Trưa 26/8: Việt Nam đã tiêm hơn 18,6 liều vaccine COVID-19

Đến trưa ngày 26/8, đã có hơn 18,5 triệu liều vaccine COVID-19 được tiêm trên toàn quốc. 3 gói thuốc điều trị F0 tại nhà ở TP HCM. Thanh Hoá ghi nhận thêm 3 ca mắc mới COVID-19
26/08/2021 13:19

Đã tiêm hơn 18,5 triệu liều vaccine COVID-19

Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Quốc gia, tính đến 12h trưa 26/8 đã có 18.561.945 liều vaccine COVID-19 được tiêm chủng trên toàn quốc.

Có 10 tỉnh, thành phố tiêm chủng vaccine nhanh gồm Bắc Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Vĩnh , Cà Mau, Sóc Trăng, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Điện Biên.

Đến nay Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 24 triệu liều vaccine phòng COVID-19 từ nhiều nguồn khác nhau.

tiem

Đến thơi điểm này có hơn 18,5 triệu liều vaccine COVID-19 đã tiêm trên toàn quốc

3 gói thuốc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại nhà

Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 tại nhà tiếp tục được Sở Y tế TP HCM cập nhật phiên bản 1.4 tại Công văn 6002/SYT-NV ngày 25/8/2021.

Theo đó, tại Công văn này, Sở Y tế TP HCM đã chia thuốc điều trị COVID-19 tại nhà thành 03 gói:

Gói thuốc A: Thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng:

- Paracetamol 500mg: Uống 01 viên khi sốt trên 38°C, có thể lặp lại mỗi 04 - 06 giờ nếu vẫn còn sốt.

- Các loại vitamin như vitamin tổng hợp hoặc vitamin C: Uống ngày 02 lần: Sáng 01 viên, chiều 01 viên.

Gói thuốc B: Những thuốc sử dụng hạn chế trong một số tình huống đặc biệt gồm thuốc kháng viêm và thuốc kháng đông. Dùng gói thuốc này nếu thấy khó thở (nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần/phút hoặc đo Sp02 dưới 95%)

Khi đó, cần phải liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ. Nếu chưa liên hệ được thì uống thêm:

- Thuốc kháng viêm Dexamethasone 0,5mg: Uống ngày 01 lần, sáng 12 viên sau khi ăn (tương đương 06 mg/ngày) hoặc Methylprednisolone 16mg ngày hai lần, sáng 01 viên, chiều 01 viên sau khi ăn (tương đương 32mg/ngày).

- Thuốc kháng đông Rivaroxaban 10mg ngày uống một lần 01 viên vào buổi sáng hoặc Apixaban 2,5mg, uống ngày 02 lần sáng 01 viên, chiều 01 viên hoặc Dabigatran 110 mg, uống ngày 02 lần, sáng 01 viên, chiều 01 viên.

Lưu ý: Thời gian tự uống không quá 03 ngày. Trong thời gian này, tiếp tục liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ, tùy tình trạng sức khỏe để bác sĩ quyết định có tiếp tục dùng nữa không. Và hai thuốc này không sử dụng cho:

- Phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú;

- Người mắc một trong các bệnh: Viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, các bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hóa, đường tiết niệu, các bệnh lý dễ gây chảy máu khác.

Gói thuốc C (dùng trong 05 ngày) là thuốc kháng vi rút, được kiểm soát đặc biệt với F0 có triệu chứng nhẹ. Đồng thời, người bệnh phải ký giấy cam kết sử dụng thuốc để được cấp phát và sử dụng.

Gói này gồm thuốc Molnupiravir viên 200mg hoặc viên 400mg: Uống ngày 02 lần: Sáng 800mg, chiều 800mg, uống 05 ngày liên tục.

Lưu ý: Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người bệnh đang sử dụng Molnupiravir nếu cần phải uống thuốc kháng viêm hoặc kháng đông như ở trên thì ngưng sử dụng thuốc Molnupiravirv.

Thanh Hoá: Thêm 3 ca mắc COVID-19 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thanh Hóa cho biết, địa phương vừa ghi nhận thêm 3 ca mắc COVID-19 liên quan đến điểm dịch tại thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống, Thanh Hóa.

Trong 3 trường hợp mắc COVID-19 mới ghi nhận có 2 trường hợp là F1 của bệnh nhân mắc COVID-19 tại thị trấn Nông Cống được ghi nhận trong ngày 25/8.

Ca còn lại là một cháu bé 7 tuổi (ngụ phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn). Bé ở với ông bà tại thị trấn Nông Cống, gần khu vực nhà bệnh nhân mắc COVID-19.

Trong số 3 ca mắc COVID-19 trên có một nữ giáo viên (là vợ của ca mắc COVID-19 ở thị trấn Nông Cống) ở Trường tiểu học Phú Nhuận, huyện Như Thanh.

Ông Nguyễn Huy Duân, Bí thư Đảng ủy xã Phú Nhuận cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã đã nhanh chóng xác định được 30 trường hợp F1 (trong đó có 23 học sinh, 4 giáo viên, 3 phụ huynh); 200 F2 và 53 F3 có liên quan.

Trong sáng nay, Ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện Như Thanh đã họp, quyết định cách ly xã hội toàn xã Phú Nhuận theo Chỉ thị 16 bắt đầu từ 9h ngày 26/8.

Bình Dương xây dựng kế hoạch có 150.000 ca mắc COVID-19

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh ký văn bản hỏa tốc gửi các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh về xây dựng Kế hoạch ứng phó khi số ca nhiễm COVID-19 lũy kế trên 150.000 ca.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương xây dựng Kế hoạch ứng phó của ngành, lĩnh vực khi số ca nhiễm lũy kế trên 150.000 ca. Con số này tương đương với khoảng 100.000 giường điều trị thực tế.

Các thành viên Ban Chỉ đạo tính toán cụ thể nhu cầu đáp ứng nguồn lực, nhân lực, vật tư, trang thiết bị, phương tiện, phương án quản lý, huy động, điều phối nguồn lực, và tổ chức thực hiện gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, xây dựng Kế hoạch chung của tỉnh.

Được biết, dự báo trong 2 tuần tới, số ca F0 của tỉnh sẽ tăng thêm 50.000 ca do tỉnh đang tập trung xét nghiệm tìm F0 lần 3, nâng tổng số ca bệnh lên trên 120.000 người.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tạm dừng tàu cá xuất bến để bóc tách F0

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu tạm dừng tất cả tàu cá xuất bến đánh bắt hải sản từ ngày 26-8 cho đến khi có thông báo mới. Lý do là hoạt động của tàu cá và các dịch vụ liên quan có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh COVID-19.

Theo nhận định của ngành chức năng, thời gian qua, việc thực hiện các quy định về phòng chống dịch COVID-19 tại các cảng cá của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa chặt chẽ, chưa nghiêm, nhất là kiểm soát phương tiện, người ra vào cảng.

Do đó, để có thời gian thực hiện kiểm soát, khoanh vùng, truy vết triệt để tất cả F0, F1 liên quan đến các cảng cá, và các khu vực xung quanh cảng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định tạm dừng tàu cá xuất bến.

Vũ Hường

comment Bình luận

largeer