Trẻ tự kỷ - Nhận biết sớm, can thiệp kịp thời

Tự kỷ là hội chứng bẩm sinh, đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân đầy đủ, cụ thể, rõ ràng. Những tổn thương thần kinh trong bụng mẹ, ô nhiễm môi trường… cũng có thể liên quan đến chứng tự kỷ.
01/07/2023 07:33

Tỷ lệ mắc bệnh là 2-5/10000 trẻ dưới 12 tuổi, bệnh khởi phát rất sớm: khoảng trước 36 tháng tuổi và có thể chẩn đoán vào tháng thứ 5 đến tháng thứ 6 và rõ rệt trong năm thứ 2. Rối loạn tự kỷ thường gặp ở nam nhiều hơn nữ, với tỉ lệ 03-05 nam/1 nữ. Tuy nhiên, khi đã mắc bệnh thì trẻ gái bị tự kỷ có khuynh hướng nặng hơn so với trẻ nam.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Theo BS.CKI Nguyễn Minh Hưng -Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận sẽ thông tin rõ hơn về hội chứng này.

Tự kỷ là rối loạn phát triển lan tỏa xuất hiện sớm ở trẻ nhỏ và kéo dài với các dấu hiệu ở 3 lĩnh vực:

Thứ nhất là giảm tương tác xã hội. Tất cả các trẻ tự kỷ không biểu hiện sự quan hệ thường thấy với cha mẹ, với người khác mà thường biểu hiện bằng tình trạng cô lập. Trong năm đầu, bé tỏ ra rất ngoan, nằm yên, không hướng người ra trước và dang tay bồng ẵm. Trẻ thường không cười ở tháng thứ 3 hoặc không sợ hãi với người lạ ở tháng thứ 8. Ngoài ra, trẻ ít tiếp xúc bằng mắt, hay né tránh không nhìn thẳng vào người đối diện hoặc nhìn họ như thể không có họ ở đó. Thêm vào đó, trẻ không có thái độ bày tỏ yêu thương cũng như không quay đầu về phía mẹ. Đến tuổi đi học, sự thu rút của trẻ có thể giảm hoặc không rõ ràng và vẫn còn nhiều khó khăn trong quan hệ xã hội như thiếu giao tiếp, không kết bạn, không đồng cảm…

Thứ hai là rối loạn ngôn ngữ giao tiếp. Trẻ có khiếm khuyết trầm trọng và rối loạn về phát triển ngôn ngữ, trẻ có thể bị câm hoặc phát ra những âm thanh vô nghĩa. Bình thường, trẻ không biết bắt chước làm theo hay nói theo. Nhầm lẫn nhân xưng. Đối với những trẻ lớn hơn, trẻ nói định hình, nói sai văn phạm và ngữ nghĩa.

Thứ ba là có các kiểu hành vi bất thường. Khi có những thay đổi của môi trường xung quanh trẻ thường có biểu hiện chống đối lại. Ví dụ: trẻ có thể giận dữ mãnh liệt khi đồ đạc trong phòng bị thay đổi hoặc đảo ngược theo thói quen. Có thói quen gắn bó một cách bất thường vào một số đồ vật và đáp ứng bất thường với các kích thích cảm giác, giác quan. Ngoài ra, trẻ tự kỷ còn có những biểu hiện như các rối loạn hành vi khác như tăng động, thức dậy trong đêm, hành vi tự gây thương tích và không sợ hãi khi đối mặt với nguy hiểm thực sự. Thường có biểu hiện giảm vận động cơ, các mốc vận động chậm trễ và các cử động bất thường như nhăn mặt, xua tay, xoắn vặn bàn tay, đi trên các ngón chân…

Các dấu hiệu kèm theo như: khí sắc không ổn định, rối loạn ăn uống, rối loạn cơ vòng động kinh.

Bệnh thường có diễn tiến kéo dài và chậm. Hiện nay, chưa có thuốc chữa đặc hiệu mà chỉ điều trị các tổn thương não kèm theo như là động kinh hoặc tăng động. Nếu trẻ tự kỷ được phát hiện và chẩn đoán sớm cũng như được can thiệp kịp thời một cách toàn diện, hợp lý và kiên trì vào “giai đoạn vàng” (trước 40 tháng tuổi) thì chứng tự kỷ ở trẻ sẽ tiến triển tốt và có thể hòa nhập với gia đình và cộng đồng. 

Vì vậy các gia đình có con nhỏ cần theo dõi. Khi thấy trẻ có các biểu hiện của hội chứng rối loạn tự kỷ, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Gia đình cần tích cực tìm hiểu tự kỷ, điểu chỉnh cảm xúc bản thân. Tạo môi trường sống an toàn, ổn định cho trẻ. Dành nhiều thời gian cho trẻ: quan sát, hiểu, tương tác và dạy trẻ phù hợp. Dạy trẻ mọi lúc mọi nơi bằng vật thật, đồ chơi, tranh ảnh, biểu tượng. Chia sẻ kinh nghiệm, cảm xúc, phương tiện dạy trẻ với các cha mẹ khác. Ghi nhật ký về diễn biến của trẻ và cách can thiệp để rút kinh nghiệm.

Tốt nhất là được thực hiện bởi một nhóm chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau như bác sĩ tâm thần nhi, nhà tâm lý, chuyên gia điều trị hành vi, nhà giáo dục, chuyên viên tâm thần vận động và chỉnh âm... Bởi lẽ, quy trình can thiệp tốt nhất là phát hiện sớm, chẩn đoán sớm, điều trị sớm. Và liệu pháp giáo dục cũng như hành vi là cách chọn lựa đầu tiên để có kết quả và lâu dài. Tăng cường các hành vi được xã hội chấp nhận và loại bỏ các hành vi không thích ứng, cuối cùng là trị liệu bằng thuốc.

Ngọc Nguyễn

comment Bình luận

largeer