễ, tết cho hàng trăm nghìn lượt nạn nhân...

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) nhấn mạnh, chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn nhiều người vẫn bị lây nhiễm qua các thế hệ, nhất là dị tật, dị dạng với nỗi đau hàng ngày, hàng giờ. Các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin là những người đau khổ nhất. Do đó, chúng ta cần quan tâm các gia đình nạn nhân; cần dành kinh phí thích hợp; tăng cường nhận thức rõ ở cấp uỷ, chính quyền các địa phương trong công tác này, từ đó chúng ta hoàn thiện thể chế để hỗ trợ tốt hơn các nạn nhân.

Thủ tướng đánh giá, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, MTTQ, chính quyền các cấp, đặc biệt sự cố gắng của các hội viên, Hội đã phát triển mạnh mẽ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, Nhà nước giao phó. Nhiều lãnh đạo Hội luôn ngày đêm lo lắng, tìm mọi biện pháp để phục vụ hoạt động. Thủ tướng bày tỏ vui mừng vì mạng lưới của Hội đã trải rộng khắp cả nước. Các cấp hội đã hoạt động hiệu quả, uy tín, vị thế được khẳng định...

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ân cần chuyển lời thăm hỏi tới toàn thể hội viên; biểu dương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã đạt kết quả to lớn thời gian qua; khẳng định đó chính là tinh thần yêu nước, những tấm gương thầm lặng.

Hội đã tham mưu về chủ trương, chính sách cho Đảng, Nhà nước. Vận động tích cực các nguồn lực của xã hội. Cùng với đó, các tấm lòng của các nhà tài trợ, nhà hảo tâm, mọi người dân đóng góp đều đáng được biểu dương, trân trọng. Nhiều gia đình, cá nhân đã có tinh thần tự cường vươn lên trong cuộc sống, là điều đáng trân trọng. Chúng ta phải thực hiện nhiều biện pháp, huy động cả nguồn ngân sách nhà nước, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, nguồn xã hội hoá. Kết quả hoạt động của Hội góp phần cùng cả nước thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Thông qua Hội, Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi đến từng gia đình có người nhiễm chất độc da cam; đồng thời chia sẻ và tri ân tới những người tham gia kháng chiến và bị nhiễm chất độc hoá học. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải nỗ lực quan tâm tới những đối tượng này, không để sót một ai; phải nỗ lực làm hết sức mình, vận động hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nguồn xã hội hoá để bảo đảm những người bị nhiễm có cuộc sống tốt đẹp hơn.       

Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng đề nghị hoạt động của các cấp hội cần thiết thực, phục vụ trực tiếp cho những người bị nhiễm, giảm bớt khó khăn. Quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng ở các cấp, các ngành. Bám sát nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao, chủ động thực hiện hiệu quả, xác định trọng tâm trọng điểm, có tinh thần quyết tâm cao, đề xuất chương trình hành động cho địa phương, tăng cường nhận thức từ cấp T.Ư đến địa phương trong công tác hỗ trợ. Bố trí kinh phí thích hợp cho các công việc này. Người làm công tác hội cũng cần có tiếng nói trong cấp uỷ, chính quyền địa phương để thuận lợi cho hoạt động.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí và truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thảm họa da cam, trong đó tập trung tuyên truyền về dịp kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam cả trong nước và quốc tế, làm cho nhân dân trong nước và thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa da cam, về công cuộc khắc phục hậu quả ở Việt Nam, tích cực hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động giúp đỡ nạn nhân, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Tiếp tục kiện toàn, xây dựng tổ chức các cấp hội vững mạnh, hướng về cơ sở và các nạn nhân. Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhiệt tình, tâm huyết với công việc. Tiếp tục huy động nguồn lực xã hội, phong trào hành động vì nạn nhân cần được nhân lên thời gian tới. Cổ vũ, động viên các nhà hảo tâm, doanh nghiệp tiếp tục đóng góp cho công tác này hiệu quả hơn. Các bộ, ngành, địa phương, MTTQ các cấp, TP Hà Nội tiếp tục tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện hỗ trợ Hội hoạt động hiệu quả. Kiên trì cuộc vận động, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam bằng những bước đi, hình thức, biện pháp phù hợp đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng khẳng định hậu quả của chiến tranh để lại còn hết sức nặng nề. Không nỗi đau nào đau hơn nỗi đau da cam và nỗi đau này không của riêng ai. Do đó, các cấp Hội cần vươn lên mạnh mẽ; các cấp, các ngành cần chung tay, hỗ trợ để Hội hoạt động hiệu quả hơn nữa thời gian tới. Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế tiếp tục sát cánh, chung tay cùng với Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam để hỗ trợ các nạn nhân có điều kiện khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng cho ý kiến chỉ đạo về một số đề xuất, kiến nghị của T.Ư Hội.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng 50 căn nhà tình nghĩa cho các nạn nhân chất độc da cam và 500 triệu đồng phục vụ công tác chăm sóc nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin.

Theo Nhân Dân

comment Bình luận

largeer