Trường đại học tại Trung Quốc biến thành ổ dịch lao

22 sinh viên tại Đại học Sư phạm Giang Tô được chẩn đoán mắc lao.
21/10/2020 14:35

Vài ngày trở lại đây, các sinh viên Cao đẳng Khoa học và Nghệ thuật, Đại học Sư phạm Giang Tô, Trung Quốc, bị hạn chế ra khỏi khuôn viên trường.

Theo Tân Hoa Xã, động thái này xảy ra sau khi 22 sinh viên của trường được phát hiện mắc bệnh lao và không cách ly. 43 sinh viên khác cùng phòng với những bệnh nhân trên đã được chụp CT ngực và cách ly. Toàn trường có hơn 9.900 sinh viên.

Đặc biệt, 22 sinh viên trên được phát hiện mắc lao rải rác từ tháng 8/2019 đến nay. Điều này dấy lên nghi ngờ về việc trường che giấu tình trạng bệnh của sinh viên. Bệnh nhân số 0 của ổ dịch này vẫn chưa được tìm ra.

Lớp học 79 người chỉ còn hơn 30 sinh viên

Jiang Yi là sinh viên năm 2 lớp Phần mềm 1, khóa 2018 của Đại học Sư phạm Giang Tô. Gần đây, cô tham gia xét nghiệm tiêm dưới da nhằm xác định bệnh lao (PPD). Trước đó, cổ tay Yi sưng tấy thành một khối u có kích thước 15 cm. Đây là một trong các dấu hiệu của người bị lao phổi.

Đầu năm nhất, lớp Phần mềm 1 có 79 sinh viên. Giờ đây, lớp này chỉ còn hơn 30 người theo học. Mười sinh viên trong lớp đã được chẩn đoán mắc lao, không tính những người tự về nhà điều trị.

Theo Yi, nhiều bạn cùng phòng của cô đã nhập viện vì bệnh trên. Căn phòng ký túc xá giờ đây trống trải, lác đác một vài sinh viên. Lớp Phần mềm 1 của Yi là ổ dịch trung tâm của bệnh.

ho

Huang Ying - một sinh viên khác từ lớp Phần mềm - tiết lộ khi nghỉ hè, bạn cùng lớp bất ngờ lên cơn sốt, ho. Sau đó, sinh viên này đi khám và được chẩn đoán mắc lao phổi. Lần lượt nhiều sinh viên gặp tình trạng tương tự. Họ không biết mình lây nhiễm từ đâu. Họ đều phải nghỉ học và nhập viện điều trị. Ying tiết lộ thêm ngoài lao, nhiều người khác phải bỏ học giữa chừng vì bị viêm hoặc tràn dịch màng phổi.

Theo Yi và Ying, việc khám sàng lọc sức khỏe ở trường thường không chính xác. Nhiều sinh viên đi khám và được chẩn đoán mắc lao phổi vẫn đến lớp và ở chung với bạn học khác. Nhà trường không tổ chức cho các sinh viên khám sàng lọc như chụp CT hay xét nghiệm máu.

The Paper tiết lộ phải mất hơn một năm kể từ khi các trường hợp mắc lao xuất hiện rải rác, sinh viên mới được chụp CT ngực để kiểm tra sức khỏe. Lao là bệnh có thể lây nhiễm từ người mang trùng sang người lành thông qua hoạt động hô hấp như ho, hắt hơi, khạc nhổ… Điều đó có nghĩa nhiều ca bệnh không được cảnh báo, các em vẫn chung sống cùng nhau trong ký túc xá khiến bệnh lây lan mà không hề hay biết.

Nhiều người đặt câu hỏi và chỉ trích nhà trường về việc thiếu trách nhiệm trong kiểm soát dịch bệnh. Ông Fei Chun, Hiệu trưởng Cao đẳng Khoa học và Nghệ thuật, Đại học Sư phạm Giang Tô, cho hay họ rất khó để kiểm soát. Bởi theo quy định hiện hành của trường, ban giám hiệu không có quyền yêu cầu sinh viên mắc bệnh thôi học hoặc cách ly.

Theo ông Fei, ngay khi phát hiện ổ dịch lao bùng phát mạnh trong khuôn viên trường, ngày 14/10, ban giám hiệu đã họp khẩn cấp và đưa biện pháp xử lý. Trường yêu cầu sinh viên đeo khẩu trang, không tụ tập, khử trùng giảng đường, ký túc xá và thực hiện giãn cách. Khuôn viên trường cũng bị niêm phong, có nhân viên bảo vệ, sinh viên ra vào phải xuất trình giấy tờ.

Theo Jiang Yi, các sinh viên còn lại trong “ổ dịch lao” Phần mềm 1 đều muốn ra khỏi trường và về nhà để khám, chữa bệnh. Nhưng họ không được phép. Không khí lớp học trở nên căng thẳng.

“Mọi người ai cũng sợ bị lây nhiễm. Tôi và bạn cùng phòng đều dương tính khi xét nghiệm PPD. Ở ký túc xá cả ngày, chúng tôi rất lo lắng và không thể ngủ”, Yi chia sẻ.

Mất dấu bệnh nhân số 0

Theo thông tin chính thức của Đại học Sư phạm Giang Tô, thời điểm bùng phát dịch lao trong trường là ngày 21/8/2019. Tuy nhiên, họ không thể xác định được bệnh nhân số 0 (zero).

Theo báo cáo của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, vào ngày trên, một sinh viên của Cao đẳng Khoa học và Nghệ thuật được chẩn đoán mắc lao khi đang ở quê nhà Hoài An, Giang Tô. Bệnh nhân đã được làm thủ tục bảo lưu và điều trị tại nhà. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh huyện Giả Uông, Từ Châu, Giang Tô, sau đó xác định 91 người liên quan bệnh nhân trên. Họ không phát hiện bệnh nhân F1.

Spectinamides_TB

Theo lời kể của Jiang Yi, từ tháng 9/2018, một nữ sinh trong đợt huấn luyện quân sự đầu năm xuất hiện triệu chứng ho, mệt mỏi. Nữ sinh này vẫn có mặt trong khu sinh hoạt của lớp quân sự nhưng không tham gia đào tạo. Sau khi đợt huấn luyện kết thúc, người này phát hiện mắc bệnh lao và nghỉ học, điều trị tại nhà.

Yi cho hay ca bệnh trên là trường hợp đầu tiên mắc lao của lớp Phần mềm 1. Những người tiếp xúc nữ sinh trên khi xét nghiệm PPD đều cho kết quả dương tính với virus lao phổi.

The Paper dẫn lời của một số sinh viên lớp học trên cho biết từ đầu mùa đông năm 2018, mỗi khi phát hiện người mắc lao, trường sẽ tổ chức khám bệnh, chụp X-quang phổi. Tuy nhiên, nhà trường không thông báo kết quả cho các em biết.

Hiện tại, 43 người bị cách ly, nghi nhiễm virus lao phổi đều được phát thuốc để uống. Tuy nhiên, họ gặp phải nhiều tác dụng phụ như nước tiểu, mắt có màu đỏ. Một số sinh viên bị phát ban, dị ứng. Thuốc còn gây đau khớp, buồn nôn và nhiều cảm giác khó chịu khác.

Huang Ying bức xúc chia sẻ với The Paper: "Chúng tôi đều là sinh viên xa nhà đến đây học một mình rồi sau đó bị bệnh. Ngay cả khi chữa khỏi và được xuất viện, nó có thể tái phát bất kỳ lúc nào". Chưa kể, chi phí 1.000 nhân dân tệ cho việc cách ly và điều trị này đều do sinh viên tự chi trả, nhà trường chưa có phương án giải quyết.

Các sinh viên của Đại học Sư phạm Giang Tô đứng trước nhiều lo lắng. Họ đặt dấu hỏi cho tương lai và cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường. Tiền sử mắc lao có thể khiến họ bị phân biệt đối xử, xa lánh bởi người sử dụng lao động, đồng nghiệp.

Theo Zing.vn

comment Bình luận

largeer