Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV tốt nhất thế giới

Chiều ngày 29/8, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện Huy động ủng hộ cho Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét do Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp với Đại sứ quán Mỹ đồng tổ chức. PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế tham dự sự kiện cùng sự góp mặt của đại diện WHO, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và các cơ quan liên quan,...
30/08/2022 08:30

Tại sự kiện này, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, duy trì được tốc độ tăng trưởng dương. Với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả, dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát trên phạm vi cả nước, các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch. Ổn định kinh tế vĩ mô; Đảm bảo các cân đối lớn; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn bày tỏ, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp của các nhà tài trợ quốc tế thời gian qua đặc biệt là Quỹ Toàn cầu trong cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét. Kể từ năm 2004 cho tới nay, Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam khoảng 450 triệu USD cho các dự án phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét. Thông qua các chương trình, dự án, Quỹ Toàn cầu đã giúp cho Việt Nam triển khai nhiều hoạt động kiểm soát được HIV, bệnh Lao và sốt rét.

Sự kiện do Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp với Đại sứ quán Mỹ đồng tổ chức để ủng hộ vòng huy động tài trợ thứ 7 của Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét

Sự kiện do Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp với Đại sứ quán Mỹ đồng tổ chức để ủng hộ vòng huy động tài trợ thứ 7 của Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét

Việt Nam nằm trong top 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV tốt nhất thế giới, tỷ lệ điều trị ARV có tải lượng dưới ngưỡng ức chế đạt 96%

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, về công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam hiện là một trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên cam kết thực hiện mục tiêu 95-95-95 của Liên Hợp Quốc. Với mục tiêu này Việt Nam đã đạt được 84-79-96, số mới nhiễm HIV và tử vong do HIV/AIDS đã giảm 2/3 trong 10 năm qua.

Để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh dịch AIDS vào năm 2030, việc đảm bảo nguồn lực tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là một thách thức to lớn đối với Việt Nam. Trong thời gian qua Việt Nam đã hết sức nỗ lực để huy động các nguồn lực tài chính trong nước và chuyển giao thành công chương trình điều trị HIV/AIDS cho gần 170.000 người nhiễm HIV sang nguồn quỹ BHYT. Mặc dù vậy, kể cả nguồn tài chính trong nước và nguồn tài trợ quốc tế mới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu kinh phí hàng năm.

Vẫn còn nhiều thách thức đối với bệnh lao và bệnh sốt rét

Đối với công tác phòng, chống lao, mặc dù đã đạt nhiều thành tựu to lớn, là 1 trong 9 nước đạt mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) cả 3 chỉ số giảm dịch tễ bệnh lao, là 1 trong 3 nước đi đầu trong thực hiện nghiên cứu kết thúc bệnh lao của WHO (Việt Nam, Brazil và Nam Phi) và là quốc gia tiên phong trong việc triển khai Chiến lược kết thúc bệnh lao toàn cầu, nhưng Việt Nam hiện vẫn là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Ước tính mỗi năm có hơn 172.000 người người mắc bệnh lao và 10.400 người chết vì bệnh lao.

Dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam có giảm, nhưng quá chậm, chưa đạt tỷ lệ mong muốn để tiến tới đạt mục tiêu cơ bản chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam năm 2030. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến lộ trình chấm dứt bệnh lao, gây đình trệ các hoạt động phòng chống lao tất cả các tỉnh/ thành phố từ cuối năm 2020 đến đầu tháng 4/2022.

Chương trình chống lao đã có những cam kết của Chính phủ trong việc đầu tư kinh phí cho các can thiệp phòng chống lao. Tuy nhiên, cho đến nay, các nguồn lực trong nước mới đáp ứng khoảng gần 50%, chủ yếu đến từ hỗ trợ nguồn nhân lực (lương của nhân viên y tế các tuyến), cơ sở hạ tầng, các chi trả từ quỹ Bảo hiểm y tế.

Đối với bệnh sốt rét, trong các thập niên trước, sốt rét ở Việt Nam là một gánh nặng lớn đối với ngành y tế. Hiện nay sốt rét đã giảm mạnh, từ hơn 1 triệu trường hợp mắc và 4.646 trường hợp tử vong năm 1991 xuống còn 467 trường hợp vào năm 2021, không có tử vong. Dự kiến đến cuối năm 2022, có 42/63 tỉnh loại trừ bệnh sốt rét, dân số có nguy cơ còn khoảng 7 triệu người.

Tại sự kiện này, Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe cho biết Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc bảo vệ người dân chống lại AIDS, Lao và Sốt rét trong những thập kỷ qua, bao gồm cả việc cải thiện điều trị cho những người bị ảnh hưởng. 3 khoản tài trợ của Quỹ Toàn cầu hiện đang hoạt động cho đến năm 2023, tập trung vào việc giảm thiểu các ca nhiễm mới và giảm tỷ lệ tử vong trên toàn cầu, tất cả đều phù hợp với mục tiêu của Việt Nam nhằm loại bỏ các bệnh này vào năm 2030.

Quỹ Toàn cầu qua 20 năm hoạt động đã góp phần cứu sống hàng triệu người

2022 đánh dấu 20 năm hoạt động của Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét (gọi tắt là Quỹ Toàn cầu). Từ năm 2002, Quỹ Toàn cầu đã sử dụng gần 55 tỷ đô la Mỹ cho cuộc chiến chống AIDS, lao và sốt rét, bao gồm xây dựng các hệ thống y tế thích ứng và bền vững, sẵn sàng ứng phó với đại dịch, củng cố hệ thống cộng đồng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và bình đẳng giới. Đối mặt với đại dịch COVID-19, ngoài việc duy trì biện pháp chương trình can thiệp cốt lõi, Quỹ Toàn cầu đã phê duyệt 4,1 tỷ đô la Mỹ để hỗ trợ 108 quốc gia và 21 chương trình đa quốc gia nhằm chống lại COVID-19 và bảo vệ thành quả chống lại ba căn bệnh này.

Sự hợp tác của Quỹ Toàn cầu đã cứu sống 44 triệu người, vào năm 2020, đưa 21,9 triệu người tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng virus HIV, điều trị cho 4,7 triệu bệnh nhân lao và phát 188 triệu màn chống muỗi.

2022 đánh dấu Vòng Huy động tài trợ lần thứ bảy của Quỹ Toàn cầu. Cơ chế hỗ trợ tài chính lớn nhất cho phòng chống các bệnh HIV, lao và sốt rét này kêu gọi tài trợ và tái đầu tư cho các nước theo chu kỳ 3 năm. Trong giai đoạn 2021-2023, Quỹ Toàn cầu đầu tư 4,9 tỷ đô la Mỹ vào các hệ thống y tế chính thức và cộng đồng thông qua các khoản tài trợ cốt lõi và ứng phó COVID-19, đồng thời chi hơn 4 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho các khoản tài trợ để đẩy nhanh việc chấm dứt các bệnh HIV, lao và sốt rét.

Phần lớn nguồn tài trợ cho Quỹ Toàn cầu là từ các chính phủ và tại Vòng Huy động tài trợ lần thứ sáu, 14 tỷ đô la Mỹ đã được cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế cam kết- mức tài trợ lớn nhất huy động được trong lịch sử cho một chương trình y tế đa phương.

Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của Quỹ Toàn cầu, đóng góp 1/3 trên tổng tài trợ và đã hỗ trợ hình thành định hướng chiến lược và chính sách như một thành viên Hội đồng Quỹ Toàn cầu. Tới nay, Mỹ đã đóng góp 20,97 tỷ đô la Mỹ, và cam kết đóng góp 4,69 tỷ đô la Mỹ trong Vòng Huy động tài trợ lần thứ sáu. Vòng Huy động tài trợ lần thứ bảy do Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ diễn ra trong tháng 9 tới, Tổng thống Mỹ Jode Biden đã có những tín hiệu cam kết đầu tư lên tới 6 tỷ đô la Mỹ nhằm kêu gọi với mỗi 1 đô la Mỹ được ủng hộ, sẽ có 2 đô la được ủng hộ bởi các nhà đầu tư khác.

Thụy Điển cho tới nay đã đóng góp 1,2 tỷ USD cho Quỹ Toàn cầu kể từ khi tổ chức này ra đời. Bên cạnh Thụy Điển, các nước G7, Liên minh châu Âu (EU), Đức, Anh,... và các đối tác phi G7 khác cũng bày tỏ cam kết tiếp tục đóng góp các khoản tài trợ lớn cho Quỹ Toàn cầu cho các hoạt động phòng chống lao, sốt rét, HIV/AIDS trên toàn thế giới. Chẳng hạn như Đức cam kết 1,2 tỷ Euro, Nhật Bản cam kết 1,08 tỷ USD, Anh 1,4 tỷ bảng Anh, Pháp dự định cam kết tài trợ 1,296 tỷ Euro, Thụy Điển cam kết khoảng 280 triệu USD,...

Theo Sức khỏe đời sống

comment Bình luận

largeer