Trẻ mắc bệnh hô hấp ở TP.HCM tiếp tục tăng kỷ lục

Số bệnh nhi mắc các bệnh hô hấp và biến chứng nặng, phải thở máy tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tăng kỷ lục từ đầu năm đến nay.
26/10/2020 15:31

Hàng năm, từ tháng 8 đến 11, các tỉnh phía Nam bước vào giai đoạn cao điểm của bệnh hô hấp. Thời điểm này, các viện nhi luôn trong tình trạng quá tải do số lượng trẻ nhập viện đông. Đặc biệt, năm nay, thời gian giãn cách xã hội trùng quy luật của bệnh, lượng trẻ nhập viện tăng đột biến.

Hơn 400 trẻ chia nhau 140 giường bệnh

Trong vòng một tuần trở lại đây, tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, rất nhiều bệnh nhi mắc bệnh hô hấp được phụ huynh xếp hàng chờ đến lượt khám.

Tại các phòng bệnh, đa số bệnh nhi chia giường để cùng nằm, phụ huynh đặt ghế ngồi bên cạnh. Nhiều cha mẹ bế con ra hai bên hành lang của khoa vì không khí trong phòng ngột ngạt, quá đông đúc. Nhiều trẻ phải nằm ở các giường nhỏ, kê tạm ngoài hành lang do phòng bệnh không đủ chỗ.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết đơn vị này đang điều trị tổng cộng hơn 400 trẻ mắc các bệnh hô hấp. Khoảng 3-4 tuần trở lại đây, lượng trẻ đến khám tăng đột biến. Trong khi đó, khoa Hô hấp chỉ có 140 giường bệnh.

ho hap

"70% số trẻ đến khám các bệnh hô hấp đến từ TP.HCM. Tại phòng điều trị nội trú, 60% là đến từ các tỉnh, thành khác, đa số trẻ dưới 12 tháng tuổi. Tại phòng cấp cứu, hơn 30 ca phải thở oxy. Đây được xem là con số kỷ lục từ đầu năm đến nay", bác sĩ Tuấn nói.

Trưởng khoa Hô hấp cho biết 70% trẻ đến khám do mắc các bệnh về nhiễm trùng hô hấp, viêm hô hấp trên (viêm mũi, viêm họng, viêm tai...). Trẻ nhập viện điều trị nội trú chủ yếu do viêm hô hấp dưới, nhiều nhất là viêm phổi, viêm tiểu phế quản.

Song hành với các bệnh này là chứng viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang dị ứng, đặc biệt hen suyễn. Tiến sĩ Tuấn cho biết thời gian này là mùa bệnh nhân dễ lên cơn hen nhất trong năm.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), số trẻ nhập viện do các bệnh hô hấp cũng được ghi nhận tăng đột biến so với thời gian trước.

"Từ đầu năm, chúng ta trải qua thời gian giãn cách xã hội khá dài để phòng, chống Covid-19. Số lượng trẻ nhập viện thời gian này giảm rõ rệt. Sau thời gian giãn cách xã hội và bắt đầu cuộc sống bình thường mới, lượng trẻ nhập viện tăng trở lại. Do đó, chúng ta thấy tốc độ trẻ nhập viện tăng nhanh, nhưng về cơ bản vẫn theo đúng quy luật chứ không bùng phát dịch bệnh", tiến sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Hai nguyên tắc phòng bệnh cơ bản

Theo dự đoán của tiến sĩ Tuấn, đến hết tháng 11, lượng trẻ đến khám và nhập viện do bệnh hô hấp sẽ giảm và trở lại bình thường theo đúng quy luật hàng năm. Vì vậy, phụ huynh cần nắm vững hai quy luật phòng bệnh cơ bản.

Trước hết, cha mẹ cần linh hoạt bảo vệ trẻ trước thay đổi tiêu cực của thời tiết. Khi trời lạnh và mưa, trẻ cần được mặc áo ấm, tránh mưa, gió lùa. Khi trời mưa lớn, cha mẹ nên chuẩn bị áo mưa cho trẻ. Nếu mưa to, gia đình không cho trẻ ra ngoài.

Khi trời nóng, trẻ cần được sử dụng các phương tiện giải nhiệt hợp lý, không lạm dụng quá mức như để luồng gió quạt máy, máy lạnh thổi thẳng vào người bé. Khi trẻ mắc bệnh, người lớn cần chăm sóc và theo dõi sát, chỉ cho trẻ đi học lại khi điều trị hết bệnh.

Tiến sĩ Tuấn nhấn mạnh vấn đề rửa tay rất quan trọng. Không chỉ có tác dụng phòng bệnh truyền nhiễm như Covid-19, rửa tay giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản đáng kể. Do đó, người chăm sóc nên hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang.

Về lâu dài, các biện pháp cần được chú ý là vấn đề dinh dưỡng cho trẻ. Theo tiến sĩ Tuấn, bé dưới 6 tháng tuổi cần được bú hoàn toàn sữa mẹ để tăng cường hệ miễn dịch.

"Hiện tại, căn bệnh đáng lo ngại và nguy hiểm nhất ở trẻ em là viêm phổi. Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu giúp giảm 25% nguy cơ viêm phổi. Ngoài ra, phụ huynh cần cho trẻ ăn theo chế độ dinh dưỡng, chủng ngừa đầy đủ theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Trẻ thuộc nhóm nguy cơ chủng ngừa thêm vaccine cúm, phế cầu", tiến sĩ Tuấn tư vấn.

Ngoài ra, trẻ cần được tránh xa môi trường có khói thuốc lá. Các chuyên gia chỉ rõ trẻ bị hen suyễn nhưng vẫn sống trong môi trường có khói thuốc lá, bệnh rất khó kiểm soát. Nếu trẻ mắc viêm tiểu phế quản, bệnh sẽ khó điều trị, dễ tái phát hơn. Trẻ hút thuốc lá thụ động có nguy cơ tăng gấp đôi mắc viêm phổi.

Trẻ trong nhóm nguy cơ (dưới 3 tháng tuổi, mắc các dị tật khác kèm theo như tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch...) nên tránh tiếp xúc gần với khói thuốc lá và người có dấu hiệu bệnh.

Theo Zing.vn

comment Bình luận

largeer