Ứng dụng khoa học công nghệ phát triển vùng trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO ở Việt Nam

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền và thuốc từ thảo dược để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu. Trong vài thập niên gần đây, nhiều nước đã và đang đẩy mạnh việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu để hỗ trợ, phòng ngừa và điều trị bệnh.
29/05/2022 11:18

Tại buổi hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát triển và sử dụng nguồn dược liệu vì sức khỏe cộng đồng” do Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Ao Vua tổ chức ngày 23/4/2022, tại Khu du lịch Ao Vua (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội), bà Phan Thúy Hiền - Phó Viện trưởng Viện Dược liệu, Kiêm Giám đốc Trung Tâm NCT & CBCT Hà Nội đã báo cáo đề tài Ứng dụng khoa học công nghệ phát triển vùng trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO ở Việt Nam.

Công tác nghiên cứu và phát triển dược liệu tại Việt Nam

Nhằm phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam, cần sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên và xã hội để phát triển các vùng trồng dược liệu, gắn với bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên, đồng thời bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng bảo đảm an toàn và chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu. Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2013 về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ mục tiêu “đến năm 2020 đáp ứng được 60% và đến năm 2030 là 80% tổng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước”.

Với chủ trương của Đảng và Nhà nước, công tác phát triển dược liệu đã được quan tâm và chú trọng. Đầu tư nghiên cứu và ứng dụng KHCN đã được các đơn vị trên cả nước tập trung nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế của các địa phương và hướng tới xây dựng các vùng trồng dược liệu tập trung, phát triển các sản phẩm từ dược liệu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội. Trong những năm vừa qua, nhiều nhiệm vụ KHCN tập trung nghiên cứu đánh giá nguồn gen và phát triển dược liệu đã được triển khai thông qua các chương trình KHCN các cấp.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen cây dược liệu:

Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc trong cả nước, trải dài ở các vùng sinh thái. Nội dung hoạt động của toàn hệ thống tập trung vào: Điều tra và thu thập nguồn gen, bảo tồn nguồn gen (bảo tồn tại chỗ, bảo tồn chuyển chỗ, bảo tồn trên trang trại), đánh giá các chỉ tiêu sinh học và tư liệu hóa nguồn gen, xây dựng cơ sở dữ liệu, khai thác nguồn gen, đào tạo và truyền thông.

Điều tra cơ bản, thu thập nguồn gen: Hoạt động điều tra cơ bản được nhiều Viện nghiên cứu, trường Đại học, vườn Quốc gia…triển khai trên cả nước. Trong đó, một số đơn vị thực hiện thường xuyên như Viện Dược liệu, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Trường Đại học Dược Hà Nội, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội…

Bảo tồn nguồn gen: Song song với hoạt động điều tra là nghiên cứu bảo tồn những cây thuốc hiếm, bị đe dọa tuyệt chủng, cây thuốc có giá trị, phương thức bảo tồn chủ yếu là bảo tồn tại chỗ (in situ) kết hợp với bảo tồn chuyển vị (ex situ). Các loài cây thuốc quý theo kinh nghiệm của các dân tộc được bảo tồn trên trang trại (on farm) thông qua việc hình thành các mô hình vườn cây thuốc, hiện đang được đặc biệt quan tâm phát triển thông qua các dự án liên quan đến bảo tồn tri thức bản địa và phát triển dược liệu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam ở các tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Sơn La, Lạng Sơn, Yên Bái, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế... Viện Dược liệu hiện đang quản lý mạng lưới bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cây thuốc với hơn 1000 nguồn gen thuộc hơn 800 loài tại các vườn Sa Pa, Tam Đảo, Hà Nội, Thanh Hoá, Phú Yên, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh.

Từ năm 2011 đến nay, thông qua chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen cấp Quốc gia, nhiều đề tài nghiên cứu đã và đang được triển khai nhằm đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu, khai thác và phát triển nguyên liệu làm thuốc cho một số loài cây dược liệu. Trong đó, Viện Dược liệu đã chủ trì và phối hợp nghiên cứu trên một số đối tượng: Đẳng sâm Việt Nam, Hà thủ ô đỏ, Ngũ vị tử, Sâm ngọc linh, Bạch truật, Sâm bố chính, Cát cánh, Độc hoạt, Kim ngân, Huyền sâm. Sản phẩm đạt được từ các nhiệm vụ này là cơ sở dữ liệu về phân bố và đa dạng nguồn gen cây thuốc, vườn giống gốc, tiêu chuẩn giống, mô hình nhân giống, mô hình trồng và sơ chế dược liệu. Kết quả đạt được từ các nhiệm vụ này là tiền đề cho việc nhân rộng mô hình trồng ở quy mô lớn hơn nhằm phát triển vùng nguyên liệu làm thuốc cho địa phương.

Nghiên cứu phát triển giống và các giải pháp kỹ thuật trồng, sơ chế, bảo quản dược liệu

Với vai trò là Viện nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực dược liệu, Viện Dược liệu đã xác định được chức năng và nhiệm vụ về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ toàn diện về dược liệu; tư vấn cho Bộ Y tế về công tác phát triển dược liệu; nghiên cứu hiện đại hoá thuốc y học cổ truyền; tổ chức sản xuất, kinh doanh và liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc và các chế phẩm khác từ dược liệu; đào tạo cán bộ chuyên ngành dược liệu. Hiện tại, Viện có các Khoa chuyên môn, Trung tâm và các Trạm nghiên cứu đã và đang tham gia vào công tác phát triển dược liệu tại nhiều địa phương trong cả nước như: Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Bắc Trung bộ, Trung tâm Tài nguyên dược liệu, Trung tâm Sâm và dược liệu Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Sa Pa, Trạm nghiên cứu trồng cây thuốc Tam Đảo. Các đơn vị này thường xuyên làm việc trực tiếp với các địa phương, các cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân trong lĩnh vực phát triển dược liệu.

Để tạo ra các công nghệ có thể ứng dụng trong thực tiễn phát triển dược liệu, những năm gần đây Viện đã tập trung nghiên cứu:

- Đánh giá, chọn tạo, khảo nghiệm giống dược liệu có năng suất cao, chất lượng tốt.

- Nghiên cứu sản xuất cây giống sạch bệnh.

- Nghiên cứu và hoàn thiện quy trình trồng dược liệu theo các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).

- Nghiên cứu các phương pháp sơ chế, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sấy khô và bảo quản dược liệu.

- Nghiên cứu xác định thành phần sâu bệnh hại và xây dựng quy trình phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại hiệu quả, an toàn.

Để phục vụ nhu cầu cung cấp giống chất lượng cho các vùng trồng, Viện Dược liệu đã tập trung nghiên cứu tuyển chọn giống trên các đối tượng như Ngưu tất, Bồ công anh, Địa liền, Cúc hoa vàng, Hương nhu tía, Hy thiêm, Cà gai leo, Gấc, Nhân trần, Xuyên tâm liên, Địa hoàng, Bạch truật, Ngưu bàng, Huyền sâm, Bạch hoa xà thiệt thảo, Ích mẫu, Thảo quyết minh, Hoài sơn, Ý dĩ, Đan sâm, Cát cánh, Đương quy Nhật Bản, Đẳng sâm, Bạch chỉ, Hồng hoa… Viện cũng đã xây dựng bộ quy trình khảo nghiệm cho các giống dược liệu đã chọn lọc để đánh giá và phát triển vùng trồng ở các địa phương.

Theo quy định của Bộ Y tế, một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở nuôi trồng dược liệu là các khâu trong quá trình sản xuất dược liệu đều phải tuân thủ theo một quy trình kỹ thuật nhất định được ban hành dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học hoặc các tài liệu đã được công bố. Viện Dược liệu cũng đã nghiên cứu và ban hành quy trình nhân giống, trồng và sơ chế dược liệu cho hơn 60 loài cây dược liệu khác nhau. Nhiều quy trình đã và đang được áp dụng vào thực tế sản xuất ở nhiều địa phương trong cả nước.

Sâm Ngọc Linh là đối tượng được Viện đầu tư nghiên cứu trong thời gian dài tại 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, vùng có Sâm Ngọc Linh phân bố tự nhiên. Kế thừa kết quả nghiên cứu về nhân giống và trồng Sâm Ngọc Linh từ giai đoạn 2001 đến 2010, trong những năm vừa qua Viện đã tập trung nghiên cứu sâu hơn về các phương thức trồng Sâm dưới tán rừng và dưới giàn mái che, nghiên cứu di thực Sâm Ngọc Linh và thành phần sâu bệnh hại trên Sâm Ngọc Linh (Đề tài KC.06 “Nghiên cứu phát triển trồng Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.) ở một số khu vực có điều kiện sinh thái tương tự núi Ngọc Linh, 2011 – 2016). Từ kết quả đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn giống Sâm Ngọc Linh tại Kon Tum” do Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội thuộc Viện chủ trì, tiêu chuẩn giống Sâm Ngọc Linh đã được tỉnh ban hành và áp dụng cho địa bàn Kon Tum. Trong thời gian tới, Viện tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc chủ trì và phối hợp với các đơn vị trong địa bàn Kon Tum và Quảng Nam thực hiện chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia Sâm Ngọc Linh, đưa cây Sâm Ngọc Linh phát triển thành hàng hoá ở quy mô công nghiệp.

Ứng dụng KHCN phát triển các vùng trồng dược liệu theo GACP-WHO

Kết quả nghiên cứu được áp dụng trong thực tế thể hiện tính hiệu quả cũng như sự thành công của các nhiệm vụ KHCN. Thông qua Chương trình nông thôn mới, Chương trình nông thôn miền núi (Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025) cấp Trung ương và Địa phương, Viện Dược liệu hiện đang tham gia hỗ trợ ứng dụng công nghệ, chuyển giao quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng và sơ chế hơn 30 loài cây dược liệu cho hơn 25 dự án trong cả nước, tập trung ở vùng Đồng bằng, trung du Bắc Bộ, miền núi phía Bắc, Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên.

Về nhân giống, 100% các dự án này đều sử dụng vườn ươm có mái che để sản xuất cây giống, hạn chế thiệt hại do điều kiện thời tiết và sâu bệnh hại. Một số dự án sử dụng nhà lưới với hệ thống mái che hiện đại và có hệ thống tưới bán tự động như dự án trồng Giảo cổ lam tại Kon Tum, dự án trồng Đinh lăng và Đương quy Nhật Bản tại Đắk Lắk, dự án trồng Đinh lăng tại Ninh Bình.

Về quy trình trồng và sơ chế, 24/25 dự án đã áp dụng tiêu chuẩn GACP-WHO trong các mô hình sản xuất dược liệu với mong muốn tạo ra nguồn dược liệu an toàn cung cấp cho thị trường dược liệu trong nước, đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên liệu sản xuất thuốc an toàn, phục vụ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Một số dự án đã đưa công nghệ sấy mới vào sơ chế dược liệu, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất dược liệu sạch như: công nghệ sấy sử dụng năng lượng mặt trời, công nghệ sấy thăng hoa.   

Ở các vùng nông thôn, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trước đây người dân chủ yếu trồng theo các kỹ thuật truyền thống của địa phương. Các dự án được triển khai trên những địa bàn này đã có tác động đến cách tiếp cận và kỹ thuật của cán bộ dự án và người lao động tham gia vào dự án, đặc biệt là các dự án được triển khai theo GACP – WHO.

  Hiện nay, trên cả nước đã có hơn 60 vùng trồng của gần 40 loài cây dược liệu đã được chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn GACP-WHO với diện tích khoảng hơn 500 ha. Để đáp ứng mục tiêu xây dựng các vùng trồng sản xuất dược liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi trồng và tiêu thụ dược liệu.

Đánh giá chung về thực trạng phát triển dược liệu tại Việt Nam

Những thành công của các địa phương trong phát triển dược liệu

  - Trong những năm gần đây, các địa phương đã có nhiều quan tâm, chú trọng đến công tác phát triển dược liệu. Một số địa phương đã triển khai, thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu, đánh giá tiềm năng, lợi thế, xây dựng quy hoạch, chương trình, thông qua nghị quyết về phát triển dược liệu để phát triển kinh tế địa phương.  

  - Một số địa phương đã xác định được một số dược liệu có thế mạnh của vùng để đầu tư trong chọn tạo, sản xuất giống và bước đầu hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

  - Các địa phương đã tiếp nhận nhiều tiến bộ KHCN được chuyển giao từ một số đơn vị nghiên cứu để phát triển dược liệu chất lượng cao tại địa phương theo tiêu chí GACP-WHO.

  - Nhiều mô hình sản xuất dược liệu theo mô hình Nông nghiệp công nghệ cao đã được triển khai, hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao trong đó có phát triển cây dược liệu.

  - Các doanh nghiệp đã tạo được một số sản phẩm chất lượng cao từ các dược liệu tại địa phương để đáp ứng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho người dân.

Một số hạn chế, tồn tại trong phát triển dược liệu

- Đội ngũ cán bộ làm công tác ứng dụng KHCN, tiềm lực khoa học công nghệ của địa phương nhìn chung còn hạn chế, khả năng ứng dụng KHCN trong phát triển dược liệu vẫn nhỏ lẻ, manh mún, mang tính tự phát.

- Triển khai ứng dụng KHCN trong công tác phát triển dược liệu còn hạn chế, sản xuất giống vẫn chủ yếu theo phương pháp truyền thống nên năng suất và chất lượng không cao. Nhiều cơ sở sử dụng giống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, có sự nhầm giống, lẫn giống, thoái hoá giống ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng dược liệu.

- Một số vùng dược liệu chủ yếu canh tác theo kỹ thuật truyền thống, không có qui trình quản lý, kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến độ an toàn và chất lượng dược liệu như kiểm soát rủi ro kim loại nặng, vi sinh vật có hại, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân bón không hợp lý… Ở nhiều vùng sản xuất, công tác quản lý sau thu hoạch chủ yếu dừng ở việc làm khô theo hình thức phơi nắng hoặc sử dụng lò sấy than trực tiếp nên chất lượng dược liệu không ổn định và chưa đáp ứng được tiêu chuẩn dược liệu sạch. Công nghệ tiên tiến trong sơ chế, chế biến dược liệu hầu như chưa được khai thác và triển khai trong qui trình sản xuất. Cho đến nay, chất lượng dược liệu sản xuất ra chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thuốc của các doanh nghiệp.

  - Chưa xây dựng được nhiều vùng dược liệu tập trung, chủ yếu qui mô vẫn nhỏ lẻ, manh mún và chưa có nhiều. Triển khai “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (GACP – WHO) trong sản xuất dược liệu còn hạn chế.

- Nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu KHCN còn hạn chế, chưa đầu tư vào các nhiệm vụ mang tính tổng thể theo chuỗi giá trị và thương mại hóa sản phẩm từ dược liệu…

Một số giải pháp phát triển dược liệu

Giải pháp về chính sách

- Xây dựng cơ chế đặc thù đối với công tác phát triển dược liệu ở địa phương để phục hồi, phát triển các vùng trồng dược liệu truyền thống.

- Rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp triển khai nuôi trồng, khai thác và phát triển dược liệu, hỗ trợ chuyển giao xây dựng mô hình sản xuất và mô hình liên kết chuỗi giá trị dược liệu.

- Thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN nhằm tạo động lực cho người tiếp nhận và chuyển giao công nghệ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách trong chuyển giao công nghệ nhằm mang lại hiệu quả cao hơn.

- Khuyến khích, hỗ trợ liên kết vùng để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, theo dòng sản phẩm nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương, tạo ra các sản phẩm đa dạng, đồng bộ.

Giải pháp về đầu tư và tài chính

- Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng cho các đơn vị triển khai nghiên cứu và sản xuất dược liệu. Ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất theo hướng hàng hóa hiện đại và phù hợp với cách mạng 4.0 trong phát triển dược liệu.

- Hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp sản xuất chế biến đổi mới công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm từ dược liệu có sức cạnh tranh trên thị trường.

- Quan tâm và hỗ trợ để huy động nguồn lực cho hoạt động KHCN, ưu tiên nguồn kinh phí cho hoạt động KHCN về dược liệu. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các nhiệm vụ KHCN về lĩnh vực dược liệu.

- Ưu tiên đầu tư nguồn kinh phí cho hoạt động KHCN đối với những đối tượng dược liệu trọng điểm và có lợi thế cạnh tranh của vùng.

Giải pháp về khoa học công nghệ

- Đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo giống, công nghệ sản xuất giống cây dược liệu có năng suất và chất lượng. Tập trung đầu tư vào nhóm cây dược liệu có lợi thế của Vùng, các cây dược liệu thị trường có nhu cầu cao, có giá trị kinh tế cao...

- Nghiên cứu đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất các dược liệu mới được chọn tạo tại từng vùng sinh thái, ưu tiên nghiên cứu các biện pháp tiết kiệm đầu vào, tăng hiệu quả, thân thiện môi trường và phát triển bền vững.

- Áp dụng công nghệ tiên tiến trong canh tác dược liệu. Sử dụng các loại phân bón thế hệ mới, nâng cao hiệu quả sử dụng, công nghệ tưới hiện đại (tưới nhỏ giọt, tưới phun sương bán tự động), sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để đảm bảo an toàn cho cây trồng và người sử dụng. Tiến tới áp dụng công nghệ IoT trong canh tác một số cây dược liệu có giá trị cao.

- Nhân rộng việc áp dụng hướng dẫn của tổ chức Y tế thế giới về thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc (GACP - WHO) trên tất cả vùng trồng dược liệu trong khu vực Tây Nguyên.

- Áp dụng các công nghệ tiên tiến trong sơ chế và bảo quản: Công nghệ sấy lạnh, công nghệ sấy nhiệt vi sóng đảm bảo duy trì được mẫu mã, chất lượng dược liệu..

Giải pháp về nguồn nhân lực

- Đầu tư đào tạo nguồn nhân lực thực hiện công tác phát triển dược liệu, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn, trang bị cho cán bộ, người dân địa phương các kiến thức về dược liệu.

- Ưu tiên và có chính sách tốt, khuyến khích đội ngũ tri thức trẻ hoạt động trong lĩnh vực dược liệu công nghệ cao.

Giải pháp về hợp tác phát triển

- Tăng cường hợp tác, tạo liên kết 5 nhà bao gồm nhà Nông, nhà Doanh nghiệp, nhà Khoa học, nhà Quản lý và Ngân hàng thương mại để thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ KHCN vào phát triển dược liệu.

- Hợp tác không chỉ giữa các đối tác, các đơn vị, doanh nghiệp trong từng địa phương mà phải lan toả với các địa phương trong vùng và giữa các vùng khác nhau để phát huy tiềm năng, lợi thế của từng thành phần giúp cho việc triển khai các giải pháp KHCN để phát triển dược liệu.

- Đẩy mạnh hợp tác để thu hút nguồn lực đầu tư về vốn, KHCN, thị trường, kinh nghiệm để tạo đột phá trong phát triển dược liệu và tạo ra các sản phẩm có giá trị, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường và cùng nhau thúc đẩy thị trường phát triển.

Phan Thúy Hiền - Phó Viện trưởng Viện Dược liệu, Kiêm Giám đốc Trung Tâm NCT & CBCT Hà Nội

comment Bình luận

largeer