Triển vọng mới phục hồi thị lực cho người khiếm thị

Trong một thành quả mang tính đột phá, các nhà nghiên cứu tại Đại học Pittsburgh (Mỹ) vừa công bố trường hợp khôi phục thành công một phần thị lực cho người mù nhờ sử dụng liệu pháp chỉnh sửa gen và kích hoạt ánh sáng.
15/08/2022 18:25

Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature Medicine, người đàn ông 58 tuổi này bị mất thị lực đã gần 40 năm do viêm võng mạc sắc tố (RP). Căn bệnh thoái hóa thần kinh thị giác này khiến các tế bào tiếp nhận ánh sáng trong võng mạc bị hủy hoại, có thể dẫn đến mù lòa hoàn toàn và hiện chưa có phương pháp nào được phê chuẩn cho việc điều trị RP.

Nhờ liệu pháp mới, bệnh nhân có thể “nhìn thấy” chiếc ly trên bàn. Ảnh: Sky News

Nhờ liệu pháp mới, bệnh nhân có thể “nhìn thấy” chiếc ly trên bàn. Ảnh: Sky News

Trong liệu pháp mới, các chuyên gia sử dụng kỹ thuật gọi là di truyền quang học - optogenetics, nhằm biến đổi gien của các tế bào trong võng mạc để chúng sản xuất ra prôtêin nhạy cảm với ánh sáng channelrhodopsin. Để làm được điều này, họ tiêm vào mắt bệnh nhân một gien đã được “lập trình” để mang theo một protein channelrhodopsin, gọi là ChrimsonR. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng cho bệnh nhân đeo một loại kính chuyên dụng, có trang bị một máy ảnh để chụp và chiếu các hình ảnh trực quan lên võng mạc ở bước sóng ánh sáng màu hổ phách. Trong thời gian chờ các tế bào biến đổi gen hoạt động ổn định, bệnh nhân được hướng dẫn cách dùng kính để khôi phục thị lực. Song song đó, hoạt động não của bệnh nhân cũng được đo bằng kỹ thuật điện não đồ (EEG).

Kết quả là sau 7 tháng luyện tập với kính, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu cải thiện thị lực. Bằng chứng là trong thử nghiệm quan sát việc di chuyển một chiếc ly trên bàn trắng, bệnh nhân đã có thể xác định vị trí chiếc ly với tỷ lệ chính xác 78%. Dữ liệu EEG cũng cho thấy não của ông thực sự phản ứng với tín hiệu hình ảnh từ mắt.

Theo Sky News

comment Bình luận

largeer