Ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 trước ở các tỉnh có dịch

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đang "huy động mọi nguồn lực trong và ngoài ngành cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay".
01/03/2021 11:05
Tiêm ngừa vắc xin COVID-19 ở Việt Nam: Tiêm trước ở các tỉnh có dịch - Ảnh 1.

 

Sáng 26-2, giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nanocovax được triển khai ở Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, tỉnh Long An, do Viện Pasteur TP.HCM thực hiện - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo nghị quyết của Chính phủ về các đối tượng và địa bàn ưu tiên tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, nhân viên y tế ở các khu điều trị bệnh nhân COVID-19, lực lượng quân đội, công an tham gia chống dịch, tổ chống dịch cộng đồng... sẽ là những người đầu tiên được tiêm chủng. Về địa bàn, sẽ ưu tiên vùng có dịch, đầu mối giao thông, khu vực đô thị tập trung đông người trước.

Tiêm trước ở các tỉnh có dịch

Với các nguyên tắc từ nghị quyết, hiện có 3/13 tỉnh có dịch đợt này thuộc diện đang và mới ghi nhận bệnh nhân, bao gồm Hải Dương, Quảng Ninh và Hải Phòng. Đây là những địa bàn được ưu tiên đầu tiên theo nguyên tắc kể trên, nhưng quyết định cuối cùng vẫn thuộc Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia.

Trước khi lô vắc xin trên 117.000 liều kể trên về tới Việt Nam, có ý kiến đề xuất đây là vắc xin đã được phê duyệt lưu hành ở nhiều nước, đã được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định, có thể không cần kiểm định lại. 

Tuy nhiên theo một quan chức phụ trách về tiêm chủng, đây là vắc xin mới, tiêm hoàn toàn trên người trưởng thành, vắc xin mới chưa có thời gian dài theo dõi kỹ về tỉ lệ gặp phản ứng không mong muốn, vì vậy việc đưa vắc xin vào chương trình phải thực hiện theo quy định của vắc xin tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia: kiểm định từng lô nhập khẩu, khám sàng lọc và hỏi tiền sử trước tiêm, theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm...

Dự kiến giữa tháng 3, lô vắc xin vừa nhập khẩu sẽ được chính thức đưa ra tiêm chủng. Cho đến nay, Bộ Y tế dự kiến mua được 91 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19, chưa kể 60 triệu liều đang đàm phán mua của Nga, với tổng số khoảng 150 triệu liều vắc xin tiêm cho 75 triệu người.

Sau khi vắc xin về đến Việt Nam, Bộ Y tế đã họp với các chuyên gia quốc tế, đánh giá về các phản ứng không mong muốn/các vấn đề có thể gặp phải khi tiêm vắc xin diện rộng.

Vắc xin Việt có hiệu quả miễn dịch với chủng virus biến chủng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Đặng Đức Anh - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, đơn vị triển khai thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covivac (do Viện Vắcxin và sinh phẩm y tế Nha Trang phát triển) trên người - cho biết mũi vắc xin Covivac tiêm trên người tình nguyện đầu tiên cũng sẽ vào giữa tháng 3.

Ông Đặng Đức Anh cũng cho biết ở giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật (đánh giá tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam) cho thấy vắc xin này có hiệu quả miễn dịch với chủng SARS-CoV-2 thông thường và 2 chủng virus biến chủng (chủng Anh và Nam Phi).

"Hiện đây là các chủng ghi nhận nhiều bệnh nhân nên đã thử nghiệm trước với các chủng này, tiến tới sẽ thử thêm hiệu quả miễn dịch với các chủng khác" - ông Đức Anh nói. Thời gian qua, thử nghiệm vắc xin Nanocovax với chủng virus biến chủng xuất hiện lần đầu tại Anh cũng cho thấy có hiệu quả miễn dịch.

Tiêm vắc xin có đảm bảo an toàn 100% không?

Thảo luận về các phản ứng có thể gặp, các chuyên gia quốc tế thống nhất nhận định không vắc xin nào đảm bảo an toàn 100%, nhất là vắc xin ngừa COVID-19 mới phát triển trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, vắc xin Pfizer - vắc xin Việt Nam đang đàm phán nhập khẩu - cần bảo quản ở nhiệt độ âm sâu (âm 70 độ C), nhưng khi rã đông cần tiêm trong vòng 5 ngày. 

Nếu không tiêm kịp trong thời gian đó do lý do khách quan thì sẽ phí vắc xin. Thực tế tại Mỹ cho thấy có một tỉ lệ vắc xin không sử dụng vì lý do này.

Đã tiêm 64 người, chưa ghi nhận phản ứng phụ

Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, đơn vị đồng triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vắc xin Nanocovax (vắc xin ngừa COVID-19 do Công ty Nanogen, Việt Nam phát triển) cho biết sau 3 ngày, đến 28-2 đã có 64 người tình nguyện từ 18 đến trên 60 tuổi tiêm vắc xin này ở các mức liều 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg, cho đến nay chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào gặp phản ứng không mong muốn.

Đầu tháng 3 này, sẽ có thêm 1 vắc xin Việt Nam bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người.

Giảm 70% người nhiễm COVID-19 sau khi tiêm vắc xin Pfizer đầu tiên

Chiến dịch tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh do virus corona gây ra tại Anh làm giảm đáng kể những trường hợp nhiễm COVID-19, giảm 70% người nhiễm bệnh trong số các nhân viên y tế đã được nhận một liều tiêm đầu tiên vắc xin của Pfizer-BioNTech, theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Cơ quan Y tế cộng đồng Anh.

Phân tích dữ liệu còn cho thấy liều tiêm nêu trên giúp giảm mức độ nhiễm, mắc bệnh không có triệu chứng, nhập viện và tử vong hơn 75% ở những người cao tuổi. Các kết quả trên được ghi nhận từ hai nghiên cứu trên các nhân viên y tế và những người 80 tuổi hoặc hơn.

Nghiên cứu trên những người cao tuổi cho thấy một liều tiêm vắc xin của Pfizer có hiệu quả khoảng 57% phòng chống bệnh có triệu chứng do COVID-19, và tiêm liều thứ hai sẽ gia tăng bảo vệ hơn 85%. Tỉ lệ nhập viện và tử vong đều giảm ở mọi lứa tuổi, nhưng nhóm cao tuổi nhất giảm thiểu nhiều nhất. Vắc xin này cũng giúp bảo vệ phòng chống bệnh do virus corona biến chủng (chủng Anh) gây ra.

Các nhà nghiên cứu ở Scotland nhận xét cả hai loại vắc xin COVID-19 của Pfizer và Oxford-AstraZeneca đều có hiệu quả bảo vệ cao để phòng chống nhiễm bệnh nặng.

Theo Tuổi trẻ

comment Bình luận

largeer