Vì sao nên tắt đèn khi ngủ?

Các nhà khoa học Mỹ mới đây cảnh báo việc bật đèn khi ngủ, dù là ánh sáng mờ, cũng có thể làm tăng đường huyết và nhịp tim ở những người khỏe mạnh.
17/03/2022 11:14

Thông thường, nhịp tim sẽ giảm và chậm lại vào ban đêm, do não bộ của chúng ta bận lo phục hồi và tái tạo cơ thể. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho thấy nhịp tim tăng cao vào ban đêm là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim và tử vong sớm, còn đường huyết cao là dấu hiệu của tình trạng kháng insulin - một rối loạn chuyển hóa mà về lâu dài có thể dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2. Không chỉ vậy, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ giữa tiếp xúc ánh sáng nhân tạo vào ban đêm với việc tăng cân và béo phì, rối loạn chức năng trao đổi chất, bài tiết insulin, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tim mạch.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia tại Trường Y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern đã ngẫu nhiên chia một nhóm tình nguyện viên khỏe mạnh độ tuổi 20 thành 2 nhóm và yêu cầu họ ngủ 2 đêm liên tiếp trong phòng thí nghiệm. Một nhóm ngủ trong điều kiện ánh sáng mờ (đèn phòng bật dưới 3 lux), nhóm còn lại ngủ đêm đầu trong ánh sáng mờ và đêm thứ hai trong ánh sáng vừa phải (đèn phòng bật ở mức 100 lux). Tất cả người tham gia đều được kết nối với các thiết bị chuyên dụng cho phép thu thập dữ liệu đánh giá chất lượng giấc ngủ - bao gồm sóng não, hoạt động hô hấp, nhịp tim, điện tâm đồ. Ngoài ra, các chuyên gia cũng rút mẫu máu của họ để đo nồng độ melatonin trong khi ngủ. Đây là loại hoóc-môn điều chỉnh nhịp sinh học, hay còn gọi là đồng hồ ngủ - thức của cơ thể.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy việc tiếp xúc với ánh sáng dù rất mờ trong khi ngủ cũng tạo ra tình trạng thiếu sóng não chậm và giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM), giai đoạn ngủ mơ và não hoạt động tích cực. Hơn nữa, ngủ trong ánh sáng mờ cũng khiến nhịp tim tăng cao hơn, làm tăng tình trạng kháng insulin, cũng như gây mất cân bằng hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm vốn liên quan đến chứng cao huyết áp ở người khỏe mạnh. Tuy nhiên, hàm lượng melatonin trong cơ thể không có nhiều biến động khi ngủ trong ánh sáng mờ.

Theo Tiến sĩ Phyllis Zee - trưởng nhóm nghiên cứu, kết quả trên chứng minh việc tiếp xúc với ánh sáng mờ có thể dẫn đến những thay đổi sinh lý khó nhận thấy. Do đó, để ngủ ngon giấc và bảo vệ tim, hãy ngủ trong phòng tối. Nếu không quen ngủ mà thiếu ánh đèn, mọi người cần giảm độ sáng của đèn ít nhất 1-2 tiếng trước khi chợp mắt. Ngoài ra, tránh dùng đèn ngủ màu trắng hoặc xanh lam vì chúng có thể gây khó ngủ, nên chọn đèn có tông màu đỏ hoặc nâu.

Theo CNN

comment Bình luận

largeer