Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 43 ca tử vong do bệnh dại

Ngày 21/7, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), được sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tổ chức hội thảo tăng cường sự cam kết của chính quyền và hợp tác đa ngành trong phòng-chống bệnh dại cho 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
23/07/2023 08:15

Dự hội thảo có Tiến sĩ, bác sĩ Viên Chinh Chiến - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Thư ký Chương trình Dại quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), đại diện của WHO; đại diện chính quyền địa phương, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum và các đơn vị trực thuộc.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trình bày bức tranh tổng thể và Chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại tại Việt Nam; Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên trình bày về đặc điểm dịch tễ học về bệnh dại và thực trạng tiêm phòng dại sau phơi nhiễm khu vực Tây Nguyên; đánh giá thực trạng giám sát bệnh dại tại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Kon Tum chia sẻ kinh nghiệm về công tác phòng-chống bệnh dại trên địa bàn

Đại diện Sở Y tế tỉnh Kon Tum chia sẻ kinh nghiệm về công tác phòng-chống bệnh dại trên địa bàn

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm đến nay, toàn quốc ghi nhận 43 trường hợp tử vong do bệnh dại; trong đó, miền Bắc 20 ca, miền Nam 9 ca, miền Trung 5 ca và khu vực Tây Nguyên 11 ca (Gia Lai 8 ca và Đak Lak 3 ca). Với 8 ca tử vong do bệnh dại từ đầu năm đến nay, Gia Lai là địa phương đứng đầu toàn quốc về số ca tử vong do bệnh dại. Qua giám sát ca bệnh, 100% các ca tử vong do bệnh dại đều không đi tiêm phòng vaccine dại.

Bệnh dại đã gây những ảnh hưởng lớn về sức khỏe và là bệnh chết nhiều nhất trong các bệnh truyền nhiễm với khoảng 70 người chết mỗi năm dù đã có vắc xin cho cả người và động vật. Có 60/63 tỉnh có bệnh dại trong 10 năm trở lại đây. Bệnh dại tiêu tốn 800 tỷ đồng/năm chỉ riêng cho vắc xin và huyết thanh kháng dại cho người, chưa bao gồm gánh nặng và chi phí vết thương, chi phí gián tiếp. Bệnh dại còn gây ảnh hưởng đến các vấn đề an sinh xã hội và các khía cạnh khác của đời sống…

Tuy vậy, công tác phòng-chống bệnh dại hiện còn gặp nhiều khó khăn và tồn tại; trong đó, hiện nay đàn chó chủ yếu là thả rông, người dân chưa quản lý được; tỷ lệ tiêm vaccine dại cho đàn chó tương đối thấp; người dân không đăng ký tiêm phòng dại cho chó; khó khăn trong việc bắt chó; công tác tuyên truyền phổ biến từ xã đến thôn còn nhiều hạn chế, thường lồng ghép với các hoạt động khác như sốt xuất huyết, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, người dân khó tiếp cận vaccine, không biết các điểm tiêm phòng dại cho người; người dân còn chủ quan; thiếu kinh phí và thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của bệnh dại. Cán bộ thú y kiêm nhiệm nhiều hoạt động; hoạt động giám sát chủ động lưu hành vi rút dại trên động vật chưa được thực hiện tại các tuyến của tỉnh Gia Lai; địa phương chưa bố trí được kinh phí để triển khai các hoạt động tiêm vắc xin phòng dại trên động vật…

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các giải pháp tăng cường bao phủ vaccine dại cho đàn chó và giảm tử vong do bệnh dại trên người. Theo đó, để phòng-chống bệnh dại hiệu quả trong thời gian tới, nhất là tại khu vực Tây Nguyên, Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đề nghị các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động phòng-chống bệnh dại theo Nghị định của Chính phủ và kế hoạch của Ủy ban Nhân dân tỉnh; xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ hoạt động giám sát phòng-chống bệnh dại tại địa phương; xây dựng kinh phí hỗ trợ tiêm phòng dại cho người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và các đối tượng ưu tiên khác theo quy định.

Các địa phương quan tâm triển khai tập huấn về phòng-chống bệnh dại cho địa phương; tăng cường công tác giám sát đặc biệt chú trọng vai trò của nhân viên y tế thôn bản trong giám sát, phát hiện sớm các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại; phối hợp thành lập các đoàn giám sát các Trung tâm Y tế huyện về chuyên môn kĩ thuật và giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai. Hỗ trợ các địa phương, đưa ra các giải pháp cung ứng vắc xin dại kịp thời cho các điểm tiêm tại tuyến huyện gặp khó khăn trong việc mua vaccine nhằm tránh tình trạng thiếu vaccine tại các điểm tiêm. Xây dựng ít nhất một điểm tiêm phòng dại/huyện; thực hiện nghiêm túc việc điều tra thông tin ca bệnh và báo cáo theo quy định…

Dũng Nguyễn 

comment Bình luận

largeer