Vì sao dịch bùng phát mạnh trở lại ở Hà Nội?

Trong vòng chưa đầy hai tuần, CDC Hà Nội ghi nhận 117 người dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có chùm ca bệnh chưa phát hiện nguồn lây với số người tiếp xúc lớn.
17/07/2021 15:51

Sáng 17/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông báo việc ghi nhận 13 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 mới, trong đó 6 người thuộc chùm ca bệnh nhân viên ngân hàng tại số 25 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm).

Bên cạnh ổ dịch Công ty SEI - Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh) và xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức), Hà Nội đang phải đối mặt với 2 chùm ca bệnh phức tạp khác gồm: Nhân viên giao pizza tại cửa hàng số 30 Đoàn Trần Nghiệp (Hai Bà Trưng); 3 cán bộ Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ (Thanh Xuân).

Như vậy, sau khoảng thời gian ngắn dịch bệnh lắng xuống, Hà Nội đang phải đối mặt với đợt dịch mới phức tạp, khó lường hơn.

Dịch chùng xuống chứ không hết

Chùm ca bệnh không rõ nguồn lây phức tạp nhất ở Hà Nội hiện là nhóm nhân viên ngân hàng có địa chỉ tại 25 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm). Ca bệnh chỉ điểm là nữ nhân viên H., không có lịch trình liên quan đến các tỉnh, vùng dịch và 2 tháng nay không đi khỏi Hà Nội.

Theo báo cáo dịch tễ, ngày 14/7, bà H. sốt 38,5 độ C, đau họng. Ngày 16/7, bà đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám và được chuyển vào khu sàng lọc người ho sốt.

Sau khi lấy mẫu và làm xét nghiệm COVID-19, bà nhận kết quả dương tính. Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, phòng làm việc người này có trên 20 người, đã xác định 21 F1 cùng cơ quan. Qua lấy mẫu, CDC Hà Nội xác định 6 người trong nhóm này nhiễm COVID-19.

ah

Trụ sở Bộ Công Thương tại 25 Ngô Quyền phải phong tỏa do liên quan ca bệnh tại Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ. Ảnh: Việt Linh.

Chùm ca bệnh thứ hai chưa xác định nguồn lây là nhân viên giao pizza của cửa hàng số 30 Đoàn Trần Nghiệp (quận Hai Bà Trưng). Theo CDC Hà Nội, cửa hàng này gần với tòa nhà 189 Bà Triệu là nơi có 5 người mắc COVID-19 (đến từ TP.HCM) làm việc. Tuy nhiên, đơn vị này thừa nhận chưa có sự liên hệ rõ ràng nào của nhân viên giao pizza với nhóm ca bệnh từ TP.HCM.

Đến tối 16/7, lực lượng chức năng quận Hai Bà Trưng xác định 27 trường hợp F1 và 30 F2 của nhân viên này. Các mẫu xét nghiệm đã được lấy, đang chờ kết quả.

Ông Trương Quang Việt, Phó giám đốc phụ trách CDC Hà Nội, nhận định TP đang trong đợt dịch phức tạp nhất từ trước đến nay. Nguy cơ không từ 1, 2 hướng mà đến từ nhiều nguồn với nhiều cách thức đa dạng. Thời điểm này, ông Việt cho rằng "diễn biến dịch chỉ chùng xuống chứ không hết hẳn như các đợt dịch trước".

"Nguy cơ tại Hà Nội luôn ở mức rất cao, lớn hơn nhiều so với địa phương khác. Bắc Ninh, Bắc Giang sát TP, số ca nhiễm vẫn tăng. TP.HCM ở cách xa Hà Nội, nhưng lại là nguy cơ lớn nhất do đặc thù 2 địa phương là trung tâm giao lưu, văn hóa, kinh tế lớn", ông Việt nói với Zing.

Và thực tế, nhận định này không dừng lại ở mức nguy cơ. Hà Nội ghi nhận nhiều ca bệnh có nguồn lây từ Bắc Ninh (cán bộ Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ), Bắc Giang (ổ dịch Khu công nghiệp Thăng Long) và TP.HCM (nhiều ổ dịch rải rác tại Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Quốc Oai)...

Ổ dịch cũ, ca nhiễm mới

Một vấn đề khiến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP đau đầu suốt 2 tuần qua là diễn biến dịch ở khu công nghiệp Thăng Long chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây được cho là "thành trì quan trọng" của Hà Nội khi thực hiện "mục tiêu kép" - vừa chống dịch, vừa sản xuất, phục hồi.

Ổ dịch tại Công ty SEI - KCN Thăng Long được phát hiện vào ngày 5/7. Ba ngày sau, UBND huyện Đông Anh ra quyết định cách ly toàn bộ công nhân công ty này ngay tại nhà máy để tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, cũng từ thời điểm này, các ca mắc mới là nhân viên trong khu công nghiệp thường xuyên được phát hiện. Công ty MEDA và MOLEX cùng KCN cũng có bệnh nhân.

ka

Khu công nghiệp Thăng Long thường xuyên ghi nhận ca nhiễm mới trong 2 tuần qua. Ảnh: Việt Linh.

Theo ông Trương Quang Việt, nguyên nhân chủ yếu khiến ổ dịch này tiếp tục phát sinh ca nhiễm mới là số lượng công nhân làm việc cùng phân xưởng với ca F0 lớn, liên tục trong nhiều ngày, nên khả năng lây lan mạnh.

Vấn đề lây nhiễm chéo cũng khiến lãnh đạo Công ty SEI lo ngại. Tại buổi kiểm tra của Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh tại KCN, đại diện công ty cho biết việc cách ly ở công ty lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe người lao động, có nguy cơ lây nhiễm chéo. Công ty đề xuất được thuê thêm cơ sở lưu trú trên địa bàn để giãn cách và cho sản xuất trở lại từ 25/7 trong điều kiện tuân thủ quy định phòng, chống dịch.

Ngoài ra, ổ dịch tại xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức) tiếp tục xuất hiện ca nhiễm mới. Từ ngày 5/7 đến sáng 17/7, CDC Hà Nội đã phát hiện 10 người mắc COVID-19 tại ổ dịch này.

Thường trực Thành ủy Hà Nội hồi đầu tuần đã phải yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP ban hành công điện khẩn, dừng mọi hoạt động ăn uống, vui chơi đến khi có chỉ đạo mới. Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết TP có thể tiếp tục siết chặt, áp dụng các biện pháp chống dịch cứng rắn hơn nếu tình hình trở nên cực đoan.

“Mức độ và quy mô tạm dừng hoặc đóng dịch vụ có thể phải tăng lên cấp độ cao hơn nếu dịch tiếp tục diễn biến xấu. Ngược lại, khi nào tình hình được kiểm soát, bảo đảm điều kiện an toàn cho người dân, thành phố sẽ lại nới lỏng trở lại”, ông Dũng nói.

Ngày 12/7, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành văn bản yêu cầu từ 0h ngày 13/7, dừng tất cả hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), cửa hàng cắt tóc, gội đầu. TP tiếp tục yêu cầu dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và địa điểm công cộng.

Cùng ngày, UBND Hà Nội yêu cầu người đến từ TP.HCM cách ly tại nhà 14 ngày, xét nghiệm đủ 3 lần. TP cũng giao Công an Hà Nội lập 22 chốt kiểm soát, yêu cầu dừng phương tiện từ 14 địa phương có dịch vào Hà Nội. Người đến từ khu vực khác phải khai báo y tế và xét nghiệm COVID-19 nếu được lực lượng chức năng yêu cầu.

(Theo Zing)

comment Bình luận

largeer