Triển khai Tuần lễ cao điểm truyền thông phòng, chống đuối nước từ ngày 20–26/7 trong cả nước

Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) vừa có Công văn số 725/BMTE-CS gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị tăng cường các hoạt động tuyên truyền và triển khai biện pháp phòng, chống đuối nước, đặc biệt ở trẻ em. Đây là một trong những hoạt động hướng tới Ngày Thế giới phòng, chống đuối nước 25/7.
12/07/2025 10:25

Đuối nước hiện là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Vì vậy, thời gian qua, các địa phương, các tổ chức, ban ngành trong cả nước đã nỗ lực triển khai hàng loạt biện pháp nhằm phòng tránh tình trạng này, đặc biệt trong những giai đoạn cao điểm như mùa hè.

Theo Nghị quyết A/RES/75/273 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, việc truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng là một trong những giải pháp then chốt để giảm thiểu tình trạng này. 

Tại Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường hành động phòng ngừa tử vong do đuối nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 trong đó có nội dung trọng tâm là phòng, chống đuối nước.

Empty

Thực hiện Quyết định số 1248/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống đuối nước năm 2025, Cục Bà mẹ và Trẻ em đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai các nội dung gồm: Tăng cường tuyên truyền về phòng, chống đuối nước trong cộng đồng, đặc biệt là tại các địa phương, địa bàn có nguy cơ cao gây đuối nước (sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch, vùng ngập lụt…); ưu tiên đối tượng truyền thông là trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và cộng đồng dân cư. Nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa và huy động sự tham gia đồng bộ, thống nhất từ các địa phương, ngành y tế sẽ triển khai Tuần lễ cao điểm truyền thông phòng, chống đuối nước từ ngày 20-26/7.

Trong tuần lễ cao điểm, các địa phương được yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ đuối nước và các biện pháp phòng tránh, tập trung vào nhóm đối tượng trẻ em, phụ huynh và người chăm sóc trẻ. Việc truyền thông cần được thực hiện đa dạng qua nhiều hình thức như phát thanh cơ sở, mạng xã hội, băng rôn, áp phích tại trường học, trạm y tế, khu dân cư và những nơi công cộng.

Đặc biệt, Bộ Y tế khuyến khích lồng ghép các hoạt động truyền thông trong quá trình khám chữa bệnh, tiêm chủng, hội nghị, hội thảo y tế tại tuyến cơ sở. Các địa phương cần chủ động phối hợp tổ chức lớp học bơi an toàn cho trẻ em, tập huấn kỹ năng sơ cứu khi xảy ra đuối nước, đồng thời rà soát, cắm biển cảnh báo, lắp rào chắn tại các khu vực sông, suối, ao hồ, kênh rạch – những nơi tiềm ẩn nguy cơ cao.

Một số thông điệp truyền thông được khuyến nghị như: “Đuối nước – nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em”, “Học bơi và kỹ năng an toàn nước – phao cứu sinh cho trẻ” và “Gia đình – nhà trường – cộng đồng cùng bảo vệ trẻ”.

Ngoài ngành y tế, các trường học, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể được yêu cầu vào cuộc tích cực để tạo nên hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng. Sở Y tế các tỉnh, thành phố sẽ tổng hợp kết quả triển khai và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 30/8/2025.

Tuần lễ cao điểm này là cơ hội để toàn xã hội chung tay hành động vì sự an toàn của trẻ em. Việc giáo dục kỹ năng phòng tránh đuối nước, giám sát trẻ tốt hơn và chủ động xử lý môi trường sống xung quanh sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu các tai nạn thương tâm có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là vào mùa hè.

Nguyên An (tổng hợp)

comment Bình luận