Vaccine COVID-19 và những điều cần biết

Sức khỏe luôn là mối quan tâm hàng đầu đối với mỗi người và cả cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc chủ động nâng cao sức khỏe để đẩy lùi bệnh tật càng quan trọng hơn bao giờ hết. Để làm được điều này chúng ta cần hiểu biết những kiến thức cơ bản cũng như chuyên sâu trong phòng chống bệnh tật.
30/08/2021 11:44

Hiện nay, dịch COVID-19 đang gây nên những tác động rất lớn tới người dân, cộng đồng và cả quốc gia. Vì vậy, để góp phần vào việc tuyên truyền cũng như cập nhật kiến thức cho các cán bộ tuyến y tế cơ sở, Hội Giáo dục chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Việt Nam đã phối hợp với Hội quân dân y Việt Nam và Bộ môn Y học gia đình - Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức Hội thảo “Phòng chống COVID-19 tại cộng đồng”.

Tại hội thảo, PGS. TS. BS Hồ Thị Kim Thanh - Trưởng Bộ môn Y học gia đình - Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ và trả lời các câu hỏi về vaccine COVID-19 và những điều cần lưu ý. 

Câu hỏi: “Tôi tiêm vaccine thì có bị mắc COVID-19 hay không?

PGS. TS. BS Hồ Thị Kim Thanh: Rất nhiều người mong muốn được tiêm vaccine nhưng cũng có rất nhiều người e ngại việc tiêm vaccine sẽ bị nhiễm COVID-19. Chúng tôi xin khẳng định là việc tiêm vaccine không làm cho người tiêm vaccine mắc COVID-19 với bất kể cơ chế nào.

hungdieucanbietkhitiem

Câu hỏi: Khi tiêm vaccine thì sau bao nhiêu lâu tôi sẽ được bảo vệ. Ví dụ như hôm nay tiêm thì ngày mai tôi không bị COVID đúng không?

PGS. TS. BS Hồ Thị Kim Thanh: Các nhà khoa học nghiên cứu cho thấy khi đưa vaccine vào trong cơ thể sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch, cơ thể sinh ra các kháng thể kháng lại virus SARS-CoV-2. Và thường sau mũi tiêm thứ nhất sau 4 ngày chúng ta mới sinh được đủ lượng kháng thể để tác động bảo vệ cơ thể và hiệu quả được cao nhất. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe thì khuyến cáo mỗi người cần tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Bên cạnh đó, hiện chưa xác định vaccine sẽ có tác dụng bảo vệ trong bao lâu, vẫn cần thêm nghiên cứu thêm và có nhiều khả năng phải nhắc lại thường xuyên (giống vaccine cúm).

Câu hỏi: Tôi cần tiêm mấy liều vaccine?. Nếu đã tiêm đủ 2 mũi thì bao nhiêu lâu tôi sẽ được tiêm mũi thứ ba?

PGS. TS. BS Hồ Thị Kim Thanh: Tất cả các loại vaccine như AstraZeneca, Pfizer, Moderna đều có khuyến cáo phải tiêm đủ 2 liều.

Về mũi thứ 3 của vaccine thì tôi cũng chia sẻ trách nhiệm cũng như quyền lợi trong cộng đồng thế giới. Hiện đang khan hiếm vaccine mà nhu cầu tiêm lại rất lớn, do đó lượng vaccine chưa đủ để bao phủ cho toàn người dân trên thế giới. Vì vậy, mới chỉ khuyến cáo là tiêm hai mũi vaccine còn mũi thứ 3 đến bao giờ thì sẽ tính toán sau.

Câu hỏi: Tôi có cần thực hiện 5K sau khi tiêm đủ vaccine?

PGS. TS. BS Hồ Thị Kim Thanh: Không đảm bảo 100% chúng ta không nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm và vaccine cần thời gian để phát huy tác dụng nên vẫn cần tuân thủ nghiêm biện pháp 5K, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách giúp bảo vệ đối tượng nguy cơ cao chưa được tiêm hoặc không đủ điều kiện tiêm phòng.

Câu hỏi: Vaccine có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của tôi?

PGS. TS. BS Hồ Thị Kim Thanh: Trước tiên, vaccine COVID-19 dự phòng cho chúng ta giảm mức độ bị mắc còn nếu bị mắc thì triệu chứng cũng rất nhẹ. Tiếp đó là giảm được tỷ lệ độ nặng của những người bệnh bị COVID-19.

Sẽ xuất hiện các triệu chứng sau tiêm: sưng đau nóng đỏ tại nơi tiêm, sốt, đau cơ, đau khớp, đau mỏi người, bồn chồn, tăng cảm giác đau,... Các tác dụng phụ này là phổ biến và thường kéo dài 1 - 2 ngày. Những triệu chứng này có thể rõ ràng hơn ở mũi 1 (với vaccine Astra Zeneca) hoặc mũi 2 (với vaccine Moderna và Pfizer).

Biến chứng nguy hiểm hiếm gặp như huyết khối sau tiêm vaccine: AstraZeneca là 4,6/1 triệu liều tiêm thứ nhất, vaccine Pfizer-BioNTech là 0,2/1 triệu liều tiêm thứ nhất (giảm dần theo độ tuổi và liên quan đến TS giảm tiểu cầu do dùng heparin). Đến tháng 6, số liệu từ Ủy ban Y tế Châu Âu (EMA) ghi nhận tỷ lệ viêm cơ tim cấp và viêm màng ngoài tim cấp lần lượt là 0,76 và 0,79 phần triệu với vaccine của Pfizer/BioNTech; 0,84 và 0,95 phần triệu với vaccine của Moderna; 0,95 và 1,2 phần triệu với vaccine của Astra Zeneca.

Câu hỏi: Những ai cần lưu ý chống chỉ định và thận trọng khi đi tiêm vaccine?

PGS. TS. BS Hồ Thị Kim Thanh: Để đảm bảo tiêm chủng không những nhanh mà phải an toàn, Bộ Y tế đưa ra những cái khuyến cáo về phiếu sàng lọc trước tiêm chủng và khuyến cáo sẽ được cập nhật liên tục. Với nhóm vaccine Pfizer và Moderna, ở quốc tế đã cho tiêm với trẻ từ 12 - 18 tuổi nhưng tại Việt Nam chưa cập nhật chỉ định này. 

Nhóm đủ điều kiện tiêm chủng là nhóm người hoàn toàn khỏe mạnh từ 18 tuổi trở lên, nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng là những người trên 65 tuổi, người có có cơ địa bệnh lý tiền sử dị ứng, nhóm mắc các bệnh mạn tính trong giai đoạn ổn định.

Đối tượng mắc bệnh lý nền nên tiêm vaccine để giảm được mức độ nặng và mức độ tử vong khi nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, chỉ tiêm trong giai đoạn bệnh lý nền đã được kiểm soát ổn định, do đó những người này khi đi tiêm phải mang theo sổ khám bệnh, kết quả xét nghiệm chụp chiếu gần nhất hoặc trực tiếp làm các xét nghiệm tại bệnh viện trước khi tiêm để đảm bảo an toàn. Lưu ý vẫn trì hoãn với nhóm: dùng corticoid liều cao (~pred 2mg/kg/ngày), hoá - xạ trị trong vòng 14 ngày, IVIgtrong vòng 90 ngày.

Một hiện tượng nữa rất hay gặp khi đi tiêm chủng đó là tăng huyết áp: Đối tuợng này vẫn được tiêm nếu huyết áp đã được quản lý ổn định. Lưu ý, tìm hiểu thông tin trước khi tiêm; tránh lo lắn; buổi tối trước khi đi tiêm không nên mất ngủ, nếu cần có thể uống một viên thuốc an thần vào buổi tối ngày hôm trước để giữ cho tinh thần thoải mái. Với người bệnh đang tăng huyết áp cần lưu ý, phải duy trì thuốc đều đặn trước khi đi tiêm, ngủ đủ giấc, giảm lo lắng, vào buổi sáng trước khi đi tiêm nên uống luôn viên huyết áp của ngày hôm đó.

nhungdieucanbietkhitiem

Câu hỏi: Người bệnh đái tháo đường tiêm chủng có an toàn?

PGS. TS. BS Hồ Thị Kim Thanh: Người bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể được đi tiêm chủng

Điều kiện để đi tiêm: Đường máu ổn định; Thử đường máu đầu ngón tay hoặc lần thử đường máu gần nhất; Không có triệu chứng lâm sàng của tăng đường máu cấp: khát, mệt, sút cân; Duy trì các thuốc đang điều trị.

Không cần điều chỉnh thuốc hạ đường máu sau tiêm vaccine, chỉ cần liên hệ trực tiếp với bác sỹ của mình để quản lý đường máu sau tiêm.

Câu hỏi: Những người bệnh dùng thuốc corticoid đến mức nào vẫn được tiêm vaccine COVID?

PGS. TS. BS Hồ Thị Kim Thanh: Vẫn được tiêm nhưng ở liều thấp còn nếu đang ở giai đoạn tấn công thì chúng ta sẽ tạm ngừng, trì hoãn đến khi bệnh giảm giai đọan cấp thì mới được đi tiêm.

Theo Quyết định 3445 ngày 15/7/2021 của Bộ Y tế nêu những người bệnh “đang dùng thuốc corticoid liều cao (tương đương hoặc hơn 2mg prednisolon/kg/ngày trong ít nhất 7 ngày)” thì nên trì hoãn việc tiêm vaccine phòng COVID-19.

- Corticoid liều cao làm giảm đáp ứng sinh kháng thể của cơ thể.

- Lo ngại những vaccine sử dụng virus bất hoạt có thể gây hại cho cơ thể khi sức đề kháng bị giảm do dùng thuốc corticoid có tác dụng ức chế miễn dịch. Tuy nhiên những vaccine sử dụng công nghệ tái tổ hợp hay véc tơ virus như Pfizer hay Moderna thì không lo ngại điều này.

- Các thử nghiệm đánh giá hiệu quả của các vaccine Pfizer hay Moderna đã loại trừ, tức không tiến hành trên những người đang điều trị thuốc corticoid liều cao (ví dụ với vaccine Moderna là liều tương đương≥ 20mg prednisolon/ngày) > 14 ngày trong vòng 6 tháng trước đó. Các thử nghiệm vaccine AstraZenca, Johnson & Johnson cũng loại trừ nhữngngười đang dùng thuốc ức chế miến dịch.

Câu hỏi: Người bệnh ung thư có nên tiêm vaccine?

PGS. TS. BS Hồ Thị Kim Thanh: Bệnh ung thư vẫn nên tiêm bởi như chúng ta biết những người này mà nhiễm SARS-CoV-2 thì sẽ bị nặng hơn.

Tuy nhiên, nếu đang truyền hóa chất, đang dùng hóa xạ trị thì trong vòng 14 ngày đó không nên tiêm bởi nếu tiêm thì hóa chất và tia xạ cũng sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng như không sinh được kháng thể sau tiêm còn giai đoạn ổn định thì người mắc bệnh ung thư vẫn được tiêm.

Câu hỏi: Có lưu ý như thế nào với nhóm bệnh nhân mắc bệnh thận mạn?

PGS. TS. BS Hồ Thị Kim Thanh: Đáp ứng với vaccine ở nhóm bệnh nhân mắc bệnh thận dường như kém hơn so với dân số nói chung. Nên các vaccine có hiệu lực cao được ưa thích sử dụng hơn.

Bệnh nhân lọc máu chu kỳ: Các cơ sở lọc máu là những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 rất cao. Sự hình thành kháng thể sau khi nhiễm COVID-19 được ghi nhận ở 100% số bệnh nhân lọc máu, nhưng độ bền của đáp ứng miễn dịch vẫn chưa rõ ràng. Vẫn nên tiêm.

Bệnh nhân đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch: Bệnh nhân thận hư, Lupus, ghép thận,...

- Điều trị đều bị loại trừ trong các nghiên cứu chính về vaccine COVID-19, không có dữ liệu.

- Ở nhóm bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp ức chế CD20 (VD: rituximab). Việc quyết định nên trì hoãn điều trị rituximab để tiêm vaccine hoặc thay thế bằng một liệu pháp ức chế miễn dịch khác nên được cân nhắc kĩ lưỡng vì có thể làm bùng phát bệnh tự miễn của bệnh nhân.

- Ở những bệnh nhân mắc bệnh tự miễn đang ở giai đoạn hoạt động, điều trị bệnh tự miễn nên được ưu tiên và xem xét trì hoãn việc tiêm chủng.

Câu hỏi: Tôi đang mang thai, tôi có thể tiêm vaccine COVID-19 hay không?

PGS. TS. BS Hồ Thị Kim Thanh: Mang thai khiến cho bà mẹ có nguy cơ mắc COVID-19 nặng hơn, nhưng hiện tại có rất ít dữ liệu đánh giá tính an toàn của vaccine phòng COVID-19 trong thời kỳ mang thai.

Phụ nữ mang thai có thể được tiêm vaccine phòng COVID-19 nếu lợi ích của việc tiêm phòng lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn do vaccine.

Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 (ví dụ: cán bộ y tế), hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh nặng (đang mắc bệnh nền) nên tư vấn với bác sỹ để cân nhắc về việc tiêm vaccine phòng COVID-19.

Câu hỏi: Tôi đang cho con bú, có nên tiêm vaccine hay không?

PGS. TS. BS Hồ Thị Kim Thanh: Phụ nữ sau sinh và bà mẹ đang cho con bú có thể tiêm vaccine nếu có sẵn vaccine.

Tiêm vaccine an toàn cho cả mẹ và bé. Vì vậy, bạn không cần phải tạm ngưng cho con bú sau khi tiêm vaccine.

Thu Trang

 

comment Bình luận

largeer