Tự ý uống thuốc đau lưng của mẹ, con gái suýt mất mạng vì sốc phản vệ

Người phụ nữ 29 tuổi ở Cần Thơ đã bị sốc phản vệ nguy kịch sau khi tự ý lấy thuốc điều trị đau lưng của mẹ để uống.
08/09/2020 14:28

Suýt ôm hận vì uống thuốc của người khác

Chiều 7.9, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ bệnh viện vừa cứu sống liên tiếp hai trường hợp bị sốc phản vệ nguy kịch, trong đó có một bệnh nhân tự ý uống thuốc trị đau lưng của người thân.

Trước đó, nữ bệnh nhân N.T.H.L (29 tuổi, ngụ Cần Thơ) đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm sau khi tự ý dùng thuốc của người thân. Lúc nhập viện, bệnh nhân lừ đừ, đỏ ngứa toàn thân, chi lạnh, huyết áp thấp, thở nhanh co kéo, sưng nề mặt. Sức khỏe diễn tiến nặng khó lường.

Anh N.H.V, chồng bệnh nhân, cho biết hôm xảy ra vụ việc, chị L. cảm thấy bị đau lưng, biết mẹ cũng mới đi khám bệnh đau lưng về, bác sĩ có cho mua thuốc uống nên chị L. đã lấy thuốc của mẹ để sử dụng.

“Uống vô khoảng 2 tiếng sau, mình mẩy vợ tôi bị nổi đỏ lên hết. Tưởng là nổi mề đay nên qua tôi bên tiệm thuốc mua thuốc uống. Họ đưa cho viên thuốc uống. Cỡ 2 tiếng sau, mình mẩy vẫn vậy, tôi mới chở vợ ra phòng khám thì bác sĩ không có nhà, tôi ghé tiệm thuốc tây mua thêm một liều thuốc nữa để vợ uống. Khoảng 30 phút sau, mình mẩy vợ tôi tím tái hết nên mới tức tốc chở xuống bệnh viện này cấp cứu”, anh V. kể. 

img-51121_nbnz

Chị L đã có những biểu hiện dị ứng thuốc trước khi phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm sau khi tự ý uống thuốc của mẹ

Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ chẩn đoán đây là tình trạng sốc phản vệ do dị ứng thuốc không rõ loại và nhanh chóng xử trí theo phác đồ sốc phản vệ và chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc điều trị. Cho đến sáng 7.9, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định.

Trước đó, cũng chỉ vài ngày, một trường hợp sốc phản vệ nguy kịch khác cũng được cứu sống là bệnh nhân H.T.Đ (78 tuổi, ngụ Ô Môn, Cần Thơ). Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng hôn mê sâu, bóp bóng qua nội khí quản, mạch nhanh, huyếp áp thấp phải sử dụng thuốc vận mạch, đỏ toàn thân.

Được biết, cùng ngày nhập viện bệnh nhân được thực hiện tiểu phẫu cắt u lành phần mềm bàn chân phải tại bệnh viện địa phương, sau đó được cấp cứu ngưng tuần hoàn hô hấp và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Nhận định đây là trường hợp sốc phản vệ rất nặng, bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nội khoa kết hợp: Đái tháo đường loại 2, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, các bác sĩ hồi sức nội khoa tích cực và xử trí theo phác đồ sốc phản vệ. Đến nay, bệnh nhân đã phục hồi tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, được chuyển sang Khoa Nội Tiêu hóa - Huyết học lâm sàng theo dõi và điều trị tiếp.

Không được tùy tiện sử dụng thuốc

BS.CK2 Dương Thiện Phước, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết: Sốc phản vệ là một trong những phản ứng dị ứng cấp tính nguy hiểm nhất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ hô hấp, tuần hoàn và có thể nhanh chóng đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được xử trí kịp thời.

Sốc phản vệ có thể gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như: thuốc, thức ăn, nọc côn trùng, các yếu tố vật lý và hóa học…, trong đó thuốc là nhóm nguyên nhân rất thường gặp.

“Sốc phản vệ có 4 mức độ, mức độ 3 được xem là bắt đầu nặng, bệnh nhân có biểu hiện tụt huyết áp, khó thở do co thắt phế quản, có thể bị đau bụng nôn ói, những triệu chứng của thần kinh như là kích thích hoặc biểu hiện lơ mơ. Trường hợp nặng nhất là bệnh nhân phản ứng quá đột ngột, quá nhanh, có thể là ngưng tim, ngưng thở. Chính vì vậy khi sử dụng thuốc có những triệu chứng bất thường như là nổi mề đay hoặc thấy khó chịu, khó thở, chóng mặt, bệnh nhân nên đưa đến cơ sở ý tế gần nhất để có thể điều trị kịp thời”, BS Phước nói. 

Khuyến cáo thêm về an toàn sử dụng thuốc, BS.CK2 Bồ Kim Phương, Trưởng Khoa Nội Tiêu hóa - Huyết học lâm sàng cho rằng, những sai lầm khi tự ý dùng thuốc là khi bị bệnh, bệnh nhân thay vì đi khám để bác sĩ chẩn đoán và chỉ định thuốc, một số người đã tự ý chẩn đoán bệnh và mua thuốc tự dùng, đây được gọi là tự ý dùng thuốc. Thuốc giảm đau khiến người bệnh tưởng đã khỏi nhưng thực ra bệnh vẫn tiến triển và hậu quả không thể lường hết được… Việc dùng thuốc kháng sinh không đúng có thể gây tình trạng lờn thuốc. Có thuốc dùng lâu ngày sẽ dẫn đến nguy cơ gây loãng xương, cao huyết áp… nhất là các thuốc corticoide dùng để trị đau nhức.

Đã có nhiều trường hợp người bệnh tự ý dùng thuốc, sau đó phải nhập viện, nhẹ thì bị kích ứng da, nổi mẩn da, nặng thì sốt, hôn mê, thậm chí gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong.

“Cần nhớ rằng, mỗi cơ thể đều khác nhau, không ai giống ai, cho dù là những người cùng trong một gia đình. Chính vì vậy mà bệnh nhân phải cần tới sự tư vấn và chỉ định dùng thuốc từ bác sĩ”, BS Phương khuyến cáo.

 

comment Bình luận

largeer